Mất tiền tỷ vì tin 'cò' chạy việc
Hằng năm, Công an các đơn vị, địa phương vẫn đều đặn tiếp nhận nhiều trường hợp là nạn nhân trong các đường dây, cá nhân đứng ra nhận tiền để lo công việc nhưng tiền mất, việc thì chẳng thấy đâu. Điều đáng nói, phương thức và thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực này dù tinh vi, có tổ chức song cách thức thì vẫn lối mòn, nhưng năm nào cũng có thêm những nạn nhân mới sập bẫy.
Núp bóng chạy việc để chiếm đoạt tiền tỉ
Tháng 6/2017, con trai đầu của chị Nguyễn Thị Chuyên, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Với mong muốn con về quê để gần gũi gia đình, chị đã vận động con trai về dù tân cử nhân này có thể dễ dàng tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội.
Tưởng ở quê dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm hơn nhưng sau vài lần, thấy một số đơn vị sở, ban ngành thông báo tuyển dụng, con trai chị nộp hồ sơ nhưng “một đi không trở lại”, một số đơn vị có tổ chức thi tuyển nhưng không đạt nguyện vọng.
Hơn một năm sau ngày ra trường, cậu này vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Lo lắng khi thấy con trai chán nản, sợ cháu lại ôm hành lý tư trang ra thủ đô tìm kiếm cơ hội việc làm, nên khi có người quen giới thiệu với bà Hoàng Thị Liêu, trú xóm 13, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An có khả năng xin việc vào Cảng hàng không quốc tế Vinh, chị Chuyên như kẻ chết đuối vớ được cọc, vội vã tìm đến đặt vấn đề xin cho con trai vào bộ phận an ninh sân bay. Dù chẳng biết bà Liêu làm gì, khả năng đến đâu nhưng tin tưởng người quen, lại đang cần việc gấp cho con trai nên khi bà này yêu cầu số tiền 600 triệu đồng để “chạy việc”, chị Chuyên đã chuyển đầy đủ. Đổi lại, chị này được bà Liêu viết cho một cái giấy hẹn, cam kết đến tháng 10/2018 sẽ lo xong việc cho con trai vào làm tại Sân bay Vinh.
Nhưng đến thời hạn trên, bà Liêu vẫn chưa lo được việc cho con trai chị Chuyên, khiến gia đình rất sốt rột. Nhiều lần thúc giục, bà này lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn. Sau cùng, chị Chuyên buộc phải bắt người này viết giấy cam kết, nhưng suốt hơn 4 năm qua, đã không biết bao nhiêu lần cầm giấy cam kết, giấy hẹn trên tay nhưng đến ngày lại chuốc thêm nỗi thất vọng. Nghi ngờ năng lực của người phụ nữ này, chị Chuyên cất công ra tận Cảng hàng không quốc tế Vinh để tìm hiểu thì mới vỡ lẽ, Hoàng Thị Liêu không có quan hệ gì với đơn vị này, cũng chưa từng liên hệ để xin việc cho ai tại đây. Lúc này, biết mình mắc phải bẫy lừa, chị Chuyên yêu cầu trả lại tiền thì được khất lần, sau đó lảng tránh rồi cắt đứt liên lạc, bỏ trốn khỏi địa phương.
Tìm hiểu thêm, chị Chuyên mới biết, mình không phải là nạn nhân duy nhất, khi thời điểm này có nhiều người cũng đang truy lùng bà Liêu để đòi lại tiền. Họ trót tin lời để nhờ bà ta “chạy việc” cho con vào làm tại các sân bay Vinh, Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng… với số tiền mỗi nạn nhân bỏ ra không dưới nửa tỉ đồng. Cực chẳng đã, các bị hại đã làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an.
Vào cuộc xác minh, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy tố cáo của các bị hại là có cơ sở, song đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Sau một thời gian truy tìm, lần theo các mối quan hệ, xác minh được đối tượng đang lẩn trốn tại nhà người quen ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nên đã phối hợp bắt giữ.
Ngày 12/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Hoàng Thị Liêu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu, xác định với thủ đoạn lừa xin việc vào các sân bay trong cả nước, Liêu đã chiếm đoạt của nhiều bị hại hơn 2,5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này, Hoàng Thị Liêu sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.
Nạn nhân “vô tình” tiếp tay cho tội phạm
Cùng thời gian này, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cũng đã khởi tố bắt tạm giam đối tượng Cao Thị Thu Hà (SN 1990), trú tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Đầu năm 2022, biết một người quen trú tại huyện Nghĩa Đàn đang có nhu cầu xin việc cho con vào làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, dù không có bất cứ mối liên hệ nào song đang cần tiền tiêu xài và trả nợ, Hà đã “nổ” mình thân quen với lãnh đạo ngân hàng, có thể can thiệp để nhận người vào làm việc. Tin lời, người này đã nhiều lần chuyển cho Hà tổng số tiền là 850 triệu đồng. Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện và làm rõ, Cao Thị Thu Hà dùng thủ đoạn tự xưng mình đang làm việc tại Quân khu 4 và có nhiều mối quan hệ có thể mua được ô tô giá rẻ hơn thị trường bán ra, mỗi xe rẻ hơn từ 100 đến 200 triệu đồng để “dụ” 3 bị hại trên địa bàn huyện Diễn Châu và Nghĩa Đàn, chuyển cho Hà với số tiền gần 3,5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này, đối tượng sử dụng vào mục đích trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trung bình mỗi năm, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, ở mỗi địa phương đều xảy ra từ 3-5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa xin việc làm, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỉ, thậm chí là hàng chục tỉ đồng.
Điển hình là đầu tháng 8/2022, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Anh Tuấn (SN 1984), trú xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) 16 năm tù. Đang là bác sĩ làm việc tại Trung tâm tiêm chủng Vacxin Nghệ An, dù không có chức năng, nhiệm vụ trong bố trí việc làm nhưng Hải đã cấu kết với Trần Văn Quân (SN 1987), trú phường Trường Thi, TP.Vinh – là nhân viên giữ xe của trung tâm - để nhận tiền của người lao động xin việc, tuyển dụng vào làm, đi học tại các cơ quan trong cả nước. Trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2021, cả hai đã cùng nhau thực hiện 18 hành vi lừa đảo để xin việc làm, xin học tại các trường đại học cho 51 người lao động với số tiền chiếm đoạt hơn 3,67 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 1/2021, hai “siêu lừa” Lê Thị Tuyết (SN 1979) và Trần Ngọc Tuyên (SN 1959) cùng trú xã Nghi Kim, TP.Vinh bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tổng cộng 32 năm tù. Trong thời gian 3 năm, từ 2017 đến năm 2019, hai đối tượng này đã cấu kết, lập nên đường dây “chạy việc” vào các bệnh viện, nhận của nhiều bị hại để chiếm đoạt số tiền gần 6 tỉ đồng.
Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, tội phạm núp bóng xin việc làm để lừa đảo hiện nay vẫn tồn tại do nhu cầu xin việc của một bộ phận người dân rất lớn. Họ nóng lòng mong muốn con, cháu mình sớm có việc làm ổn định, cộng với định kiến biên chế còn đè nặng nên sẵn sàng chi ra số tiền lớn để “chạy” mà không tìm hiểu kĩ lưỡng, không đăng ký tuyển dụng theo cơ chế minh bạch. Trong khi đó, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này thường rất tinh vi, có nhiều chiêu trò để dẫn dụ “con mồi” vào bẫy. Thực tế cho thấy, quá trình điều tra cơ quan công an phát hiện nhiều thủ đoạn ma mãnh như cấu kết, phân công với nhau trong từng công đoạn, sau đó làm giả các quyết định tuyển dụng để hối thúc bị hại nộp tiền rồi chiếm đoạt.
Trong khi đó, theo phân tích của luật sư Bùi Hà Phương, Văn phòng Luật sư Tất Thành và cộng sự, Đoàn Luật sư Nghệ An thì, một phần vẫn do người dân rất chủ quan và quá tin tưởng vào những lời đường mật của tội phạm đội lốt ân nhân. Khi muốn xin việc vào một đơn vị nào đó, thông qua nhiều kênh thông tin có thể tìm hiểu, xác thực từ cơ sở trước khi “xuống tiền” cũng chưa muộn. Ngoài ra, cần tìm hiểu kĩ người nhiệt tình giúp đỡ mình có thực sự đang công tác tại cơ quan, đơn vị nào đó như họ tự nhận hay không, cũng không khó. Song, những động thái đơn giản này, gần như chẳng có bị hại nào thực hiện. Chỉ đến khi mất tiền mới cầu cứu đến cơ quan chức năng, lúc này mọi sự đã rồi nên rất khó để đòi lại được quyền lợi.
Cùng với đó, cũng không loại trừ thực tế là, ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương, vẫn còn tình trạng tiêu cực trong tiếp nhận, bố trí công việc và đây là kẽ hở để tội phạm liên quan đến “chạy việc” lợi dụng, tận dụng để tìm “đất sống”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/mat-tien-ty-vi-tin-co-chay-viec-i679131/