Mắt ướt sau 11 giờ bay
'Không gì có thể so được với Tết Việt Nam', một người Việt xa quê, mắt ướt khi trở về bồi hồi xúc động.
Nhưng gần đây, nhiều người Việt lại chọn Tết để đi du lịch, tuổi trẻ thích bay ra thế giới nhiều hơn. Ngược lại, nhiều người Việt chỉ mong được có tấm vé trở về quê nhà, như chiếc lá rơi về gốc. Chị Minh Châu, bạn tôi đã trở về như vậy.
Tôi quen chị ở thư viện Hà Nội, cùng là người đọc sách mà thủ thư thuộc làu tên tuổi, thuở chị học xong Đại học Y khoa, chuẩn bị sang Đức làm nghiên cứu sinh. Bao nhiêu lý do, dự định từ thành phố Frankfurt về Hà Nội với 11 giờ bay.
Chị nhớ phố cổ, những ngõ nghèo xưa, vẫn ám ảnh trong ký ức, đang lần như thước phim tua chậm lại.Với một bác sỹ trong nghề, từng cứu vớt bao sinh linh, từng nếm trải bao đắng ngọt của người xa xứ, trên máy bay, có khoảnh khắc nào chị nhớ tới 17 giây năm trước ở Ấn Độ không? Cứ 17 giây là một người rời khỏi thế gian trong cơn đại dịch. Nghĩa là cứ một phút có hơn 4 người từ giã nhân gian. Phút giây của thời gian, nhiều phận người đã trở về cát bụi, về với nước sông Hằng bên thành phố Varanasi.
Gặp chị, tôi sững lại, tôi tìm thấy thời thanh xuân của mình, cái thuở chạy bom B52, chỉ mong sao còn được sống. Vậy mà đã nửa thế kỷ. Mảnh ký ức về ngõ nhỏ, nơi có hai hồ nước bên cạnh nhà chúng tôi. Tôi còn khoe lội xuống tận đáy hồ Bảy Mẫu, cả hồ Thiền Quang khi họ nạo vét bùn xây kè đá quanh bờ. Hồ Thiền Quang có ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa cổ kính, sẽ hiếm người ngụ cư biết đến một làng Thiền Quang xưa nếp cũ đã nhòa. Vào ngày sóc (ngày mùng 1 âm lịch), người già vẫn sang đảo giữa hồ Bảy Mẫu, lễ Mẫu. Rồi sớm lên Ô Quan Chưởng nhớ bà tư bán bún ốc nguội, rẽ xuống phố chợ Gạo xưa không còn thấy cái nhà tắm công cộng; nơi dành cho những người ở phổ cổ, không có nhà tắm phải ra chợ Gạo tắm táp chiều cuối năm. Chất lên vai câu chuyện đời thường được phơi lên khi tắm, và chờ tắm; dù ở đó không có lấy một chiếc dây phơi, nhưng phơi việc kiếm ăn của những người nghèo chạy chợ, xe ba gác và xe kéo thật xiết bao cảm động.
Phố Bờ sông xưa kia rất tiêu điều chứ không nhiều nhà cao tầng như hiện nay. Bến sông cũng lấn ra bờ cát, chỉ có chợ bến sông thì đầy hương hoa, đầy quả ngon vật lạ bốn phương đổ về. Ven đê là đào mai, cúc đại đóa và quất Quảng An vẫn giữ một sắc lá riêng, xanh mướt mát và quả vàng mọng. Đào thốn cũng phải lên vườn Quảng An. Chuyện của những người đi tuốt lá đào thuê trong tháng Chạp để cây đào trổ hoa đúng ngày 30 Tết, đến chuyện đi chuyên chở đào quất thuê cho nhà giàu cũng được phơi lên trong hơi khói nhà tắm công cộng. Nơi người lao động sấp ngửa vì miếng ăn quanh năm. Sau tắp táp của chiều 23 Tết, hay 30 Tết, có người thư thả nghỉ ngơi, vẫn có người chạy xô đi kiếm thêm vài chuyến hàng chợ. Ở nhà tắm công cộng ở cuối phố Mai Hắc Đế gần cửa ô Cầu Dền, nơi mà công nhân ở bến phà Đen ở gần đầm Trấu hay tụ họp ở nhà tắm, tắm táp. Trấu và hàng hóa ở bến phà được kể qua người lao động khuân vác nặng nhọc, họ no đói ra sao, may mắn ra sao?
Lâu rồi, đã sau hai năm đại dịch, hai cái nhà tắm công cộng đã biến mất từ lâu. Nhưng cái máy nước công cộng cũng đi vào lãng quên cùng với tem phiếu thời bao cấp, cùng với sự khép lại của cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Nhưng tuổi thanh xuân ngày ấy, một thế hệ tiêu phí cho xuống hầm trú ẩn tránh bom, cho xếp hàng mậu dịch, chẳng học xa đi rộng được. Nhớ ánh đèn bão đến cái bếp mùn cưa; ám ảnh mùi dầu hỏa của bếp dầu, toàn chuyện cũ Hà Nội không vơi đi hay đầy lên mà nó làm cho đời người giàu thêm ký ức khi trở về. Ắt hẳn là không tẻ nhạt khi ta có trên tay, cầm trên tay ký ức.
Tôi kể cho chị Minh Châu nghe về chuyến trở lại sông Hằng (Ấn Độ) nhìn bến củi của những người Ấn, họ vẫn vác củi để thiêu người đã khuất. Có người ngủ ngay bến sông Hằng, có người ra đi mãi mãi. Tôi cũng trở lại Varanasi để yêu Hà Nội hơn và yêu sông Hồng nước Việt hơn. Chị cũng từ Frankfurt trở về Hà Nội để yêu Hà Nội hơn, dù đã chọn rừng già ở bên Đức để cát bụi cho mình.
Người Việt có nền văn hóa khác với người Ấn, họ không ra sông Hồng tắm sông để gột rửa mọi điều không lành, hay đức tin nước sông Hằng sẽ gột rửa hết thảy tội lỗi cho người Ấn. Sông Hồng yên ả đôi bờ với những cánh đồng hoa và những mái rơm rạ tái hiện hình ảnh cả đồng quê Bắc bộ, nơi dành cho người Hà Nội đi chơi Tết, và người dân lao động không về quê ăn Tết tìm được chút bóng dáng quê nhà.
Đi chợ Tết Hà Nội không còn thấy chợ một tầng, đường đất nữa rồi, bóng dáng chợ phiên cuối Mơ đầu Bưởi đã xóa vẻ xưa cũ, chỉ còn chợ kính cao tầng. Ngay cả hàng bán lá xông, lá bưởi hương nhu, lá tre cũng xếp lá đặt trên bệ xi măng. Chợ của thời hiện đại, đang đánh thó cái hồn quê kiểng của ông bà ta. Hàng mây tre nứa lá, cũng vắng thưa dần, cứ đồ nhựa đỏ xanh thay thế. Nếu nhớ bốt Hàng Đậu, leng keng xưa tàu điện lên Bưởi, xuống hồ Gươm, rồi nhớ rẽ vườn hoa Hàng Trống, đi bộ trên phố nhà Thờ; phố xưa không thảng gặp một nữ tu sỹ u ẩn, cộng với vẻ khổ hạnh khi được làm con chiên của Chúa. Nếu qua hồ Gươm ngồi chơi với vườn hoa con Cóc, nơi hẹn hò chụp ảnh cưới của nhiều cặp vợ chồng; nơi có cầu thê húc gần nhà hát lớn, đâu cần phải sang tới tháp Eiffel ở Paris mới có trăng mật. Trăng mật ở trong lòng người, hạnh phúc ở trong lòng người, dù Tết hay chưa phải Tết.
Vốn là một bác sỹ chuyên khoa, chị Minh Châu từng mổ sẻ và từng học phẫu thuật cơ thể người, chị thấu hiểu cái giá của hạnh phúc. Vậy mà chính chị đã từng có một vệt dài thật hạnh phúc, được yêu và yêu; rồi đoạn kết đổ vỡ. Con cái phương trưởng có cuộc đời riêng. Chị sống ở một căn hộ bên Đức, hàng ngày vẫn đi làm thêm ở một quán cà phê theo giờ. Không thể ngờ rằng chị thật can đảm. Hàng ngày chị loại bỏ dần đồ đạc, sống thật giản đơn hay cũng là cách lựa chọn lối sống theo cách tối giản của người Nhật. Hai chị em tôi cùng chung một sở thích là không thích đồ đạc hay mua sắm và mua sắm. Chỉ mong khỏe mạnh, đọc cuốn sách hay rồi đi đến một nơi nào đó, ngồi với người trồng hoa hay trồng bí ngô ở mạn sông Hồng; chập tối tạt vào ngõ hẹp uống trà chén, nghe kể về phố cổ; về chỗ làm trà sen của cụ Nghĩa trong ngõ Gạch xưa đã đóng cửa, người bán oản ở ngõ hàng Giầy cụ bà đã khuất? hay phở Vui cũng không còn bà Vui ông Vui. Người bán bánh bao nhân thịt gà quay, người bán bánh trôi tàu là nghệ sỹ Phạm Bằng cũng trôi vào quên lãng. Nhiều tên tuổi nghệ sỹ lừng danh của Hà Nội cũng như nước, hãy chảy đi sông ơi. Vẫn còn sự ấm áp ân tình chảy trong lòng người, bạn hữu. Và vì thế, quán trà chén vài ngàn bạc lẻ, cũng hắt lên một phận người như đang bước trên hè phố mưa xuân, mãi còn trong câu chuyện truyền miệng. Khác với bọn trẻ vào quán, mỗi người một điện thoại ngồi bên nhau mà không nói chuyện bằng tiếng người, mà là chít chát nhắn tin khi vẫn ngồi bên nhau.
Hà Nội đêm, khó ngủ nhất chỉ có dãy phố Tạ Hiện, Hàng Bạc hay Hàng Buồm, Hàng Ngang hay Hàng Đào? Lên phố để ăn bún thang vào ngõ chợ Hàng Chiếu, ăn ô mai mơ lên phố Hàng Đường, bánh cuốn cà cuống ở góc hàng Cân… phở bò Hàng Đồng thì không có chanh mà chỉ có dấm.
Nhắn tin đi ăn và rủ nhau đi ăn là ẩm thực quen thuộc của người Hà Nội trẻ, còn người sống lâu năm ở Hà Nội cũ, lại chỉ quen mua về làm nhiều món ăn cho ngon miệng cả nhà. Tết là xum họp, là kể chuyện ngày xưa, và chị Minh Châu dù mắt ướt vẫn cứ lo cho chuyến đi 11 giờ bay chỉ để lần hồi về ký ức không quên, không màu nhưng đầy hương vị người, nỗi người, trong năm hết Tết đến.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mat-uot-sau-11-gio-bay-239500.html