Mặt Trăng đến từ đâu?

Mặt Trăng không tự nhiên mà có và quay quanh Trái Đất của chúng ta, đối với các nhà khoa học, nguồn gốc về sự hình thành của Mặt Trăng vẫn còn là một điều bí ẩn.

Theo Earth and Planetary Science Letters, một giả thuyết mới đã được các nhà khoa học công bố sau các phát hiện thú vị về những miệng hố Mặt Trăng.

Rất nhiều lý thuyết về sự hình thành của Mặt Trăng được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu. Chủ yếu dựa trên hai luồng ý kiến chính là sự va chạm vật thể hay mặt Trăng được tách ra từ Trái Đất. Ảnh: Nicolas Schmelling.

Rất nhiều lý thuyết về sự hình thành của Mặt Trăng được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu. Chủ yếu dựa trên hai luồng ý kiến chính là sự va chạm vật thể hay mặt Trăng được tách ra từ Trái Đất. Ảnh: Nicolas Schmelling.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lượng kim loại như sắt hay titan tập trung trong các miệng hố có thể tích lớn hơn nhiều so với giả thuyết dự đoán. Bên dưới lớp bề mặt của Mặt Trăng, nhiều khả năng có một kho tài nguyên kim loại khổng lồ mà chúng ta chưa thể khám phá.

Trong một giả thuyết được lan truyền phổ biến trong giới thiên văn, nguồn gốc của Mặt Trăng được cho là xuất phát từ một phần bị tách ra của Trái Đất sau khi trải qua một vụ va chạm với vật thể thứ ba. Tuy nhiên, lớp vỏ của hành tinh chúng ta chứa ít oxy sắt và các kim loại khác hơn Mặt Trăng, không loại trừ khả năng giả thuyết trên không thực sự chính xác.

“Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về ý nghĩa của các giả thuyết trước đây của chúng tôi”, nhà khoa học vũ trụ Essam Heggy, Đại học Nam California cho biết.

“Bằng cách bổ sung nguồn thông tin về lượng kim loại xuất hiện trên Mặt Trăng, các nhà khoa học có thể có cơ hội mở ra những câu hỏi mới về cách thức vệ tinh tự nhiên này hình thành”, ông Heggy nói thêm.

Nguồn gốc của Mặt Trăng vẫn là dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học. Ảnh: NASA.

Nguồn gốc của Mặt Trăng vẫn là dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học. Ảnh: NASA.

Nhờ có thiết bị thu nhỏ tần số vô tuyến (Mini-RF) trên tàu trinh sát Mặt Trăng LRO của NASA, các nhà khoa học vô tình thu được nhiều dữ liệu bất ngờ trong quá trình tìm kiếm băng trên bề mặt. Các hằng số điện môi, một đặc tính điện của đất trên Mặt Trăng xuất hiện trong vòng hố, có dấu hiệu tăng lên đồng thời đối với các miệng hố có đường kính lớn hơn 5km. Thậm chí, với các miệng hố lớn hơn, hằng số điện môi bị chững lại.

Sau khi phân tích nhiều dữ liệu khác nhau thu thập được, các nhà khoa học đã xác nhận rằng miệng hố Mặt Trăng càng lớn càng có khả năng chứa nhiều kim loại hơn.

"Kết quả thú vị thu được từ Mini-RF cho thấy ngay cả sau 11 năm chinh phục Mặt Trăng, chúng ta vẫn đang có những khám phá mới về lịch sử của người hàng xóm thân thiết này", nhà khoa học hành tinh Noah Petro, Trung tâm bay Không gian Goddard của NASA nhận xét.

Các nghiên cứu chuyên sâu đang được tiến hành nhằm xác định liệu mối liên quan này có trùng khớp với khu vực bán cầu Nam Mặt Trăng. Không loại trừ khả năng Mặt Trăng được tạo ra từ vật chất sâu bên trong Trái Đất, hoặc những mẫu kim loại mới được phát hiện đơn thuần là kết quả của quá trình bề mặt Mặt Trăng nguội đi sau khi nóng chảy.

"Chỉ riêng Hệ Mặt Trời của chúng ta đã có hơn 200 Mặt Trăng, việc hiểu được vai trò quan trọng mà các Mặt Trăng đóng góp trong sự hình thành và tiến hóa của các hành tinh mà chúng quay quanh có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách thức và nơi mà các điều kiện sống bên ngoài Trái đất có thể hình thành " ông Heggy cho biết.

Theo Minh Khánh/Zing

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/mat-trang-den-tu-dau/20200715110354436