Mâu thuẫn trên TikTok

Hàng loạt luồng thông tin, trào lưu trái ngược nhau xuất hiện liên tục trên TikTok khiến người xem bối rối, không biết đâu là thứ mình nên học theo, hoặc cần chống lại.

 Những trào lưu TikTok thường xuyên gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Dazed.

Những trào lưu TikTok thường xuyên gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Dazed.

TikTok đem đến những xu hướng kỳ lạ nhất, cũng là nơi khiến người ta dễ lãng phí thời gian để lướt xem hàng loạt video ngắn liên tiếp nhau.

Theo Glamour, chúng ta có thể xem TikTok vì những điều thú vị, vô hại và mẹo độc đáo. Nhưng trên thực tế các luồng thông tin xuất hiện trên nền tảng này dường như mâu thuẫn.

Trên nền tảng này, người ta có thể ám ảnh với "That Girl”, trend tôn vinh cô gái có lối sống hoàn hảo, nhưng có cả những nhóm coi đó là "hình mẫu độc hại". Nhiều xu hướng về làm đẹp, sức khỏe, lối sống lan truyền cũng trái ngược nhau khiến người xem bối rối.

Tẩy chay “cô gái hoàn hảo”

“That Girl” là trào lưu rầm rộ trên TikTok vào khoảng tháng 4/2021. Về cơ bản, nó tôn vinh những cô nàng có lối sống lành mạnh một cách hoàn hảo.

Những cô gái ấy thức dậy lúc 5h sáng, dọn dẹp giường ngủ, viết nhật ký, làm sinh tố cho bữa sáng và đến phòng tập thể dục trong bộ quần áo năng động phù hợp.

Ở chiều ngược lại, không ít dân mạng cố gắng tẩy chay “That Girl”, cho rằng nó là hình mẫu độc hại, khiến mọi người áp lực phải chạy theo một lối sống phi thực tế.

Self-help độc hại

Các hashtag chủ đề "self-help" (tự lực) ngày càng phổ biến trên TikTok, như #WorkOnYourself có 119,5 triệu lượt xem, #GetYourLifeTogether có hơn 40 triệu lượt và #SelfLoveLifestyle có gần 3 triệu.

Những người sáng tạo nội dung dường như đều đang nỗ lực cải thiện bản thân, và bạn cũng có thể dễ dàng làm được điều đó với vô số video có sẵn. Tuy nhiên, trào lưu này khiến người xem quá tải vì áp lực phải luôn luôn tốt hơn.

 Không ít người cảm thấy mệt mỏi khi ám ảnh với tích cực độc hại tràn lan trên TikTok. Ảnh: Stylist.

Không ít người cảm thấy mệt mỏi khi ám ảnh với tích cực độc hại tràn lan trên TikTok. Ảnh: Stylist.

Gillian McMichael, nữ tác giả sách và người sáng lập Full Circle Global, cho rằng chúng ta đang ở trong thời đại quá tải mạng xã hội, luôn so sánh, đối chiếu mình với người khác và muốn thứ họ có.

"Các nền tảng truyền thông xã hội gợi ý cách ta có thể đạt được mục tiêu, thay đổi cuộc sống và cải thiện bản thân. Nhưng chỉ với những clip ngắn 30 giây, rõ ràng rất khó để một người hiểu áp dụng được đúng cách", McMichael bày tỏ.

Ở chiều ngược lại, có những nhóm TikToker lên tiếng tẩy chay trào lưu self-help độc hại này. Max Hovey là một Influencer, người tập trung vào việc trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ và thúc đẩy sự tích cực của cơ thể, là một trong số đó.

"Ý tưởng trở thành con người hoàn hảo của bạn một phần là áp lực được tạo ra từ mạng xã hội", Hovey nói.

Anh cho rằng mọi người đều tự đấu tranh cá nhân và áp lực phải luôn biết cách "kiểm soát cuộc sống của mình" là rất độc hại.

Người ảnh hưởng chống lại sự ảnh hưởng

Bất kỳ ai “nghiện” xem TikTok đều biết rằng đây là nền tảng thúc đẩy người xem tiêu thụ thông tin và mua hàng nhiều hơn nữa. Người ta có thể khám phá hàng loạt món hàng thông qua đề xuất và review từ KOC - những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên, song song với sự thúc đẩy mua sắm, người dùng TikTok cũng đang tạo ra một xu hướng mới: giảm sức ảnh hưởng từ nền tảng.

Giờ đây, rất nhiều TikToker cố gắng thuyết phục người theo dõi của mình không mua các sản phẩm theo hiệu ứng lan truyền, được quảng cáo rầm rộ. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng mua sắm quá mức.

Trang điểm đậm hay không trang điểm

Trên nền tảng này, mỗi ngày có hàng triệu video hướng dẫn làm đẹp ra đời. Và các xu hướng cũng trái ngược nhau, thay đổi liên tục khiến người theo dõi không biết phải chạy theo phong cách nào mới là hợp thời.

 Các xu hướng liên tục thay đổi khiến người trẻ không biết đâu mới là thứ nên theo đuổi.

Các xu hướng liên tục thay đổi khiến người trẻ không biết đâu mới là thứ nên theo đuổi.

Meredith Duxbury, một chuyên gia trang điểm triệu fan, hướng dẫn người xem thoa 10 lớp phấn lên mặt, tán đều chúng với kem che khuyết điểm và tạo khối kỹ lưỡng.

Trong khi đó, ở xu hướng ngược lại, nhiều beauty blogger hướng dẫn fan của mình “trang điểm như không trang điểm”. Trong đó, trào lưu “clean girl” như Hailey Bieber khuyến khích các cô nàng dùng lượng kem tối thiểu thay cho phấn nền để có một làn da trong trẻo như không make up.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mau-thuan-tren-tiktok-post1402132.html