Matthaus, rượu bia, tình dục và các bê bối
Không nhân vật nào trong bóng đá Đức có nhiều màu sắc như Lothar Matthaus. Rượu, thuốc, tình dục, những tranh cãi. Tất cả được tiết lộ trong tự truyện 'Ganz oder gar nicht'.
Matthaus không phải là cầu thủ có tài năng đặc biệt, lối chơi hoa mỹ, nhưng sở hữu tố chất thủ lĩnh bẩm sinh. Ông là mẫu tiền vệ box-to-box đầu tiên trên thế giới, thời đó được gọi là tiền vệ con thoi. Nếu gọi ĐTQG Đức là “cỗ xe tăng” thì không ai xứng đáng với hình ảnh “cỗ xe tăng” hơn Matthaus. Lạnh lùng trên sân, ông dắt cả đội lừ lừ tiến lên nghiền nát đối thủ.
Những năm Matthaus ở trên đỉnh cao phong độ được xem là những năm bóng đá thế giới bế tắc về ý tưởng nhất. Có lẽ vì thế mà đại diện “cỗ xe tăng” là Matthaus hai lần giành được giải cầu thủ số một thế giới của FIFA năm 1990 và 1991, sau khi cùng ĐTQG Đức vô địch World Cup 1990.
Kiêu ngạo nên không được lòng người
Trong cuốn tự truyện của mình, Diego Maradona mô tả Matthaus là “đối thủ lớn nhất” trong đời cầu thủ. Maradona từng đối mặt với những cầu thủ phòng thủ hàng đầu như Gentile, Scirea, Baresi, Maldini nhưng chưa hề nhận xét ai là đối thủ lớn nhất, ngoại trừ Matthaus.
Maradona ngưỡng mộ Matthaus đến mức, sau World Cup 1986, ông muốn tiền vệ người Đức có mặt tại Napoli để sát cánh với mình. Ông gửi người đại diện của Napoli đến Đức để đề nghị Matthaus gấp đôi lương ở Bayern, nhưng Matthaus từ chối.
Ngược lại, sau giải World Cup đó, Maradona cũng bày tỏ ý tưởng sẽ đến chơi cho Bayern một ngày nào đó. Uli Hoeness, Giám đốc Thể thao Bayern vào thập niên 1980, kể lại: “Mọi thứ thỏa thuận xong xuôi, nhưng cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao vụ chuyển nhượng lại thất bại”.
World Cup 1990, hai thủ lĩnh này gặp lại nhau trong trận chung kết, phần thắng lần này nghiêng về Matthaus.
Song hành với tố chất thủ lĩnh, Matthaus là người kiêu ngạo bẩm sinh. Năm 1979, khi mới chuyển đến CLB M’Gladbach, cầu thủ mới 18 tuổi nói “từ đây thị trấn Herzogenaurach lại có thêm một thương hiệu thế giới nữa”. Thị trấn này là các hãng Puma, Adidas, Schaeffler nổi tiếng thế giới đặt đại bản doanh.
Cha Matthaus là gốc Silesia, nay thuộc Ba Lan, di cư đến thị trấn, quản lý canteen trong công xưởng làm giày Puma. Mẹ ông là một công nhân trong dây chuyền Puma. Người dân thị trấn ấn định cho Matthaus, là anh chỉ được đá cho M’Gladbach và đi giày Puma, không được tơ tưởng đến Bayern và Adidas.
Năm 1984, khi chuyển tới Bayern, ban lãnh đạo CLB này phải xin nhà tài trợ Adidas cho Matthaus được mang giày Puma thi đấu. Đó là điều kiện Matthaus đặt ra cho Bayern khi về đầu quân.
Trẻ sớm kiêu ngạo, nhưng khá được việc. Năm 1980, mới 19 tuổi, Matthaus được gọi vào ĐTQG dự Euro 1980. Từ đó cho đến giải lớn cuối cùng Euro 2000 ông khoác áo ĐTQG là tròn 20 năm, lập kỷ lục nước Đức: 150 lần khoác áo ĐTQG. Một huyền thoại của bóng đá Đức, không còn gì phải bàn cãi nữa. Nhưng đó là về mặt con số, không phải tính cách.
Sau khi giải nghệ, không đội bóng Đức nào trọng dụng ông làm HLV hay quản lý. Ông có thể làm ở Áo, Hungary, Serbia, Bulgaria, Israel, thậm chí xa tận Brazil. Nhưng nước Đức thì không. Kể cả tại Bayern, nơi ông cống hiến 12 năm đời cầu thủ. Vì tính cách kiêu ngạo, kẻ cả, dễ gây chia rẽ của Matthaus.
Bia rượu, thuốc lá và tình dục
Trong cuốn tự truyện, Matthaus tiết lộ nhiều thâm cung bí sử của ĐTQG. Trong quá trình tập trung chuẩn bị World Cup 1982, HLV Jupp Derwan quá dễ dãi với các cầu thủ, thế là họ rượu chè liên tục, có ngày phải hủy buổi tập vì nhiều người không bò nổi ra khỏi giường. Có đêm, một cầu thủ đàn anh thuê dàn người mẫu thoát y vào tận khu tập huấn hầu rượu các cầu thủ.
Matthaus viết khi đó ông là cầu thủ trẻ, đến từ tỉnh lẻ nên không được mời vào chơi chung. Thời gian họ chơi bời, ông đánh cờ cùng người quản lý đội tuyển Wolfgang Niersbach (sau này là chủ tịch LĐBĐ Đức) và một nhà báo. Giải đấu đó Đức vẫn tiến vào tới trận chung kết.
Nhưng với bia rượu thì Matthaus không phải tay vừa, kể cả lúc còn thi đấu cho M’Gladbach. “Sau các trận thắng, chúng tôi thường kéo nhau đi uống cho đến tê liệt đầu óc. Trước một số trận, tôi làm một ly whisky cho khí thế nữa. Còn thuốc lá, tôi bắt đầu hút từ 12 tuổi, đâu đó đến 25 tuổi thì tôi bỏ”.
Một tối, Matthaus mượn chiếc BMW của bạn đồng đội Armin Veh. Ngày hôm sau, anh đi bộ trở lại sân tập, vì xe đang treo ngược trên dải phân cách đường. Năm 1983, sau một chầu rượu, Matthaus đâm chiếc xe Mercedes 190 vào gốc cây nát bét.
Trước Euro 1988, Đức tổ chức một giải giao hữu gồm 4 đội Đức, Argentina, Liên Xô, Thụy Điển để thử nghiệm cho công tác tổ chức giải Euro. Sau khi thua Thụy Điển ở trận bán kết, Matthaus và một số cầu thủ Đức đi dạo Tây Berlin giải khuây. Cuối cùng thế nào, họ vào nhà thổ Bel Ami.
Hôm sau, HLV Beckenbauer gọi Matthaus vào khiển trách: “Sao lúc nào cậu cũng vướng vào mấy việc như vậy? Sao không bật bộ não của mình lên?”.
Nói một hồi, Matthaus hiểu HLV không khiển trách việc đi nhà thổ, mà là việc mặc quần áo của ĐTQG vào đó. Lần này, Matthaus đưa ra tên thủ phạm: “Littbarski nói chúng ta không phải thay đồ đâu, dù gì họ cũng biết mặt chúng ta”.
Một HLV va chạm nhiều nhất với Matthaus là Jupp Heynckes. Ông dẫn dắt M’Gladbach đến năm 1987 rồi cũng chuyển sang Bayern. Cuối mùa giải 1984, M’Gladbach đá trận chung kết cúp nước Đức với Bayern. Khi đó, hợp đồng bán Matthaus sang Bayern đã làm xong. Và đấy là trận cuối ông khoác áo M’Gladbach.
Bước vào loạt sút luân lưu, Heynckes phân công Matthaus đá quả đầu tiên, dù anh nói không muốn đá. Ông đá hỏng, M’Gladbach thua. Các CĐV đổ lỗi cho ông là kẻ phản bội. Tới Bayern, HLV Heynckes không xếp anh đá hàng tiền vệ, mà đưa anh đá hậu vệ phải.
Nhiều người nói Matthaus hay “trốn tránh trách nhiệm” vào những lúc quyết định, như cú sút 11 m kia. Nhưng không hẳn vậy. Tại trận chung kết World Cup 1990, Đức được hưởng quả 11 m vào cuối trận, theo vai vế trong đội thì đội trưởng Matthaus được mặc định sẽ sút. Nhưng ông nhường lại cho Brehme, vì ông không cảm thấy thoải mái với đôi giày của mình. Đôi giày ông đi quen chân bị gãy đế trong hiệp đầu, nên ông phải thay đôi giày mới vào giờ nghỉ giữa hiệp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/matthaus-ruou-bia-tinh-duc-va-cac-be-boi-post1423126.html