Mặt trái của thỏa thuận thương mại Anh- EU hậu Brexit
Thỏa thuận thương mại mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được đã xua tan nỗi lo sợ cố hữu trong suốt 4 năm rưỡi qua về nguy cơ nước Anh rời khỏi EU (Brexit) mà không đạt thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để các thị trường tài chính của Anh có thể lành vết thương mà vấn đề Brexit gây ra.
Nguy cơ "Brexit cứng," tức Brexit không thỏa thuận, đã tác động mạnh đến sức tăng trưởng và triển vọng đầu tư của Anh kể từ tháng 6-2016.
Trong cuộc trưng cầu dân ý vào thời điểm đó, người dân Anh đã nhất trí rời khỏi EU - một khách hàng dịch vụ tài chính lớn nhất của Anh, chiếm 1 nghìn tỷ USD thương mại song phương mỗi năm.
Vì vậy thỏa thuận đạt được ngày 24-12 vừa qua, khi chỉ còn 7 ngày nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, là một sự thở phào nhẹ nhõm. Giới phân tích đang thúc giục các khách hàng nắm lấy các cổ phiếu Anh được định giá thấp, diễn biến tồi tệ nhất so với bất kỳ thị trường lớn nào kể từ năm 2016 và nhiều người nói rằng họ đã mua đồng bảng Anh, vốn đã tăng lên gần các mức cao trong 2 năm rưỡi qua, trên mức 1 bảng "ăn" 1,36 USD.
Nhưng những người hy vọng thỏa thuận sẽ cho phép tài sản của Anh bắt kịp với các thị trường sôi động nước ngoài có thể bị thất vọng. Bản chất rõ ràng của thỏa thuận khiến nước Anh tiến xa hơn việc tách khỏi EU như dự định ban đầu hồi năm 2016.
Bên cạnh đó, Anh và EU sẽ phải tiếp tục đàm phán trong năm 2021 để triển khai thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là khoản mất giá tài sản đã theo sát nước Anh kể từ năm 2016 sẽ không sớm biến mất. Seema Shah, chuyên gia chiến lược tại tổ chức Principal Global Investors, nhận định: "Brexit không có nghĩa là Vương quốc Anh có thể mất đi một số lợi thế."
Theo bà Shah, trong khi tin tức có thể tạo ra một số lực đẩy cho thị trường Anh, nó sẽ không bảo vệ nền kinh tế khỏi những vết sẹo lâu dài do Brexit và đại dịch Covid-19 đồng thời gây ra.
Bà nhấn mạnh: "Bị loại khỏi khu vực thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới sẽ đẩy việc làm, con người và dòng vốn chảy ra khỏi Vương quốc Anh nhằm tìm kiếm các điểm đến khác chứ không phải theo đuổi mục tiêu toàn cầu hóa."
Sau khi mất giá, chứng khoán Anh hoạt động kém hiệu quả kể từ năm 2016 và tụt hậu so với sự phục hồi toàn cầu kể từ tháng 3, đẩy các chỉ số của đối thủ lên mức cao kỷ lục. Đồng tiền của Anh vẫn thấp hơn khoảng 20% giá trị thực tế trong dài hạn.
Không có nhiều hy vọng về sự hồi phục hoàn toàn trong thời gian ngắn. Hoạt động kém hiệu quả phần lớn là do các nhà đầu tư nước ngoài bán phá giá tài sản của Anh. Nhà cung cấp dữ liệu tài chính eVestment ước tính các nhà đầu tư định cư ở châu Âu và Mỹ đã rút tiền nhiều hơn là đổ tiền vào cổ phiếu của Anh gần như mỗi quý trong giai đoạn giữa cuộc trưng cầu dân ý và quý III-2020.
Theo Caroline Simmons, CIO tại UBS Global Wealth Management, do quy mô của thị trường Anh đã bị thu hẹp, tính theo một tỷ lệ phần trăm của chỉ số toàn cầu, từ 10% trước cuộc trưng cầu dân ý xuống còn 4%, các nhà đầu tư nước ngoài không còn cần nắm giữ nhiều cổ phiếu của Anh.
Cổ phiếu Anh có thể hoạt động tốt trong bối cảnh các thị trường khác đắt đỏ, cổ phiếu Anh giao dịch ở mức giảm giá 30% so với thị trường toàn cầu, trong khi mức giảm giá cơ bản là 10%. Tuy nhiên, bà Simmons không mong đợi sự suy giảm rồi sẽ hồi phục hoàn toàn.
Bà nói: "Trước tác động của Brexit, tôi nghĩ rằng sự suy giảm giá cổ phiếu là điều khó tránh, nhưng liệu sự suy giảm sẽ kéo dài vô thời hạn? Lực cản đối với GDP tích lũy của Anh do hậu quả của Brexit vẫn còn khá lớn."
Thêm cú tác động mạnh tới triển vọng phát triển, nền kinh tế Anh- vốn đã bị suy yếu do sự không chắc chắn của vấn đề Brexit- đã chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất so với bất kỳ nước lớn nào do tác động của đại dịch Covid-19, với quý II-2020 chứng kiến tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong 30 năm qua.
Điều đó đã buộc chính phủ Anh phải nâng mức vay mượn lên mức cao kỷ lục trong thời bình. Sự phục hồi kinh tế bị tác động bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế thấp. Các số liệu chính thức cho thấy giá trị ròng của FDI vào Anh giảm xuống 49,3 tỷ bảng trong năm 2018, chỉ bằng 1/4 mức của năm 2016. Cơ quan tư vấn EY ước tính năm nay sẽ chứng kiến các dự án FDI thấp hơn 30-45% so với năm 2019, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19.
Hinesh Patel, quản lý danh mục vốn đầu tư tại Quilter Investors, cho biết thỏa thuận Brexit "có thể giải quyết được những tồn đọng đầu tư quốc tế vốn đang chờ những diễn biến tích cực để tái đầu tư vào Cty CP hữu hạn Anh".
Nhiều đối tượng khác ít lạc quan hơn và cho biết mối quan hệ "chìm xuồng" của Anh với Brussels sẽ làm gia tăng những thiệt hại kéo dài. Andrew Sheets, phụ trách chiến lược tài sản của Morgan Stanley, nói trước khi thỏa thuận được công bố: "Có một chút được-mất trong câu chuyện ngắn hạn và dài hạn ở đây".
Theo chuyên gia này, việc loại bỏ nguy cơ không thỏa thuận hậu Brexit sẽ làm tăng giá trị tài sản trung bình, nhưng "nó sẽ không giải quyết được những thách thức kinh tế nội tại... Nước Anh đang đối mặt với cú sốc quá mạnh trong ngành dịch vụ vốn chiếm phần lớn trong hoạt động của nền kinh tế Anh."