Mặt trái của xu hướng xã hội già hóa

Mạng tin Eurasia Review vừa đăng bài viết, phân tích hiện tượng 'xã hội già hóa' ngày càng gia tăng tại Italy, đồng thời mô tả các chính sách và giải pháp khả thi mà nước này đưa ra.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Người dân di chuyển trên đường phố tại Rome, Italy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo ước tính mới nhất của Ủy ban Dân số Liên hợp quốc (LHQ), trong những năm qua, nhiều yếu tố đã góp phần nâng cao tuổi thọ trên toàn thế giới, đạt mức 76 tuổi hiện nay đối với phụ nữ và 70,8 tuổi đối với nam giới.

Già hóa toàn cầu thực sự là kết quả của nhiều thành công đạt được nhờ kịch bản kinh tế xã hội hiện tại, nhưng đồng thời, nó có thể gây ra vấn đề cho một số quốc gia có đặc điểm là tỷ lệ sinh thấp, như trường hợp của Italy.

Ví dụ, theo dữ liệu của Ủy ban Dân số LHQ cung cấp, Italy là quốc gia đứng thứ hai về dân số già nhất thế giới, với 24,1% dân số trên 65 tuổi vào năm 2022, chỉ đứng sau Nhật Bản (29,9%). Bài viết này xem xét các vấn đề mà Italy phải đối mặt trong vài năm qua và các chính sách mà chính phủ theo đuổi để giải quyết vấn đề này tốt hơn.

Italy là quốc gia nổi tiếng về tuổi thọ cao, nhưng tại quốc gia này gần đây đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến tỷ lệ sinh sụt giảm liên tục và dân số ngày càng già đi. Theo dữ liệu của LHQ, người dân Italy có tuổi thọ trung bình là 84 tuổi.

Dân số cao tuổi tạo thành một giai đoạn nhân khẩu học mới. Các chính sách quản lý đã thúc đẩy cái gọi là "lão hóa tích cực", được Ủy ban châu Âu (EC) định nghĩa là "giúp mọi người chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính họ càng lâu càng tốt khi họ già đi và nếu có thể, đóng góp cho nền kinh tế và xã hội".

Trong trường hợp của Italy, những chính sách này đã được thúc đẩy ở cả cấp quốc gia và cấp vùng. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình các chính sách lão hóa tích cực tại Italy năm 2022, nước này chưa có định nghĩa về người cao tuổi. Do đó, các nhà lập pháp quốc gia hoặc cấp vùng được giao nhiệm vụ xác định, theo từng ngành/lĩnh vực, ngưỡng tuổi liên quan, tôn trọng quy định của cộng đồng khi cần thiết.

Ngược lại, như Viện nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) của Italy đã chỉ ra, ở cấp vùng, những sự phát triển đang diễn ra đáng khích lệ nhưng vẫn chưa đủ. Cho đến nay, dân số suy giảm tại Italy đang góp phần gây ra sự bất ổn kinh tế trong tương lai ở một số lĩnh vực. Vì lý do này, Chính phủ Italy hiện tại đã đổi tên “Bộ Gia đình” thành “Bộ Gia đình, sinh con và cơ hội bình đẳng” để giải quyết vấn đề này tốt hơn.

Mặt khác, như báo Le Monde (Pháp) nhấn mạnh, đây cũng là cách khai thác một trong những nét văn hóa mạnh mẽ nhất của Italy: sự gắn bó với xã hội phụ hệ và gia đình.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, tỷ lệ sinh trung bình tại Italy chỉ đạt 1,3, trong khi mức trung bình trên toàn thế giới là 2,3, khiến Rome đứng cuối bảng xếp hạng châu Âu.

Xu hướng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19 trong các năm 2020-2021, và những người trẻ tuổi hiện có tỷ lệ thất nghiệp cao, công việc bấp bênh và lương thấp. Hơn nữa, phúc lợi nhà nước thường không thể cung cấp đủ dịch vụ cho những gia đình đang cố gắng kết hợp công việc và cuộc sống gia đình.

Báo cáo của Save the Children 2022 cho biết 77,2% số người tự nguyện nghỉ việc là lao động nữ. 38% trong số họ nói rằng một trong những vấn đề chính là không thể tiếp cận các dịch vụ chữa bệnh. Hơn nữa, theo dữ liệu từ MoneyFarm, nuôi một đứa trẻ tại Italy tốn trung bình 700 euro (756 USD) mỗi tháng.

Đồng thời, như dữ liệu của báo cáo Donna e Finanza của MasterCard đã chỉ ra, 70% phụ nữ dưới 40 tuổi thừa nhận rằng tự do kinh tế được coi là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ. Có nhiều yếu tố văn hóa cần được xem xét khi họ đưa ra quyết định này. Nhà báo Anna Ferry nói: "Ý tưởng làm mẹ không còn gắn liền với ý tưởng hy sinh – bạn là mẹ, bạn phải từ bỏ mọi thứ và thể hiện lòng biết ơn – mà là sự chia sẻ vai trò chăm sóc và quyền trở thành một cái gì đó khác mà không bị đè bẹp bởi những kỳ vọng và phán xét xã hội".

Rủi ro mà nền kinh tế Italy hiện đang phải đối mặt là tình trạng đình trệ: nhiều người Italy chuyển ra nước ngoài và số người sinh con trong nước ít hơn. Lực lượng lao động của Italy ngày càng giảm và các vấn đề khác, như những vấn đề liên quan đến hệ thống hưu trí, đang trở nên tồi tệ hơn.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (Istat), trong năm 2021, chi tiêu lương hưu lên tới 17,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Cuối cùng, với tỷ lệ người cao tuổi cần chăm sóc sức khỏe cao hơn, cần phải có nhiều nguồn tiền lớn hơn để chi cho lương hưu, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi người dân Italy.

Xã hội già hóa không phải là một chủ đề chỉ giới hạn tại Italy, mà hiện đã trở thành một thách thức lớn đối với một số nền kinh tế. Ví dụ, ở Đông Á, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo Ủy ban Dân số LHQ, vào năm 2050, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc dự kiến sẽ trở thành những nền kinh tế đứng thứ nhất và thứ hai về dân số già nhất trên thế giới.

Điều cơ bản hiện nay là giới chức chính quyền cần có các biện pháp chính xác và thực hiện chính sách mới để xử lý tốt hơn những thách thức mới này. Mặc dù không thể tìm ra câu trả lời duy nhất cho vấn đề, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần nỗ lực trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả các khía cạnh văn hóa, xã hội và khả năng của một quốc gia trong việc điều chỉnh các chính sách mới./.

Dương Hoa (P/v TTXVN tại Rome)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mat-trai-cua-xu-huong-xa-hoi-gia-hoa/304507.html