Mấu chốt nạn vi phạm bản quyền sách trong kỷ nguyên AI

Trước khi thế giới phát triển được một hệ thống AI chuyên nghiệp chống vi phạm bản quyền, các tác giả phải trầy trật chứng minh quyền sở hữu với tác phẩm số mà mình tạo ra.

 Đồ họa: nordangliaeducation.

Đồ họa: nordangliaeducation.

Tình trạng vi phạm bản quyền ảnh hưởng đến cả các nhà xuất bản và tác giả, ngay cả những cây viết ăn khách như Lee Child (loạt truyện Jack Reacher) hay Michael Crichton, cha đẻ truyện giật gân Mỹ.

Những hiểu lầm về vi phạm bản quyền

Đầu tiên, tổn thất tài chính là một hệ lụy rõ ràng nhất khi các tệp sách điện tử được phân phối miễn phí hoặc được sử dụng để thu hút người dùng, tăng lưu lượng truy cập trang web. Tiếp đó, chất lượng của sách vi phạm bản quyền không bảo đảm và có thể được tạo ra chỉ để phục vụ mục đích lừa đảo.

Nhiều người lầm tưởng rằng bằng cách không tải xuống bất kỳ tài liệu nào, họ không góp phần vào nạn vi phạm bản quyền, Tuy nhiên, điều này không đúng. Chỉ với một cú nhấp chuột để đọc thử tệp sách điện tử, người dùng đã phần nào giúp những kẻ ăn cắp bản quyền đạt được mục đích.

Còn với tác giả, danh tiếng của họ bị ảnh hưởng và sẽ phần nào sẽ nảy sinh lo ngại khi sáng tác các tác phẩm mới. Ngoài những cây viết đã thành danh, các tác giả độc lập cũng đóng vai trò quan trọng đối với ngành xuất bản vì tác phẩm của họ mới mẻ và đa dạng. Nếu không có họ, sự đa dạng của văn học sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, họ phải đầu tư vào việc tự xuất bản để nội dung của họ có thể hiển thị trực tuyến và nếu không có lợi nhuận, họ sẽ không có động lực để tiếp tục.

 Các công cụ AI tổng quát đang dấy lên lo ngại đối với tác quyền xuất bản. Ảnh: Los Angeles Times.

Các công cụ AI tổng quát đang dấy lên lo ngại đối với tác quyền xuất bản. Ảnh: Los Angeles Times.

Còn các nhà xuất bản nhỏ cũng có thể tự hỏi tại sao họ phải in, phát hành sách khi nội dung của họ có thể dễ dàng bị đánh cắp, dùng AI “xào xáo” lại và bán cho người dùng. Như vậy, toàn bộ hệ sinh thái văn học đều chịu thiệt hại.

AI đang làm cho tình hình vi phạm bản quyền diễn biến xấu đi. Hiện chưa có biện pháp nào ngăn chặn những kẻ sử dụng AI để “tái tạo nội dung” và sau đó cung cấp trên không gian mạng. Thậm chí, những kẻ này còn sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng và chính trị gia để truyền bá thông điệp và tác động đến ý kiến độc giả.

Chúng cũng có thể tạo ra sự lầm tưởng rằng người dùng đang ủng hộ tác giả, trong khi trên thực tế, tác giả thậm chí còn không biết về những cuốn sách đó. Google và Meta đang phải vật lộn để triệt phá nội dung giả mạo, hiện phá hoại niềm tin của công chúng vào phương tiện truyền thông và có khả năng gây ra vấn đề cho các nền dân chủ.

Vấn đề vi phạm bản quyền lớn đến mức nào?

Hiện có hai quan điểm lớn về AI và vấn đề vi phạm bản quyền. Trong khi một bên tin rằng AI sẽ giúp phát hiện hành vi vi phạm bản quyền nhanh và chính xác hơn, thì bên kia cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền sẽ gia tăng khi việc phân biệt nội dung kỹ thuật số trở nên khó phát hiện hơn.

AI phụ thuộc vào những người phát triển nó và các thuật toán mà nó được thiết kế, chẳng hạn như AI tạo sinh, AI robot hoặc AI dự đoán. Nếu nhóm phát triển cốt lõi không coi vi phạm bản quyền là vấn đề cần quan tâm, họ có thể loại trừ tính năng này khỏi quá trình phát triển AI. Từ đó, sẽ cần triển khai một AI khác để can thiệp. Do đó, cách tốt nhất là để các nhà phát triển hiểu rằng vấn đề vi phạm bản quyền sách điện tử đủ quan trọng để họ theo đuổi.

Theo Sellfy, một nền tảng giúp các nhà sáng tạo tiếp cận người dùng, tổng doanh thu hiện tại bị thiệt hại từ vi phạm bản quyền là khoảng 315 triệu USD và việc tải xuống sách lậu cũng gây thiệt hại tới 4 triệu USD. Những con số này đáng báo động vì nhiều cuốn sách có giá chưa đến vài USD và hiện có tới hàng nghìn cuốn sách miễn phí trên không gian mạng.

Trước tình hình này, các tác giả có thể tự bảo vệ mình khỏi nạn vi phạm bản quyền bằng cách làm mờ một số nội dung, sử dụng PDF thay vì tệp văn bản hoặc chỉ xuất bản trên các trang web uy tín như Amazon.

Nếu tìm thấy bất cứ tác phẩm nào bị đánh cắp trên Internet, tác giả có thể yêu cầu xóa tệp đó khỏi trang web hoặc khiếu nại theo Đạo luật Bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA). DCMA là luật bảo vệ nội dung trực tuyến khỏi bị sao chép. Luật này được đề ra với mục tiêu ban đầu là bảo vệ tác quyền cho giới nhiếp ảnh gia trên Internet, nhưng sau đó đã mở rộng để bao gồm mọi tác phẩm số.

Tuy nhiên, quá trình kiện cáo tương đối phức tạp. Trước khi khiếu nại lên DMCA, tác giả phải đảm bảo rằng mình có thể chứng minh được quyền sở hữu nội dung đối với tác phẩm, vì thường thì chủ sở hữu trang web hoặc nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ sẽ từ chối thực hiện. Và để làm được điều này, tác giả phải chuẩn bị sẵn bằng chứng, có thể ngay từ lúc bắt đầu sáng tác.

Trong khi điều này có thể gây thêm khó khăn cho các nhà văn thì chính họ cần tìm ra cách bảo vệ mình trước khi thế giới phát triển được một hệ thống AI chuyên nghiệp chống vi phạm bản quyền.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/mau-chot-nan-vi-pham-ban-quyen-sach-trong-ky-nguyen-ai-post1497703.html