Màu xanh áo lính biên phòng nơi cửa biển
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường ra khơi tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân tham gia tổ tàu thuyền tự quản trên biển. Ảnh: Xuân Thủy (BĐBP tỉnh)
Giữa mênh mông sóng nước, trao đổi với Thượng tá Lê Huy Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hoằng Trường được biết: Huyện Hoằng Hóa có 5 xã biên giới biển, với đường bờ biển dài trên 12,5 km, nhân dân định cư trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào ngư nghiệp. Hiện tại, toàn huyện có trên 940 phương tiện tham gia khai thác thủy sản trên biển, trong đó 148 tàu cá có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã thường xuyên tuyên truyền ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật khi khai thác, hoạt động trên biển, như: Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982; Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ; Hiệp định hợp tác nghề cá; Nghị định 161 về Quy chế khu vực biên giới biển... Đặc biệt, trong thời gian qua tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên vùng biển đang có những diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, chỉ huy đồn đã cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tăng cường bám nắm tình hình địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động, động viên ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển, vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia; tăng cường phát huy vai trò của các tổ đội tàu thuyền đoàn kết, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi ngư dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhằm tạo điều kiện để ngư dân hỗ trợ nhau đánh bắt an toàn trên biển, cũng như đảm bảo ANTT tại địa bàn, Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa vận động người dân thành lập 56 tổ tự quản ANTT với 259 thành viên; 18 tổ tự quản bến bãi/54 thành viên; 19 tổ tàu thuyền an toàn trên biển với 78 thành viên. Đây là lực lượng quần chúng ưu tú có vai trò quan trọng trong giữ gìn ANTT, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Hoạt động của các tổ tự quản, tổ tàu thuyền an toàn cùng với hàng trăm phương tiện tàu cá, hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm hoạt động trên biển, thực sự là tai mắt, là cánh tay nối dài của lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi được thành lập, các tổ tàu thuyền an toàn đã xây dựng các quy định, quy chế hoạt động, phân công cắt cử người trực, trao đổi thông tin thường xuyên, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ ANTT và chủ quyền biển, đảo. Đối với các phương tiện làm ăn dài ngày trên biển, các ngư dân thường xuyên thông báo tình hình ANTT trên biển về cho các lực lượng chức năng. Ngoài ra, các tổ tàu thuyền an toàn còn tổ chức phối hợp giúp đỡ nhau cũng như bảo vệ sản xuất và xử lý các tình huống đột xuất xảy ra trên biển. Nhờ có liên kết, gắn trách nhiệm với nhau trong mỗi chuyến đi biển nên các ngư dân càng yên tâm hơn trong việc vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường xa như: Trường Sa, Hoàng Sa, Vịnh Bắc bộ... Bằng những việc làm thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường đang từng ngày sát cánh cùng ngư dân, tích cực hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đình Cúc, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu TH 90705TS tại xã Hoằng Trường, cho biết: “Từ năm 2015, tàu của tôi đã tham gia vào tổ tàu thuyền an toàn trên biển tại địa phương. Tôi được bầu làm tổ trưởng tổ tàu thuyền đoàn kết với 13 phương tiện/120 lao động, cùng nhau khai thác ở ngư trường phía Nam đảo Bạch Long Vỹ. Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi đã có hàng trăm chuyến biển an toàn, sản lượng đánh bắt cá cũng tăng lên nhờ có sự hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động khai thác. Mọi hoạt động thông tin liên lạc trên biển luôn được giữ vững, khi có một tàu nào đó bị sự cố hoặc mất an toàn thì các thành viên luôn sẵn sàng ứng cứu, nên ai cũng yên tâm hơn khi vươn khơi, bám biển dài ngày”.
Không chỉ riêng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường mà trên dọc 102 km bờ biển, với gần 17.000 km2 mặt biển ở bất cứ đâu cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều có mối quan hệ giữa bà con nhân dân như người thân trong gia đình. Đặc biệt giữa muôn trùng sóng gió, đối mặt với hiểm nguy thì những ngư dân lại càng cần sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng hơn lúc nào hết. Thời gian qua, tình hình ANTT trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Những hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tàu cá và ngư dân trong nước tuy đã hạn chế, nhưng vẫn còn, nhất là khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi. Trên biển hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, bên cạnh việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) còn trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng tuyên truyền cho người dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, nắm bắt tình hình qua đó kịp thời xử lý tốt tình hình trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trong khu vực biên giới biển. Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, thông qua triển khai thi hành Luật Biên giới quốc gia, các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao thêm một bước nhận thức về biển, về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, BĐBP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức vận động thành lập 441 tổ tàu thuyền an toàn/3.585 tàu, thuyền/11.157 thành viên, vận động 100% các hộ dân ở khu vực biên giới vùng biển ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương; 847 chủ phương tiện, thuyền trưởng đánh bắt xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài, không khai thác hải sản trái phép... Từ những việc làm cụ thể, thiết thực trên đã làm cho nhân dân có nhận thức tốt hơn, đúng hơn, đầy đủ hơn về vấn đề biển, đảo và phát triển kinh tế biển, nhất là ngư dân ở khu vực biên giới biển.