Mẫu thư xin việc 'lấy lòng' nhà tuyển dụng

Mẫu thư xin việc chân thành, độc đáo cho phép ứng viên tạo ấn tượng tốt với quản lý, lãnh đạo tương lai. Forbes đưa ra gợi ý về văn mẫu xin việc hiệu quả trong năm 2024.

 Thư xin việc là công cụ tạo ấn tượng với doanh nghiệp của ứng viên. Ảnh minh họa: Pexels/Artem Podrez.

Thư xin việc là công cụ tạo ấn tượng với doanh nghiệp của ứng viên. Ảnh minh họa: Pexels/Artem Podrez.

Theo Forbes, thư xin việc (cover letter) có ý nghĩa quan trọng tương đương với resume (sơ yếu lý lịch) của ứng viên.

Thư xin việc cho phép bộ phận HR, quản lý trực tiếp, lãnh đạo cấp cao của công ty hiểu rõ hơn về các nhân sự tiềm năng, đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với vị trí công tác, văn hóa doanh nghiệp.

Năm 2024, thị trường tuyển dụng ngày càng trở nên cạnh tranh. Vì vậy, việc sở hữu một bức thư xin việc ấn tượng giúp người lao động dễ dàng nhận được vị trí mong muốn hơn.

Forbes đưa ra 5 gợi ý để bức thư xin việc trở nên hấp dẫn, nổi bật. Đồng thời, ví dụ cụ thể về một đoạn văn mẫu xin ứng tuyển cũng được cung cấp.

Đoạn mở đầu thú vị

Theo Forbes, ứng viên có khoảng 7 giây để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Vì vậy, lời mở đầu của thư xin việc là phần quan trọng nhất, giúp người lao động dễ dàng gây ấn tượng.

Thay vì những lời chào phổ thông, nhân sự có thể giới thiệu bản thân một cách hài hước, độc đáo. Ấn tượng đầu tiên có khả năng gia tăng cơ hội bước vào vòng phỏng vấn của ứng viên.

 Đoạn mở đầu giúp ứng viên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Pexels/Christina Morillo.

Đoạn mở đầu giúp ứng viên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Pexels/Christina Morillo.

Đừng ngại ‘flexing’

Thư xin việc tạo cơ hội cho ứng viên khoe khéo giá trị bản thân. Nhân sự cần nêu rõ thế mạnh, giải thích về kỹ năng, chuyên môn cá nhân, cho nhà tuyển dụng thấy khả năng giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu đã đề ra.

Ứng viên không cần thể hiện sự khiêm tốn nhiều trong thư xin việc.

Thể hiện sự hiểu biết về doanh nghiệp

Việc nghiên cứu về công ty thể hiện sự nghiêm túc từ phía nhân sự. Sự hiểu biết về đơn vị công tác cho nhà tuyển dụng thấy rằng nhân sự đặc biệt yêu thích môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, giá trị mà công ty tạo ra.

Điều này chứng tỏ ứng viên không chỉ ứng tuyển vì lương, thưởng hay các đãi ngộ khác.

Kể chuyện cá nhân

Nhiều người cho rằng những câu chuyện mang tính chất cá nhân thường kém chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhận định này không hoàn toàn đúng.

Những câu chuyện về đời sống cá nhân giúp quản lý, lãnh đạo tương lai hiểu hơn về hành trình sự nghiệp, có cơ hội nhận định về tính cách, thái độ làm việc của ứng viên. Thậm chí, những mẩu chuyện đáng nhớ có thể giúp nhân sự gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng.

Sự kết thúc trọn vẹn

Việc kết thúc bức thư xin việc bằng lời cảm ơn cho thấy thái độ trân trọng đối với nhà tuyển dụng. Bên cạnh lời cảm ơn, ứng viên cũng có thể bày tỏ sự nhiệt thành đối với vị trí, bày tỏ mong muốn tham gia vòng phỏng vấn với công ty.

 Lời cảm ơn chân thành ở cuối bức thư xin việc giúp nhân sự để lại ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Pexels/John Diez.

Lời cảm ơn chân thành ở cuối bức thư xin việc giúp nhân sự để lại ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Pexels/John Diez.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-mau-xin-viec-nam-2024-post1462575.html