Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cùng Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân
Qua giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đồng thời, góp phần tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế 'Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ'.
Gần dân, sát dân, trọng dân
Đất nước ta đã tiến hành công cuộc đổi mới được gần 40 năm và gần 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Với thời gian quý báu đó, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; trong nước thì thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới phát sinh cần được giải quyết, song với lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện, được Nhân dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ và từng bước hiện thực hóa đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong những thành tựu to lớn đó, có sự đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam.
Mặt trận đã từng bước phát huy ngày càng tốt hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Luật MTTQ Việt Nam cũng như hệ thống pháp luật hiện hành. Thời gian qua, Mặt trận đã có nhiều cố gắng trong đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cùng Đảng và Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Mặt trận đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực và chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động, Mặt trận ngày càng hướng mạnh về cơ sở, gắn với địa bàn dân cư thông qua các Ban công tác Mặt trận và các tổ tự quản là những “cánh tay nối dài” của Mặt trận cơ sở xã, phường nhằm thực hiện phương châm “gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của dân” để phản ánh với Đảng, Nhà nước, đồng thời phối hợp với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, làm cho cuộc vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở - nay là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở - thành một phong trào quần chúng sâu rộng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, MTTQ Việt Nam cũng tự thấy công tác Mặt trận còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; chưa phát huy hết vai trò tập hợp đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân; hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa được phát huy mạnh mẽ, có lúc, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu do thực tiễn đặt ra; hiệu quả một số cuộc vận động, một số phong trào chưa cao.
Góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân”. Thể chế hóa đường lối, chủ trương trên, ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217 QĐ/TW “Về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218 QĐ/TW “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị và Nhân dân tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”. Những văn kiện trên đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là trong Luật MTTQ Việt Nam và trong nhiều đạo luật khác.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên rất quan trọng đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách đối với công tác giám sát và phản biện xã hội nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Qua giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đồng thời, góp phần tiếp tục thể hóa và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thực hiện các văn bản hướng dẫn trên, thời gian qua, MTTQ các cấp đã tham gia phản biện các dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng. Khi chủ trương, đường lối được thông qua thì vận động Nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện, nhất là những chủ trương, đường lối có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trước khi ban hành.
Ngoài ra, MTTQ còn góp ý vào việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên với Nhân dân. Góp ý với đảng viên trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, mối quan hệ giữa đảng viên và Nhân dân.
Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân cũng tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ở nhiều nơi, Mặt trận đã thực hiện tốt vai trò đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền để tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Qua quá trình vận động đã cho ta những bài học quý. Thứ nhất, nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”.
Thứ hai, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cuộc đấu tranh này chỉ thành công với hai nhân tố quyết định là: Sự lãnh đạo đúng đắn, trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, xuyên suốt của Đảng, sự gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu; Sự đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế với những quy định rất cụ thể để Nhân dân giám sát cán bộ các cấp, nhất là về tài chính tại khu dân cư.