Mặt tối đằng sau các cuộc thi sắc đẹp
Sau nhiều năm im lặng, Hoa hậu Thế giới năm 2008 người Philippines - Janina San Miguel - đã quyết định nói ra sự thật đằng sau các cuộc thi sắc đẹp ở đất nước này: Những lời đề nghị khiếm nhã, sự cô lập với xã hội đến việc lạm dụng steroid trái phép...
Từ bỏ vương miện
Janina San Miguel 17 tuổi khi giành được vương miện của một trong những cuộc thi sắc đẹp danh giá nhất Philippines. Từ đó, cô đại diện đất nước tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Nhưng 3 tháng ngắn ngủi sau cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2008, thí sinh chiến thắng cuộc thi Binibining Pilipinas (Hoa hậu Philippines) này đã khiến người hâm mộ sốc khi cô trả lại vương miện, quay lưng lại với sự nổi tiếng và những hứa hẹn đầy quyến rũ. "Nếu có cơ hội quay ngược thời gian, tôi ước mình không bao giờ tham dự xcuộc thi" - cựu nữ hoàng sắc đẹp nói.
Trước đó, cô viện lý do cá nhân để trao trả vương miện, kể cả lấy lý do ông của cô mất. Song trong một cuộc phỏng vấn mới đây với chương trình Undercover Asia, cô đã phá vỡ im lặng, tiết lộ trải nghiệm của mình trước những lời đề nghị khiếm nhã, sự cô lập với xã hội cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của nhà tổ chức cuộc thi. Tất cả điều đó khiến cô từ bỏ danh vọng.
"Tôi nhận được rất nhiều (đề nghị). Chúng tôi được đề nghị một hợp đồng trị giá 3 triệu peso (hơn 60.000 USD) cho tình một đêm. Một người nào đó đề nghị tôi làm bạn gái của anh ta với giá 25 triệu peso (hơn 501.000 USD)" - cô nhớ lại. "Đây là mặt trái của các cuộc thi sắc đẹp. Có rất nhiều người muốn một nữ hoàng sắc đẹp làm bạn gái hoặc vợ của họ" - Janina cho biết.
Philippines là một đất nước bị ám ảnh bởi các cuộc thi sắc đẹp. Trong thập kỷ qua, đất nước này đã giành được tới 9 vương miện về sắc đẹp quốc tế. Điều này đã kích hoạt một làn sóng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và mang lại nhiều kỳ vọng ở các cuộc thi.
Nhưng khi nhiều phụ nữ, và cả đàn ông, ngày càng cạnh tranh nhau trong những cuộc thi sắc đẹp, thì các cuộc thi cũng trở thành chốn để những kẻ háo sắc săn tình.
"Cần những anh hùng"
Trên khắp đất nước Philippines, các cuộc thi sắc đẹp địa phương mọc lên như nấm, từ cấp làng xã đến tỉnh, thành phố.
Nhưng không giống như nhiều quốc gia - nơi mà các nữ hoàng sắc đẹp chỉ là "những người chiến thắng của một show truyền hình", thì ở Philippines, họ "được đối xử như tổng thống" - Giáo sư Jose Joseell Capili từ Đại học Nghệ thuật và Thư tín Diliman nói.
Những người đẹp đó được gặp nguyên thủ quốc gia Philippines. Những người đẹp còn được tôn vinh như anh hùng vì chiến thắng của họ "khiến quê hương mình được biết đến, có thể có cơ hội hội nhập với phần còn lại của thế giới, đặc biệt khi đó lại là vùng xa xôi hẻo lánh". "Đó là con đường ngắn nhất đến với đặc quyền. Ở đất nước này, chúng tôi đang rất cần những anh hùng" - Giáo sư Jose cho biết.
Mercedes Pair - người mẫu Trung Quốc gốc Philippines - biết rất rõ rằng chiến thắng trong một cuộc thi có thể giúp cô trở thành người nổi tiếng ở Philippines và đạt được chứng thực trị giá cả triệu peso. Cô khao khát trở thành nữ hoàng sắc đẹp một phần vì mẹ cô đang phải "chiến đấu" với căn bệnh thận mãn tính ở Hong Kong (Trung Quốc).
Thu nhập từ việc giành vương miện cùng các hợp đồng chứng thực sẽ có thể được dùng để thanh toán các hóa đơn y tế cho mẹ cô. Vì vậy, cô bỏ sự nghiệp người mẫu và gia đình ở Hong Kong để tham gia cuộc thi Binibining Pilipinas tại Manila - cuộc thi đã "sản sinh" ra 4 người đẹp chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Filipina.
"Tôi là trụ cột duy nhất của gia đình, nên tôi đã nghĩ cách làm thế nào để có thể kiếm được nhiều tiền nhất trong một khoảng thời gian ngắn? Nếu mẹ không bị bệnh như thế, thì tôi nghĩ mình không có động lực để làm vậy" - Mercedes Pair cho hay.
Hàng nghìn người đăng ký tham dự cuộc thi này, song chỉ có 40 cô gái được chọn vào vòng tiếp theo. Trong đó, 5 người giành chiến thắng cao nhất sẽ có hợp đồng chứng thực trị giá gần 1,5 triệu peso cho mỗi người.
Họ cũng nhận được vinh dự đại diện cho đất nước Philippines trong 5 cuộc thi sắc đẹp quốc tế tương ứng. Con đường đến vương miện, tuy nhiên, có thể tốn kém. Một số cô gái phải mất chi phí từ 500.000-700.000 peso. "Ngân sách của bạn phụ thuộc vào số tiền bạn có hay có ai tài trợ cho bạn. Nhưng tham gia một cuộc thi sắc đẹp chắc chắn là không miễn phí. Có một quan niệm sai lầm... rằng chúng tôi đang được để ý vì có rất nhiều nhà tài trợ cũng như mọi thứ đều được chi trả" - Pair nói.
Với quyết tâm, trong khi không có thu nhập, Pair đã đánh cược tất cả tiền tiết kiệm vào cuộc chơi này.
Người Philippines dường như phát cuồng với các cuộc thi sắc đẹp. "Chúng tôi dùng sắc đẹp để làm vốn. Vì họ sinh ra rất đẹp. Sắc đẹp đưa họ đến với công chúng và nắm bắt được những cơ hội... Nỗi ám ảnh dường như tăng lên. Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thi trong trường học, thậm chí cho cả người Philippines ở nước ngoài" - Nathalie Africa-Verceles, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phụ nữ ở trường Đại học Philippines, cho SCMP biết.
Những nhà tài trợ có mục đích
Vài cô gái trong số những người đẹp này còn phải đối mặt với nhiều đề nghị không mong muốn từ phía các nhà tài trợ có mục đích, mà thường là những người quyền lực.
William - phóng viên chuyên đưa tin về các cuộc thi sắc đẹp trong 15 năm qua - đã chứng kiến một sự cố, trong đó nhà tổ chức cuộc thi yêu cầu các thí sinh ngồi với các vị khách đã mua vé tham dự sự kiện và cả những vị khách đang chè chén say sưa. Một số người đẹp đã phải cầu xin các nhà báo giúp đỡ, nhưng sau đó các nhà báo này "được bảo rằng đừng có can thiệp".
"Chúng tôi muốn giúp đỡ các cô gái. Nhưng không ai muốn bị tống cổ ra khỏi sự kiện. Không có trường hợp nào được ghi nhận... Tất cả họ đều e sợ" - William cho biết.
Những nhà tài trợ này đều lắm tiền nhiều của. Nếu các thí sinh lên tiếng chống lại họ, họ sẽ lấy đi mọi thứ để khiến các cô gái phải im lặng" - William nói.
Năm 2018, cuộc thi Hoa hậu Trái đất diễn ra tại Manila gây chấn động thế giới khi 3 thí sinh cùng lên tiếng cáo buộc bị quấy rối tình dục và nhận được những lời đề nghị khiếm nhã từ một trong các nhà tài trợ. Jaime VandenBerg, người đẹp đại diện cho Canada, nói rằng cô đã bị một trong những nhà tài trợ quấy rối. Người đó gần như gọi cho cô hàng ngày hoặc tìm kiếm cô.
"Anh ta đã hỏi, em muốn gặp nhau ở đâu? Anh có thể đến phòng khách sạn của em hay em có thể đến phòng khách sạn của anh. Anh có thể chỉ cho em cách giành chiến thắng" - VandenBerg nhớ lại. "Rất rõ ràng rằng, anh ta đang muốn đổi tình lấy sự thăng tiến trong cuộc thi... Tôi cảm thấy tôi không thể thoát" - VandenBerg chia sẻ.
VandenBerg muốn rời khỏi Philippines nhưng ban tổ chức đang giữ hộ chiếu. Họ chỉ trả lại cô sau khi cô đe dọa sẽ liên lạc với đại sứ quán Canada ở Philippines để được giúp đỡ. "Đây là cơ hội đầu tiên để tôi rời đi" - VandenBerg đã viết trên Instagram sau cuộc thi. Cô từ bỏ cuộc thi vì "cảm thấy không an toàn".
Khi nữ hoàng sắc đẹp San Miguel đang tập luyện cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới, cô đã không chuẩn bị tâm lý cho sự cô lập và sự kiểm soát chặt chẽ của ban tổ chức, theo CNA. Cô bị "giam" trong một nhà hát, không được liên lạc điện thoại, dùng máy tính hay bất cứ thiết bị nào mang theo bên mình. Cô không có bất cứ liên hệ nào với thế giới bên ngoài, kể cả người thân, trong 3 tháng.
Ban tổ chức thậm chí không muốn cô nói về người ông của mình. "Họ cố tình không nói với tôi rằng ông sắp mất vì tôi đang trong quá trình luyện tập. Họ không muốn tôi bị phân tâm" - San Miguel cho hay.
Thí sinh nam cũng vậy!
Không chỉ các cô gái bị quấy rối tại các cuộc thi sắc đẹp, mà điều này còn xảy ra tại các cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới. Trong khi các cuộc thi dành cho nữ giới thường được các nhà tổ chức có uy tín, thậm chí là chính quyền địa phương, đăng cai tổ chức, thì nhiều cuộc thi dành cho nam lại diễn ra ở các hộp đêm tại khu đèn đỏ. Chiến thắng tại các cuộc thi này thường có "giá".
Một thí sinh giành được nhiều danh hiệu trong suốt 8 năm tham dự một cuộc thi như vậy tiết lộ rằng, anh ta giành hầu hết chiến thắng đó bằng cách... ngủ với ban giám khảo.
"Đối với tôi, không có cuộc thi nào gọi là "sạch sẽ". Cơ thể của bạn là đem cho thuê. Trong số 10 cuộc thi, chỉ có 2-3 cuộc thi được coi là sạch sẽ" - chàng trai 25 tuổi được biết đến với cái tên Geraldald tâm sự.
Anh chàng mô tả bằng từ "được đặt chỗ" trước để giành chiến thắng. "Chỉ cần bạn chịu đựng được khoảnh khắc đó thì có thể giành chiến thắng" - Geraldald cho biết thêm.
Giống như các cuộc thi dành cho nữ, cái giá đua tranh sắc đẹp của nam giới cũng khá đắt đỏ với chi phí có thể lên tới 100.000 peso mỗi tháng (2.000 USD/tháng), kể cả trong các cuộc thi nhỏ hơn.
Những thí sinh như Mike Mike (người từ chối cung cấp tên thật) không thể chi trả chi phí này thì để làm hình ảnh và sự ủng hộ trên mạng, anh nhận được 10.000 peso mỗi ngày từ các nhà tài trợ của mình - gấp 10 lần số tiền kiếm được khi anh làm công nhân. Đổi lại, "tôi thường gửi cho họ những bức ảnh hoặc hình ảnh bán thân trong khi tham gia cuộc thi. Nhưng họ thích ảnh sexy. Có vẻ họ muốn tôi làm bạn trai" - Mike cho hay.
Các thí sinh nam cũng cần có thân hình hoàn hảo nên một số người trong số họ lạm dụng và tự tiêm thuốc steroid để tăng cơ bắp một cách trái phép. Việc này tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi tháng. "Nếu cộng các chi phí này trong 1 năm lại, bạn có thể mua một chiếc xe hơi hay ngôi nhà. Nó thực sự tốn kém" - Gerald nói.
Chuyên gia y tế về phục hồi chức năng Iris Carpio, đến Trung tâm y tế và Bệnh viện South City, nêu quan ngại trước thực trạng này. Ông cảnh báo về tình trạng lạm dụng steroid có thể dẫn đến suy gan, thận.
Mark Dela Cruz, người tổ chức các cuộc thi sắc đẹp dành cho cả nam lẫn nữ, thừa nhận những mặt tối trên. Vì vậy, ông thường sàng lọc các nhà tài trợ để đảm bảo an toàn cho các thí sinh của mình. "Nếu muốn giữ cuộc thi sạch sẽ, trách nhiệm đó thuộc về nhà tổ chức" - Dela Cruz tuyên bố”.