Máu đào thấm đẫm màu cờ

Tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương chịu tổn thất nặng nề từ cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Trong 20 năm qua, đã có 5 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hòa Bình anh dũng ngã xuống và hàng chục đồng chí bị thương trong cuộc chiến đầy cam go này. Giữa thời bình, máu các anh đổ xuống để giữ cho đào hồng, ban trắng, nắng xuân, giữ cho đại ngàn mãi xanh tươi. Nhiều đồng chí đã hy sinh cả tuổi trẻ với biết bao dự định dang dở, để lại người mẹ, người vợ ngày đêm nhớ mong.

Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá

Chúng tôi ngược dốc Cun quanh co theo quốc lộ 6, vượt đỉnh Thung Khe mù sương, đến thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đã hơn 13 năm trôi qua nhưng mỗi khi ngồi nói chuyện với chúng tôi, nhắc tới chồng, chị Hà Thị Thủy, vợ Trung úy Sùng A Trư, người đã hy sinh trong trận vây bắt trùm ma túy Vàng A Khua ngày 5/2/2010, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt luôn phảng phất buồn. Trong câu chuyện với chúng tôi, mặc dù cố gượng cười, chị vẫn không giấu được nỗi buồn. Sùng A Trư hy sinh để lại người vợ trẻ khi đó mới 23 tuổi, chưa có việc làm, hiện đang mang thai đứa con đầu lòng. Công an tỉnh Hòa Bình quyết định tuyển dụng chị Thủy vào công tác tại Công an huyện Mai Châu để tiếp nối hành trình dở dang mà chồng chị, liệt sĩ Sùng A Trư đã ngã xuống.

Góa phụ trẻ năm xưa nay đã là Trung úy Hà Thị Thủy - cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mai Châu. Những năm tháng đau thương đã lùi xa, Trung úy Hà Thị Thủy đã trở thành nữ chiến sĩ công an rắn rỏi, bản lĩnh, thầm lặng gieo mầm xanh trên cao nguyên đá. Dáng người nhỏ, giọng nói nhẹ nhàng, vậy mà, người con gái ấy đã vượt qua bao khó khăn của cuộc sống, tưởng chừng không gượng dậy nổi, thay chồng nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Trung úy Hà Thị Thủy bám bản, gần gũi các em nhỏ người Mông.

Trung úy Hà Thị Thủy bám bản, gần gũi các em nhỏ người Mông.

Trung úy Hà Thị Thủy đã kiên trì tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân bản địa, tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông, tìm đọc các loại sách cổ để việc tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm và gần với thực tiễn cuộc sống. Nói phải đi đôi với làm, làm phải cụ thể và có hiệu quả thì dân mới tin, mới nghe cán bộ. Sau một thời gian kiên trì vận động, “cái bụng” người Mông đã mở, họ bắt đầu lắng nghe, chú ý hơn vào những việc nữ cán bộ làm, được tận mắt thấy những giá trị của việc cấp căn cước công dân. Họ cảm nhận cái tâm của nữ cán bộ dành cho họ, đó không chỉ là việc quản lý hành chính đơn thuần, mà điều đó sẽ giúp cuộc sống người dân được đảm bảo, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo hoạt động phi pháp.

Khi toàn lực lượng Công an đang dồn sức thực hiện “chiến dịch” cấp căn cước công dân, Trung úy Hà Thị Thủy đã đề đạt nguyện vọng được chung tay với Công an huyện Mai Châu hoàn thành tiến độ đề ra. Khi chị đề đạt nguyện vọng, lãnh đạo đơn vị khá băn khoăn bởi chị đang phải nuôi con nhỏ. Chị làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm thì ai trông con, ai đưa đón con đi học... và các công việc gia đình quan trọng khác. Khi thấy chị quyết tâm nhận nhiệm vụ, nhất là khi chị trình bày kế hoạch sẽ gửi con vào Trường dân tộc nội trú huyện Mai Châu, lãnh đạo đơn vị đồng ý để chị thực hiện nhiệm vụ. Chị vui hơn khi con trai chị, mặc dù nhỏ tuổi nhưng hiểu mẹ, thông cảm công việc của mẹ. Cháu Sùng Hà Sơn là điểm tựa để chị hoàn thành nhiệm vụ.

Có những ngày, Trung úy Hà Thị Thủy và đồng đội làm đến 2-3 giờ sáng để thu nhập hồ sơ căn cước công dân. Người dân tập trung rất đông nên việc cấp căn cước phải chặt chẽ, khoa học, không để người dân phải chờ đợi quá lâu, không để người dân bức xúc. Chị đã đề xuất làm theo khung giờ, phát phiếu cho từng hộ, từng người để giảm tải áp lực và tạo thuận lợi hơn cho nhân dân. Công an huyện Mai Châu đã hoàn thành 100% việc thu nhập hồ sơ căn cước cho người trong độ tuổi quy định, là một trong những địa phương dẫn đầu được lãnh đạo công an tỉnh khen ngợi.

Nước mắt của mẹ

Rời Mai Châu, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh ở phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đã hơn 12 năm trôi qua, mỗi lần nhắc đến con, bà Nguyễn Thị Mùi (mẹ Linh) lại thẫn thờ. Từ ngày Linh mất chưa đêm nào bà ngủ trọn giấc. Suốt bao năm qua bà thờ chồng, nuôi con. Chồng bà cũng là chiến sĩ công an, ông bị bệnh mất sớm. Năm đó Linh mới 11 tuổi. Nhà vốn nghèo, một mình bà lo cho các con. Sáng sớm chạy chợ, trưa về bán hàng tạp hóa... Dù có khổ đến mấy, bà cũng động viên các con đi học. Linh là đứa con ngoan và chịu khó học hành. Năm 2002, Linh tham gia nghĩa vụ ngành Công an. Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi và rèn luyện, năm 2005, Linh được kết nạp Đảng và chính thức tuyển dụng.

Thế rồi, vào ngày 18/5/2011, Linh gọi điện về nhà bảo mẹ mua móng giò, khoai tây nấu canh, trưa con về ăn cơm. Bữa cơm đó diễn ra bình thường như bao bữa cơm khác. Linh còn bảo: Mai xong việc con về đưa vợ đi khám thai. Lời hứa đó Linh đã không thể thực hiện được. Lúc đó, mẹ và vợ Linh cũng nghĩ anh đi làm xong rồi về. Nào ngờ, bữa trưa đó là bữa cơm cuối cùng với gia đình. Đội của Linh được giao nhiệm vụ chặn bắt đối tượng buôn bán ma túy tại Tân Lạc. Đội của Linh có trách nhiệm là chốt chặn cuối cùng. Không ngờ, tên trùm ma túy đã tông xe ô tô thẳng vào đội của Linh... Từ hôm Linh mất, bà Mùi kê cái giường ra gian thờ để ngày đêm thắp hương cho con. Người vợ trẻ Nguyễn Thị Huyền cũng đã khóc cạn nước mắt. Lúc còn sống, Linh muốn nếu là con gái sẽ đặt tên Đỗ Thùy Dương, con trai đặt tên Đỗ Hải Đăng. “Em sẽ đặt tên con theo đúng ý nguyện của chồng” - Huyền nghẹn ngào.

Trong căn nhà nhỏ của liệt sĩ Bùi Quốc Đại ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, mỗi khi nhắc tới con, bà Nguyễn Thị Thu Hà (mẹ liệt sĩ Bùi Quốc Đại) lại không cầm được nước mắt. Biết chúng tôi muốn thắp hương cho Đại, bà dẫn lên gác. Trên đó có ban thờ của Đại. Vừa nhìn thấy ảnh con, bà bật khóc. Bà bảo: Mọi vật dụng Đại quen dùng tôi vẫn để nguyên như hồi Đại còn sống. Ngay trước ảnh thờ là một tờ báo thể thao. Đại thích bóng đá. Từ ngày con mất, sáng nào chồng bà cũng ra bưu điện mua một tờ báo đặt lên ban thờ rồi mới đi làm. Trong câu chuyện, mỗi khi nhắc đến con, bà lại nghẹn ngào nước mắt. Đại là niềm hy vọng của cả hai bên nội ngoại. Đại học giỏi lắm! Năm 2000, đạt Giải ba môn Sử trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. Nhờ giải thưởng này mà Đại được tuyển thẳng vào đại học. Đại ôm mộng thi vào trường Đại học Kiến trúc. Thế nhưng, thương bố mẹ vất vả lo tiền ăn học nên cậu đã gạt mơ ước của mình sang một bên mà đăng ký vào Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Học xong, Đại về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình. Khi mới vào ngành Công an, Đại làm trinh sát.

Đại hy sinh vào chiều ngày Thứ sáu. Bởi thế, từ khi con mất, bà Hà thấy sợ những buổi chiều Thứ sáu. Cứ đến thời gian ấy, chẳng hiểu tại sao bà thấy bủn rủn chân tay. Bà kể: Hôm ấy, đang giờ làm, bỗng nhiên bà đứng ngồi không yên. Hôm trước, Đại về qua nhà, nói là đêm ấy phải đi công tác. Tết đã cận kề, tuy chẳng muốn con mình rời xa gia đình nhưng bởi nhiệm vụ, bà lại căn dặn: “Con đi nhớ cẩn thận, xong việc thì gọi ngay về để bố mẹ yên tâm!”. Thương con nên tối ấy bà làm thịt con gà để tẩm bổ cho con bởi ý nghĩ, xa tay mẹ con mình ăn uống sẽ chẳng ra sao. Chừng 2h sáng, vợ chồng bà đã dậy mở cửa để tiễn con đi. Và, lần tiễn biệt đó là lần cuối cùng. Đại đã ngã xuống để giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Siết chặt đội ngũ, xây dựng Công an tỉnh vững mạnh

Là địa phương chịu nhiều tổn thất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh Hòa Bình xác định quyết tâm củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc. Đó chính là hành động tiếp nối tấm gương hy sinh quên mình của các anh hùng liệt sĩ, biến đau thương thành hành động, xây dựng Công an tỉnh Hòa Bình từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nghĩa tình.

Thiếu tá thương binh Bùi Trung Dũng trao trả tài sản cho người dân.

Thiếu tá thương binh Bùi Trung Dũng trao trả tài sản cho người dân.

Trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc tri ân người có công với cách mạng. Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh Hòa Bình đã vận động cán bộ, chiến sĩ và các nhà hảo tâm quyên góp, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai” trong lực lượng Công an tỉnh.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm tạo điều kiện để con em các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ công an được cống hiến trong lực lượng CAND. Đó là con của liệt sĩ Nguyễn Trọng Bảo, con liệt sĩ Phạm Ngọc Thuận được tuyển thẳng vào Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, em liệt sĩ Bùi Quốc Đại được chuyển ngành vào lực lượng CAND, vợ liệt sĩ Sùng A Trư và vợ của thương binh Bùi Trung Dũng được tuyển dụng vào Công an tỉnh Hòa Bình. Quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt chế độ, chính sách góp phần làm vơi đi mất mát lớn lao mà thân nhân các liệt sĩ trải qua. Cũng là hành động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Như Hùng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/mau-dao-tham-dam-mau-co-i712236/