Máu đào thấm từng tấc đất quê hương

Trong những ngày tháng Bảy lịch sử này, đoàn công tác của Báo Biên phòng và Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An (Hà Nội) đã có hành trình về nguồn, đi qua những khu vực trọng điểm trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Sự tàn khốc của chiến tranh phai dần theo năm tháng, những trọng điểm bom đạn năm xưa hiện giờ đã được phủ xanh bởi cỏ cây hoa lá, nhưng sự hy sinh anh dũng của hàng ngàn anh hùng, liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong lịch sử phát triển của Tổ quốc Việt Nam.

Hàng triệu người dân đã tới thăm, thắp hương tri ân 10 cô gái và hàng ngàn liệt sĩ, TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Bích Nguyên

Hàng triệu người dân đã tới thăm, thắp hương tri ân 10 cô gái và hàng ngàn liệt sĩ, TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Bích Nguyên

Sự hy sinh đã thành bất tử

Khu Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào những ngày này đón hàng nghìn du khách tới thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) đã ngã xuống tại nơi này. Những hố bom lớn - chứng tích chiến tranh vẫn phơi mình dưới nắng lửa miền Trung gợi nhớ về một thời bom đạn ác liệt. Xem lại những thước phim tư liệu về ngã ba Đồng Lộc, mắt chúng tôi đỏ hoe khi chứng kiến tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của các TNXP “trực chiến” ở đây.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là một trong những địa điểm huyết mạch giao thông từ miền Bắc vào miền Nam. Nơi đây đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của Mỹ nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, vũ khí, lương thực của quân dân miền Bắc cho miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết” khi mỗi mét vuông nơi đây đều phải gánh tới 3 quả bom tấn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, những chàng trai, cô gái TNXP đã kiên cường bám đường, bắn máy bay địch, phá bom, san đường, lấy thân mình làm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua. Để giữ cho tuyến đường huyết mạch này thông suốt, hơn 4.000 TNXP đã mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, trong đó có 10 nữ TNXP từ 17 đến 22 tuổi thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.

Chuyện kể rằng, chiều ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn nhằm nhanh chóng thông đường cho xe qua. Khi các cô gái đang thực hiện nhiệm vụ thì trúng một loạt bom của máy bay Mỹ. Tiếng bom vừa dứt, các đồng đội lao ra tìm kiếm thì chỉ thấy một hố bom sâu. Cả 10 cô gái ấy đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Sự hy sinh của 10 cô gái và các liệt sĩ TNXP ở trọng điểm này đã trở thành bất tử, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, quyết thắng, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Trên mảnh đất đầy bom đạn năm xưa, giờ đây hiện hữu 10 ngôi mộ trắng ngợp khói hương và sắc hoa tươi. Hằng ngày, người dân từ khắp mọi miền đến tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các cô. Hòa cùng các đoàn khách tới đây, chúng tôi lặng người nghiêng mình trước sự bất tử của 10 cô gái và các anh hùng, liệt sĩ TNXP nằm lại nơi này.

Con đường của lứa tuổi mười tám, đôi mươi

Chúng tôi đi dưới tán rừng, dọc theo Đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), con đường được làm nên bởi những con người lứa tuổi mười tám, đôi mươi, đã đi vào lịch sử dân tộc như một "kì tích". Dấu vết bom đạn dường như đã được “chữa lành”, cây rừng đã xanh trở lại. Dọc con đường này, chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của lớp lớp TNXP và người dân nơi đây.

Đoàn công tác của Báo Biên phòng và Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An thắp hương tri ân liệt sĩ tại Di tích Hang Y tá. Ảnh: Ngọc Hòa

Đoàn công tác của Báo Biên phòng và Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An thắp hương tri ân liệt sĩ tại Di tích Hang Y tá. Ảnh: Ngọc Hòa

Ông Phạm Ngọc Lâm, một cựu binh đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho biết: "Trong toàn bộ 5 trục dọc và 21 trục ngang của hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, Đường 20 Quyết Thắng là trục ngang có mức độ khốc liệt nhất, mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Trong những năm 1966-1972, đế quốc Mỹ đã điên cuồng huy động hàng ngàn lượt máy bay ném hàng chục vạn tấn bom các loại hòng chặn đứng tuyến vận tải chi viện chiến lược Đường 20, biến các vùng đất biên cương Cà Roòng, cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích... hay còn được gọi là trọng điểm Cà Roòng - ATP, trở thành "túi bom", "tọa độ lửa", là "cửa tử” vượt Trường Sơn".

Dưới mưa bom bão đạn, quân dân ta vẫn kiên cường "giữ đường như giữ máu", "tất cả vì miền Nam ruột thịt". Những chàng trai, cô gái mãi mãi tuổi 20 hóa thân trên trọng điểm Cà Roòng, ATP, dốc Ba Thang.... làm nên lịch sử vẻ vang Đường 20 Quyết Thắng. Và trên tuyến đường xanh mãi tuổi 20 đó hiện có rất nhiều đài tưởng niệm liệt sĩ, bia đá khắc ghi kỳ tích làm nên con đường này như di tích lịch sử hang Tám cô, hang Y tá, Đài tưởng niệm liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại di tích hang Tám cô, chúng tôi vô cùng xúc động trước tinh thần quả cảm của hàng ngàn TNXP bảo vệ tuyến đường này. Trong 7.000 TNXP vào đây làm nhiệm vụ thì tiểu đội đầu tiên trực ban và chọn hang này làm nơi tránh bom là tiểu đội C217 gồm 8 nữ TNXP.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, nhân viên trông coi di tích hang Tám cô kể lại những điều đã đọc được trong sử sách: “Hồi đó, chiến trường rất khốc liệt và khối lượng công việc nhiều, bắt buộc các tiểu đội này phải bổ sung thêm nam để làm nhiệm vụ cho kịp tiến độ của công trình. Khoảng 3 giờ chiều ngày 14/11/1972, tiểu đội trực ban hôm đó gồm 4 nam, 4 nữ (quê ở Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường này hỗ trợ một đoàn pháo binh của ta vượt trọng điểm thì bị máy bay Mỹ rải thảm bom. Mọi người đã chạy vào hang tránh bom, không may, một khối đá lớn rơi xuống bịt lấp cửa hang”.

Anh Hoàng kể tiếp: “Ban đầu, mọi người vẫn nuôi hy vọng còn cứu được các cô chú trong hang vì vẫn nghe thấy tiếng các cô chú trong hang dùng những viên đá nhỏ gõ vào vách đá. Lúc đó, các phương tiện cơ giới không thể sử dụng được, mọi người phải đào bới bằng tay. Sau 9 ngày đêm làm việc, mọi người không nghe tiếng động ở trong hang nữa mới dừng công tác tìm kiếm và tổ chức lễ tang cho các liệt sĩ. Trên bia mộ khắc tạm, mọi người có để lại câu nhắn: “Chúng tôi sẽ quay trở lại để đưa đồng đội về với quê hương” và lời hứa đó được thực hiện vào tháng 8/1996. 8 TNXP được tìm thấy ngay vị trí lập bàn thờ hiện nay, trong tình trạng tất cả xương cốt đã trộn vào nhau, không thể phân biệt được từng người. Riêng 5 đồng chí bộ đội pháo binh thì không thể tìm thấy”.

Những điều được nghe khiến cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học chất lượng cao Tràng An xúc động chia sẻ: “Lần này, chúng tôi đến với Quảng Bình - vùng đất mà chiến tranh đã đi qua nhưng còn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Chuyến đi này giúp chúng tôi có thêm sự hiểu biết, kiến thức sinh động, chân thực nhất về những hy sinh, mất mát và những cống hiến vô giá của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ để chúng ta được sống trong hòa bình như ngày hôm nay. Chúng đã giúp cho giáo viên nhà trường có thêm lòng yêu quê hương, đất nước và chia sẻ những khó khăn với đồng nghiệp của chúng tôi và người dân nơi đây”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mau-dao-tham-tung-tac-dat-que-huong-post478784.html