Mặt trận không chờ đợi mà phải phát huy vai trò
Chiều ngày 25/12, tại thành phố Hải Phòng, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ II (khóa IX) đã chính thức khai mạc. Tại đây, có rất nhiều ý kiến góp ý sâu sắc về công tác Mặt trận đã được các cụ, các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đưa ra.
Khẳng định hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp trong thời gian qua ngày càng nề nếp và thực chất hơn, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, các chương trình giám sát, phản biện đã gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, huy động sự vào cuộc kịp thời của nhân dân.
Cùng với đó, các Hội nghị phản biện, đối thoại ngày càng thực chất hơn, ở một số địa phương đã triển khai hiệu quả Hội nghị phản biện ở cả 3 cấp, hội nghị đối thoại cũng đã giải quyết được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của nhân dân, được nhân dân hoan nghênh và kỳ vọng.
“53/63 tỉnh, thành phố đã có văn bản quy định về hoạt động đối thoại, đây là bước tiến lớn”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.
Ông Đỗ Duy Thường cũng đề cập đến Quy định số 124 về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành đến nay đã được hơn 1 năm. Tuy nhiên, thực tế giám sát cho thấy, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thuộc phạm trù bên trong của mỗi cá nhân vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa có phương hướng rõ ràng, chính vì vậy rất khó để giám sát.
“Cần có cơ chế, chính sách đầy đủ cho hoạt động này và cần ban hành Luật Giám sát để nhân dân cùng tham gia với Mặt trận giám sát những vấn đề nổi cộm tại địa phương, nhất là thực hiện giám sát với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.
Đề cập đến việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là những vấn đề mới, khó nhưng rất cần cho công tác Mặt trận, triển khai được những nội dung này, Mặt trận các cấp sẽ nâng cao vị thế của mình và khẳng định niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giành cho mình trong thời gian qua.
Theo ông Lê Truyền, hiện nay, từ sau Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa các hoạt động giám sát, phản biện thông qua những Quy định cụ thể, chính vì vậy, chương trình hành động của Mặt trận phải đưa ra được những “sản phẩm” giám sát cuối cùng, đóng góp cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng tinh thần dân chủ trong nhân dân.
Trăn trở khi hiện nay, ở một số nơi chưa phát huy được khả năng của Mặt trận để tương xứng với yêu cầu của Đảng, sự kỳ vọng của nhân dân, ông Lê Truyền cho rằng, Mặt trận phải có những hành động thiết thực góp phần vào chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII vào năm 2021.
“Mặt trận không chờ đợi mà phải phát huy vai trò, phải dồn sức và chủ động khi tham gia vào văn kiện, tham gia vào công tác nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp”, ông Lê Truyền khẳng định.
Bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, báo cáo tổng kết 2019 và phương hướng nhiệm vụ 2020 của Mặt trận đã có sự đổi mới. Tuy nhiên, chưa thể hiện sâu sắc việc các tổ chức thành viên ở Trung ương, địa phương và cần làm rõ hơn điều này.
Hiện nay, số lượng Ủy viên Ủy ban đã tăng lên so với nhiệm kỳ trước, do đó, Mặt trận cần phải có giải pháp để phát huy được thế mạnh của các Ủy viên Ủy ban.
Về các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, bà Hà Thị Liên đề nghị, cần phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong các hoạt động tập hợp quần chúng nhân dân, chăm lo cho người nghèo. “Các tổ chức thành viên có nguồn lực rất lớn về nhân sự, cũng như vận động ủng hộ”, bà Hà Thị Liên khẳng định.
Bên cạnh đó, bà Hà Thị Liên cũng đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề sáp nhập các thôn, tổ dân phố. “Cần bàn bạc kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả khi sáp nhập nhằm tránh tình trạng khi sáp nhập vào sẽ hoạt động không hiệu quả. Sáp nhập đến đâu là vừa? Kiêm nhiệm đến đâu là vừa? Từ đó tránh tình trạng cán bộ từ cấp xã không muốn làm cán bộ nữa.
Ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ mong muốn Hội nghị lần thứ hai UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ triển khai Nghị quyết của Đại hội IX Trung ương MTTQ đến các cấp thực hiện trong cả nhiệm kỳ 2019-2024.
“Kỳ vọng lớn nhất của tôi là MTTQ sẽ làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của Mặt trận trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết của nước nhà ngày càng bền vững, cùng với cả nước phát triển trong giai đoạn mới”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Phan Hữu Đức, điểm nổi bật của MTTQ tỉnh Ninh Thuận trong năm 2019 là tập trung vào thực hiện nhiệm vụ đại hội Mặt trận để xây dựng một chương trình hành động mới cho một nhiệm kỳ mới.
Điều đạt được đó là tập trung vào các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận phát động. Nhất là Mặt trận tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đã làm tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tập trung cho công tác an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo. Đồng thời Mặt trận cũng tiếp tục củng cố xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của địa phương.
Trong 2020, MTTQ tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai các chương trình hành động đã được Đại hội thông qua, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động tạo động lực để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới.
“Chúng tôi cũng tập trung các phòng trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận phát động, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới, cả nước chung tay Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Mặt trận cũng tập trung làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, nhất là đóng đóng vào văn kiện đại hội Đảng các cấp trong năm 2020”.
Nhắc đến vai trò giám sát của Mặt trận đối với hoạt động của các doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, cả nước đang có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu vào năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chính vì vậy Mặt trận cần phải suy nghĩ và thay đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay vì thực tế, có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có doanh thu ngang bằng với hộ cá thể kinh doanh thực phẩm.
Lấy ví dụ từ việc lưu hành một chiếc xe đạp và xe máy trên thị trường, trong khi xe đạp không cần tới biển số thì xe máy bắt buộc 1 biển số, ông Trần Việt Anh cho biết, hoạt động của hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, những hộ cá thể chính là những doanh nghiệp có doanh thu nhưng lại sử dụng lao động thiếu kỹ năng, tận dụng nguồn lao động từ nông thôn và chưa được đào tạo. Bên cạnh đó, hộ cá thể không gặp phải hiện tượng thanh tra, kiểm tra như các doanh nghiệp có đăng ký tư cách pháp nhân.
Xuất phát từ vấn đề này, ông Trần Việt Anh cho rằng Mặt trận cần triển khai chương trình giám sát đối với hoạt động kinh doanh của các hộ cá thể này và coi hộ cá thể là một doanh nghiệp hoạt động có doanh thu, có sử dụng lao động hợp pháp qua đào tạo và phải chịu sự điều hành của Luật Doanh nghiệp.
“Nếu hợp thức hóa được loại hình này sẽ tăng nguồn thu và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi, từ đó tạo sự công bằng trong thị trường”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Hoàng Yến - Minh Hải - Tiến Đạt
Ảnh: Quang Vinh