Màu tết - màu của đất nước

'Đêm nay hình như xuân đến/ Hoa đào nở phía Nhật Tân/ Mùi hương bay qua thành phố/ Cho con chạnh nhớ quê mình'. Tôi viết câu thơ ấy vào một ngày giáp Tết Canh Thân (1980), khi ấy tôi được giao phụ trách Đài quan sát chỉ huy pháo binh chốt ở điểm cao 600 Bình Liêu, Quảng Ninh. Công việc 'căng' suốt ngày nhưng sắp đến Tết nên 'thằng nào thằng nấy' đều chạnh chút buồn nhớ nhà, thèm được về quê đón Tết, nhất là nhớ hương vị Tết.

Sáng hai mươi nhăm Tết, theo thông báo của "nhà" nên tôi cử hai chiến sĩ về hậu cứ để nhận tiêu chuẩn Tết cho anh em. Trước lúc hai cậu chiến sĩ khoác ba lô về cứ tôi nói với cậu Tuân: "Mày nhớ tranh thủ vào bản xin ít giấy đỏ rồi mang lên cho anh". Cậu Tuân hỏi lại: "Để làm gì hả anh?". Tôi cười vẻ bí hiểm: "Nhớ xin giấy đỏ, bà con trong bản chắc chắn là có vì theo tục lệ cứ vào ngày Tết là bà con thường dán câu đối đỏ ở cửa nhà. Nói khéo là bà con sẽ cho".

Đúng như lời, mãi gần nửa đêm hai cậu chiến sĩ mới hì hụi đeo ba lô lên tới Đài. Vừa đặt ba lô xuống là cậu Tuân đã hí hửng "báo cáo thành tích" với tôi: "Em không chỉ xin được một tờ mà những ba tờ giấy đỏ theo yêu cầu của anh". Mừng thôi rồi. Sáng hôm sau, từ tinh mơ tôi mang cuốc chim "lượn" một vòng quanh khu vực Đài rồi bứng một bụi sim đem về, đó là một bụi sim cao chừng bảy mươi phân, cành lá sum sum tựa như một mâm xôi vậy. Anh em trố mắt nhìn chưa hiểu điều "kỳ cục" đang xảy ra. Tôi huơ huơ tay: "Cứ làm theo anh". Thế là mấy anh em cẩn thận vặt hết những chiếc lá của bụi sim, chỉ giữ lại những búp xanh he hé. Nhìn bụi sim vẻ "khô khốc" cậu Tuân nói bâng quơ "Chẳng biết thủ trưởng làm cái gì nữa?".

Ngày hội mùa xuân.

Lại mất hai ngày cùng anh em cắt cắt dán dán mấy tờ giấy đỏ. Cuối cùng đã hình thành những bông hoa đào. Bấy giờ tôi mới bảo cậu Tuân: "Mày khéo tay buộc những bông hoa đào này vào bụi sim cho anh". Bấy giờ chẳng những cậu Tuân, tất cả anh em trong Đài mới ớ ra. Họ vui lắm, cười hân hoan, cặm cụi, chi li gắn từng cánh hoa đào lên các cành của bụi sim. Vậy là đón xuân năm đó, chúng tôi có hẳn một "cây đào" đẹp hơn mơ.

Đêm ba mươi Tết, không pháo, không rượu nhưng chúng tôi vẫn được vui đón giao thừa trong im lặng. Nói im lặng là vì nhiệm vụ quan sát theo dõi vẫn không ngưng nghỉ, tuyệt đối không tạo những khác lạ bởi bên kia họ chắc đang theo dõi mọi hành động ở phía chúng ta. Giây phút đất trời chuyển giao sao mà thiêng liêng thế. Trừ cậu Tuân đang trong phiên trực quan sát còn tất cả chúng tôi, lần này thì có thêm mấy cán bộ và chiến sĩ bộ binh trong đại đội giữ chốt cùng điểm cao 600 được đơn vị cử lên "chúc Tết" chúng tôi cùng tham dự.

Và khi lời chúc Tết của Chủ tịch nước vang lên trên chiếc đài bán dẫn, "Cây đào ngày tết" đang mọi người cùng chung tay nâng đặt lên chiếc bàn nhỏ được ghép bằng những thân tre. Lời chúc tết của Chủ tịch nước từ Thủ đô như băng qua mù sương, vượt qua cách nẻo đến với chúng tôi thật xúc động. Có mấy chiến sĩ "khịt khịt" mũi cố giấu những giọt nước mắt khi trước mặt đang hiển hiện màu đỏ thắm của "những bông hoa đào", Tết đã đến thật gần, màu đỏ tươi ấy chính là "Màu đất nước". Và tôi đã viết: "Mẹ ơi. Tha con nhé/ Chiều xuân nắm lá mùi già/ Trông hoài những bầy con trẻ/ Chưa về vui chuyện ngày hoa".

*

"Màu đất nước" - Thực ra nếu như nói đầy đủ thì phải nói là: "Hoa Đào - Màu đất nước, hồn dân tộc" và ngay lúc này đây, khi đặt bút viết bài này tôi chợt nhớ đến câu chuyện của mùa xuân năm 1789. Chuyện là xuân ấy, ngày mùng 5 Tết, sau khi đại phá quân Thanh, trong khói lửa chiến trận, giữa kinh thành Thăng Long ngổn ngang trận mạc, vua Quang Trung mặt mày sạm khói nhưng vẫn không quên tìm một cành đào rồi sai người cưỡi ngựa phi hỏa tốc đem cành đào đó về Phú Xuân tặng năm mới cho người con gái Kinh Kỳ có tên là "Ngọc Hân công chúa".

Câu chuyện vừa "phi lý" vừa "có lý". Điều phi lý là thời ấy đâu như bây giờ nghĩa là theo chuyến phi cơ trong vòng một hai tiếng là cành đào đó đã tới tay người nhận. Ngựa phi đường xa dù có nhanh đến mấy thì cũng phải mất một tuần mới đưa cành đào từ Thăng Long vào tới Phú Xuân. Khi ấy thử hỏi gió bụi dặm trường cành đào ấy nếu không tan nát thì cũng nát tan. Nó tới tay nàng Ngọc Hân thì còn gì cành lá nói đâu tới nụ hoa chúm chím màu hồng bừng nở. Nhưng có lý bởi đó là cái nghĩa, là cái tình hay nói chính xác hơn thì đó là tấm lòng của "Người anh hùng áo vải" cả đời chinh chiến vậy mà còn nhớ, còn biết, còn hay gửi cho 'Người con gái Thăng Long" chút xuân nồng mới. Có lý bởi đó là "Hoa đào - Màu đất nước, hồn dân tộc".

Những người phụ nữ Xạ Phang ở Thèn Pả thêu thùa, may vá.

Nói "Hoa đào" là "Màu đất nước" bởi mùa xuân đến đất nước nào, quốc gia nào cũng háo hức đón xuân. Nếu như các quốc gia Âu Mỹ đón xuân mới thông qua lễ Noel bằng những cây thông vươn như tháp bút thì đất nước Việt Nam ta mừng đón tân xuân, mừng tân niên bằng những cành đào thắm đỏ. Màu đỏ thắm của hoa đào từ lâu đã mặc nhiên trở thành "riêng có" của đất nước Việt Nam. Màu đỏ thắm của hoa đào đã từ lâu là biểu tượng xuân về của đất nước Việt Nam. Khi những ngọn gió đông thưa đi nhường chỗ cho chút nắng xuân vươn đám sương mù. Khi những cơn gió đông lạnh lùng yếu ớt nhường chỗ cho những làn gió xuân phơi phới cũng là lúc những nụ đào bung nở. Màu đỏ thắm của hoa đào tựa như những tia nắng ấm áp xuyên qua màn sương, xuyên qua giá lạnh đã và đang chuyển tới đất trời màu sáng. tươi, ánh hồng rạng rỡ và những hy vọng tốt tươi.

Nói "Hoa đào" là hồn dân tộc là bởi mùa xuân thực vô cùng có ý nghĩa với những con người vừa trải qua một mùa đông tăm tối, một mùa đông băng giá, một mùa đông co ro khép kín. Xuân đến, hoa đào khoe sắc lòng người chợt bừng lên những mênh mang, bừng lên những hân hoan, bừng lên những rạo rực và bừng lên sức sống. Đó là "Hồn dân tộc". Còn nhớ, hình như định mệnh đã luôn dành cho dân tộc Việt Nam những mùa xuân khởi sắc. Đấy, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 đấy, hoa đào bừng nở cũng là lúc những người lính dạn dầy chinh chiến là con dân nước Việt hân hoan chào đón Tết đến bằng chiến công lẫy lừng đập tan hai mươi vạn quân Thanh xâm lược, hoàn trả lại cho Tổ quốc sự bình yên như vốn có.

*

Tôi trở lại Bình Liêu vào một ngày cuối năm Tân Sửu sau ba mươi sáu năm rời xa mảnh đất biên cương mà tôi có mười năm gắn bó. Qua thị trấn Tiên Yên, xe theo quốc lộ 18C để lên Bình Liêu. Con đường ngày trước rải đá cấp phối bụi mù mịt và xóc nẩy người giờ được nắn cua, mở rộng lòng đường, hạ dốc và thảm bê tông asphalt êm mượt như nhung. Tôi hồ hởi gần như thò hẳn đầu qua ô cửa xe. Mới đầu tháng Chạp nhưng hình như sắc xuân ở nơi đây đã tới. Nếu như ngày trước bên những ngôi nhà là những mảnh vườn lèo tèo dăm luống cải cuối vụ lá cháy vàng khô thì nay đang lấp ló nhưng nụ hồng của hoa đào.

Hoa đào Bình Liêu xưa nay vốn nở muộn, cái chính là vào dịp cuối năm cũng là thời điểm sương mù giăng kín, thiếu ánh nắng trời. Thường là phải đợi tới giêng khi đó mới bắt đầu loãng lớp sương mù, ánh nắng bừng lên gọi những nụ đào e ấp hôm nao đua nhau nở rộ. Không hiểu trời đất chiều lòng người hay bởi lòng người phơi phới mà năm nay hoa đào nở sớm. Và cùng hoa sở nở trắng rừng, hoa đào nở đỏ bản làng đã và đã trở thành nét riêng của người dân Bình Liêu.

Đại úy Chu Xuân Cường, cán bộ Công an xã Hoành Mô, một người con của núi rừng Bình Liêu, đón chúng tôi bằng lời giới thiệu: "Cây đào Bình Liêu vốn là thứ đào rừng mọc tự nhiên trên những sườn núi. Những cây đào được bứng từ rừng về trồng trong vườn nhà. Một nhà làm rồi nhiều nhà làm theo. Đến nay cái thú trồng đào trong vườn nhà, trồng dọc những con đường ở các thôn bản trong huyện đã thành nếp".

Tôi ngước mắt trông xa. Núi rừng Bình Liêu, núi rừng miền biên viễn Đông Bắc của Tổ quốc đang tươi lên tươi mãi trong màu hoa xuân thắm đỏ. Tôi không giấu nổi lòng mình, không giấu được những dòng hồi ức: "Ôi nhớ Phai Lầu lúa vừa lên/ Sông Moóc, Khe Tiền sáng lửa đèn/ Giặc giã tan rồi dân về bản/ Má hồng em gái ấm quế thơm/ Nhớ mùa hoa sở nắng đung đưa/ Trắng đến lòng ta cũng thẫn thờ/ Mắt biếc áo hoa vui đi hội/ Sáo đàn réo rắt tới Hoành Mô".

Hà Nội, cuối năm Tân Sửu

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mau-tet-mau-cua-dat-nuoc-i642586/