Mâu thuẫn giữa đặt hàng và tuyển dụng
Các địa phương lo ngại sau khi ra trường, những sinh viên không đạt yêu cầu tuyển dụng hoặc không muốn trở về địa phương làm việc thì khó thu hồi được kinh phí hỗ trợ
Dù tình trạng thiếu giáo viên đang rất nghiêm trọng nhưng Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo không ít địa phương là còn nhiều bất cập nên không đặt hàng.
Hay nhưng khó thực hiện
Lãnh đạo một trường có đào tạo sư phạm tại TP Hà Nội cho biết chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm phụ thuộc đơn đặt hàng của địa phương. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, các địa phương lại không mặn mà với việc đặt hàng. Điều này khiến các trường rất khó triển khai chính sách trong thực tiễn.
Theo PGS-TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, khi triển khai Nghị định 116, một số địa phương cũng đã đặt hàng nhà trường đào tạo trên hệ thống thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tuy nhiên, việc đặt hàng trên cổng thông tin chỉ cho thấy các địa phương có nhu cầu với những ngành này. Nhà trường đã liên hệ, gửi thông tin đến các địa phương trên nhưng vẫn chưa có đơn đặt hàng chính thức nào. Nếu địa phương không đặt hàng thì trường phải làm công văn đề nghị ĐHQG Hà Nội cấp ngân sách cho sinh viên.
Lãnh đạo một sở GD-ĐT phía Bắc nói theo Nghị định 116, địa phương sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học. Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên vẫn phải theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tức là những sinh viên này cũng trải qua kỳ thi tuyển như ứng viên khác. Khi thi tuyển, có thể các em không trúng tuyển. Vấn đề đặt ra là họ không phải không muốn làm việc trong ngành sư phạm mà do thi không đỗ, nhưng không đỗ vẫn phải trả lại tiền đã nhận. "Còn nhiều vấn đề khó trả lời khác khiến cho việc đặt hàng sinh viên sư phạm bị ách tắc" - lãnh đạo sở này nói.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội, cho rằng để tháo gỡ những vướng mắc trên, nhà nước nên xem xét rót tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống các ngân hàng chính sách. Ngân hàng cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên dưới dạng khoản vay. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp theo đúng quy định trong Nghị định 116, nếu sinh viên đáp ứng yêu cầu, làm việc trong ngành giáo dục thì khoản vay trên sẽ được tự động xóa. Trường hợp sinh viên không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng sẽ thu hồi khoản vay đã cấp. Cách làm này sẽ giúp đơn giản hóa, minh bạch chính sách hỗ trợ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho sinh viên cũng như giảm áp lực cho địa phương.
Dưới góc độ đào tạo, quan điểm của PGS-TS Hà Lê Kim Anh là nên thu hút sinh viên vào ngành sư phạm bằng cách bảo đảm đầu ra sau khi tốt nghiệp, sinh viên có việc làm và hưởng chính sách đãi ngộ tốt. Ngân sách nhà nước nên dành hỗ trợ trực tiếp cho những giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, như nâng mức hỗ trợ, nâng lương cho giáo viên.
Cần sửa nhiều quy định quan trọng
Đại diện Bộ GD-ĐT đã chia sẻ những vướng mắc trong thực tế khi triển khai Nghị định 116. Trong tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116, ngoài đề nghị để địa phương đặt hàng theo nhu cầu, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị bổ sung nội dung hướng dẫn xây dựng dự toán và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Theo tờ trình này, hằng năm, căn cứ số chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT thông báo, các cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ để bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại nghị định này. "Quy định này nhằm phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và lợi ích giữa các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp trong việc bố trí ngân sách, lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước" - Bộ GD-ĐT nêu.
Liên quan những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc hướng dẫn quy trình thủ tục bồi hoàn kinh phí cho sinh viên sư phạm, Bộ GD-ĐT đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan. Quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện thu hồi đầy đủ kinh phí hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục.
Cụ thể, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên sư phạm đang học tại các cơ sở đào tạo chuyển ngành, nghỉ học hoặc thôi học. UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên sư phạm thường trú tại địa phương là những người đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày tốt nghiệp hoặc không đủ thời gian công tác theo quy định.
Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên hoặc gia đình trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định. Hằng năm báo cáo tổng số kinh phí bồi hoàn của sinh viên sư phạm với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính.
Đào tạo nhiều, đăng ký quá ít
Trường ĐH Sư phạm TP HCM là cơ sở đào tạo sư phạm lớn ở phía Nam, mỗi năm có từ 1.500 đến 1.700 sinh viên lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tốt nghiệp ở nhiều ngành đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng được giao dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên.
Ông Lâm Thanh Minh, Trưởng Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên - Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết dù Nghị định 116 đã có hiệu lực nhưng thực tế đăng ký đặt hàng đào tạo quá ít. Năm 2021, chỉ có 2 địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên sư phạm là Long An (53 sinh viên), Ninh Thuận (8 sinh viên), TP HCM cũng có nhu cầu đặt hàng đào tạo 177 sinh viên nhưng chưa thực hiện, chưa tiến hành ký kết. Năm 2022 chỉ có tỉnh Long An đặt hàng đào tạo 27 sinh viên; năm 2023 tỉnh này tiếp tục đặt hàng đào tạo 39 sinh viên sư phạm.
H.Lân
Ngại sinh viên ra trường không nhận việc
Tại Trường ĐH Cần Thơ, việc ký đặt hàng đào tạo với một số địa phương ở khu vực ĐBSCL cũng dở dang. ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu của địa phương nhưng các địa phương lại không đăng ký. "Địa phương sợ chi tiền ngân sách cho đặt hàng đào tạo nhưng sinh viên không tốt nghiệp hoặc không về địa phương công tác" - ông Khang nói. Ở những địa phương khó khăn thì ngay cả đặt hàng đào tạo cũng khó tuyển, ngược lại ở những trung tâm, thành phố lớn thì không cần đặt hàng cũng rất dễ tuyển dụng giáo viên.
Theo ông Khang, những sinh viên nào được địa phương đặt hàng đào tạo thì sinh viên đó sẽ hưởng tiền sinh hoạt phí từ địa phương. Sinh viên nào không được địa phương đặt hàng vẫn được nhận tiền sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã rót tiền về cho trường để chi trả tiền sinh hoạt phí cho sinh viên. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán, trường sẽ tiến hành chi trả cho sinh viên sư phạm.
H.Lân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-12
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mau-thuan-giua-dat-hang-va-tuyen-dung-196231226213707716.htm