Mặt trận Tổ quốc các cấp với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh triển khai rộng khắp, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tâm lý tiêu dùng của người dân khi sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại nhập.
MTTQ các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến CVĐ, đặc biệt là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 18/8/2021 của Ban TVTU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ trong tình hình mới. Phát huy vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện, lồng ghép các nội dung CVĐ với Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng thành tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của MTTQ các huyện, thành phố. MTTQ các huyện, thành phố đã chỉ đạo MTTQ các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền thực hiện CVĐ lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ khác trên địa bàn; vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về CVĐ; đăng tải tin, bài về CVĐ trên các fanpage, facebook nhóm; phối hợp tuyên truyền triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Xác định việc thực hiện CVĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ và trên 2.000 chi hội tổ chức triển khai tuyên truyền tới hội viên phụ nữ thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lồng ghép với các nội dung trọng tâm của Hội, phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại những xã xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”… Tỉnh Nam Định đã lựa chọn 2 sản phẩm Gạo nếp bắc và Gạo lứt huyết rồng Nghĩa Bình giao lưu giới thiệu tại “Chợ quê an toàn” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại thành phố Hải Phòng; lựa chọn 9 sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao tham gia hội “Chợ quê an toàn”. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn phối hợp với các Ban của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong tổ chức triển khai hoạt động của Trung ương Hội tại tỉnh như cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc và Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp, sản phẩm OCOP với quy mô 50 gian hàng nhằm giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm của các dự án khởi nghiệp dự thi vòng chung kết cấp vùng… Các cấp Hội Nông dân tỉnh thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân, trang thông tin điện tử và fanpage “Nông dân Nam Định” đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thay đổi nhận thức, hành vi trong tiêu dùng, xóa bỏ tâm lý sính dùng hàng ngoại; chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cấp Hội còn phối hợp tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý; không sử dụng chất cấm trong sản xuất và tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP… Hội Nông dân tỉnh tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm hàng hóa. Phối hợp tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; cách thức đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử cho trên 4.000 hội viên nông dân. Duy trì 6 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và thành phố Nam Định, là nơi tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín; cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm OCOP của tỉnh. LĐLĐ tỉnh tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới cho 3.700 cán bộ công đoàn cơ sở và CNVCLĐ. LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành tổ chức gần 160 hội nghị lồng ghép tuyên truyền về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho 14.300 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Tiêu biểu như LĐLĐ huyện Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn ngành GD và ĐT tỉnh, Công đoàn các khu công nghiệp...
Qua triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về CVĐ được nâng lên rõ rệt. Người tiêu dùng từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt Nam, dần xóa bỏ định kiến đối với sản phẩm trong nước và so sánh giữa hàng nội - hàng ngoại; bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người dân Nam Định với hàng hóa do Việt Nam sản xuất. CVĐ cũng đã giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế và sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã hướng đến sản xuất sản phẩm thị trường cần, có sự liên kết chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình; phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế; chủ động hơn nữa trong kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ; có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng.
Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân đẩy mạnh thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức mình.
Bài và ảnh: Lam Hồng