Mặt trái khi sinh sống ở nơi xa hoa bậc nhất thế giới

Dòng người Nga giàu có, triệu phú tiền điện tử và chủ ngân hàng đổ xô đến Dubai (UAE) đã đẩy giá thuê nhà lên cao và tăng rào cản gia nhập.

Kể từ năm đại dịch 2021, Dubai đã khẳng định mình là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Không phải cách ly bắt buộc trong nhiều ngày, du khách nước ngoài được phép dự tiệc tùng trong các quán bar và bãi biển vui nhộn nhịp nhàng, chụp ảnh tự sướng tại các khu nghỉ dưỡng ở Dubai.

Riêng quý đầu tiên trong năm 2021, doanh số bán bất động sản cao cấp của Dubai đã tăng đến 230% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ở một số khu vực cao cấp đã tăng tới 40%, theo Property Finder, trang web bất động sản lớn nhất của đất nước.

 Dubai - sân chơi cho các siêu tỷ phú. Ảnh: Pexels.

Dubai - sân chơi cho các siêu tỷ phú. Ảnh: Pexels.

Nhiều cơ hội phát triển nhưng khó hòa nhập

Khi số lượng tỷ phú săn tìm biệt thự ở Dubai ngày càng tăng, những người dân như Ghida đã không còn chốn nương thân. Chủ nhà đã tăng gấp đôi số tiền nhà khoảng 3.000 đôla/tháng khiến vợ chồng cô không thể gánh vác được. Sau khi cặp đôi rời đi, người chủ này đã cho thuê lại với mức 6.000 đôla/tháng.

“Tôi không phải trường hợp cá biệt, tại đây có rất nhiều người thuê nhà khác đang có hoàn cảnh tương tự”, Ghida chia sẻ.

Đó chỉ là một trong hàng nghìn câu chuyện khác nhau được chia sẻ trên các hội nhóm Facebook và quán cà phê, đồng thời phản ánh hiện thân mới nhất của Dubai: một vùng đất tiềm năng để phát triển, mặc dù rào cản hòa nhập ngày càng khó khăn.

Ngoài giá tiền thuê nhà leo thang, học phí cho các trường tư thục quốc tế cũng tăng cao đáng kể, một cửa hàng tạp hóa hàng tuần tại chuỗi siêu thị cao cấp Waitrose (Anh) đang đắt hơn bao giờ hết và một chuyến đi xe công nghệ (Uber) vào giờ cao điểm khiến nhiều người ái ngại.

 Các tòa nhà chọc trời bên ngoài các biệt thự sang trọng trên bờ sông của Palm Jumeirah ở Dubai. Nhiếp ảnh gia: Christopher Pike/Bloomberg.

Các tòa nhà chọc trời bên ngoài các biệt thự sang trọng trên bờ sông của Palm Jumeirah ở Dubai. Nhiếp ảnh gia: Christopher Pike/Bloomberg.

Trong năm 2023 tính đến tháng 2, giá thuê trung bình hàng năm cho một biệt thự tại Dubai đã tăng 26%, đạt 295.436 dirham (80.436 USD), theo cố vấn bất động sản CBRE Group Inc. Giá thuê căn hộ trung bình tăng 28% lên gần 100.000 dirham.

“Bản chất của Dubai đang thay đổi,” Metin Mitchell, người sáng lập một công ty tuyển dụng giám đốc điều hành cấp C làm việc trong khu vực trong nhiều thập kỷ, cho biết. “Nơi đây đang trở thành một nền kinh tế siêu năng động, phục vụ nhu cầu của những người giàu có và có thu nhập cao.”

Ở Dubai, khoảng 90% cư dân là người nước ngoài và cư trú chủ yếu dựa vào việc làm. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bắt đầu cấp thị thực dài hạn cho một số ít người được chọn, nhưng đại đa số người lao động nước ngoài không có lộ trình rõ ràng để đạt được quyền thường trú hoặc quốc tịch.

Nhiều người phải dứt áo ra đi vì không trụ nổi

Năm 2018, nhiều cư dân đã phải rời Dubai trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và kinh doanh tăng đáng kể. Hai năm sau, hàng nghìn người khác ngậm ngùi rời quê hương sau đại dịch mất việc làm.

Nhiều gia đình có kinh tế trung bình chọn di cư sang nước láng giềng Ả Rập Xê-út, nơi đang cạnh tranh với Dubai về nhân tài và kinh doanh, đồng thời có kế hoạch thu hút khách du lịch.

 Công nhân nghỉ giải lao tại công trường xây dựng Khu thiết kế Dubai ở Dubai. Nhiếp ảnh gia: Christopher Pike/Bloomberg.

Công nhân nghỉ giải lao tại công trường xây dựng Khu thiết kế Dubai ở Dubai. Nhiếp ảnh gia: Christopher Pike/Bloomberg.

Theo Bloomberg, nhiều người dân tại Dubai đã chuyển đến các khu vực xa xôi hoặc chuyển đến các tiểu vương quốc lân cận bao gồm Sharjah, thường cách đó 30 phút lái xe mà không có giao thông.

Tại Dubai, mức tăng giá tiêu dùng đạt mức 7,1% hàng năm vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù lạm phát ít tràn lan hơn ở London hay New York, thành phố giàu nhất nhì toàn cầu vẫn ghi nhận tỷ lệ sinh hoạt phí tăng nhanh nhất.

Ở UAE khô cằn, hầu hết các mặt hàng tạp hóa đều được nhập khẩu và có giá cao hơn so với thị trường trong nước. Trong thời gian gần đây, chúng cũng đã leo thang khi các cú sốc chuỗi cung ứng đẩy giá lương thực lên cao trên toàn cầu.

 Sinh hoạt phí leo thang khiến nhiều người dân Dubai phải dứt áo ra đi. Ảnh: Pexels.

Sinh hoạt phí leo thang khiến nhiều người dân Dubai phải dứt áo ra đi. Ảnh: Pexels.

Đối với những người ở tầng lớp thấp hơn như những công nhân xây dựng tòa nhà chọc trời lấp lánh và người giúp việc gia đình chăm sóc trẻ sơ sinh và dọn dẹp nhà cửa cho người nước ngoài cũng đang cảm thấy áp lực về giá cả.

Nhưng phần lớn chi phí của họ là cố định, thực phẩm thiết yếu vẫn được trợ cấp và mục đích chính của họ là gửi tiền về nhà cho gia đình hơn là chi tiêu.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu cũng cảm thấy áp lực, thậm chí nhiều người cho rằng sinh sống ở London (Anh) có thể tiết kiệm chi phí hơn.

Homam, 40 tuổi, đã chuyển đến Vương quốc Anh vào cuối năm 2021 và duy trì mức lương tương tự như những gì anh ấy nhận được ở Dubai.

“Một trong những động lực chính tôi khiến tôi quyết định chuyển đến London là sự khác biệt về chi phí sinh hoạt,” Homam, Giám đốc sáng tạo điều hành của Tasty UK, chuỗi video về ẩm thực của BuzzFeed, chia sẻ. Người đàn ông 40 tuổi nhấn mạnh, giá cả ở London rẻ hơn khoảng 20% và ngay cả bây giờ với lạm phát tăng cao, tôi vẫn thấy nó rẻ hơn Dubai.

Mặc dù cả Dubai và UAE rộng lớn đều không có thuế thu nhập được hệ thống hóa, rất nhiều khoản phí tiềm ẩn. Để có được bằng lái xe có thể tốn hàng ngàn đôla, tiền điện có ‘phí nhà ở’ chiếm gần 80% khoản chi hàng tháng và phí ‘kiến thức’ và ‘đổi mới’ được đánh vào các dịch vụ của Chính phủ.

Dù là thành phố có chi tiêu đắt đỏ, tuy nhiên các quan chức cho rằng Dubai tiếp tục mang đến những công việc và cơ hội khan hiếm ở các thị trường mới nổi và các thành phố phát triển khác ở phương Tây.

Chỉ một thập kỷ trước, Dubai được xếp hạng là nơi đắt đỏ thứ 90 đối với người nước ngoài, theo nhà tư vấn Mercer có trụ sở tại New York. Năm ngoái, thành phố này đứng thứ 31, hơn Miami một bậc.

James Mullen, đồng sáng lập của WhichSchoolAdvisor.com, cho biết: “Bây giờ gần như chắc chắn rằng cả cha và mẹ tại Dubai đều cần phải đi làm. Ông nói rằng học phí trung bình tại Dubai đã vượt hơn 10.000 đôla/năm và một số gia đình chọn chuyển nhà vì học phí tăng cao khi con cái họ lớn hơn.

Chìa khóa tạo nên thương hiệu của Dubai là lối sống phần lớn được miễn thuế. Chính lợi thế này đã tạo điều kiện để làn sóng các triệu phú tiền điện tử, các chủ ngân hàng chuyển đến từ châu Á và một số người Nga giàu có đang tìm cách bảo vệ tài sản.

Dần dần, Dubai đang trở thành sân chơi dành riêng cho giới siêu giàu.

Lê Na (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mat-trai-khi-sinh-song-o-noi-xa-hoa-bac-nhat-the-gioi-post241908.html