Màu xanh Côn Sơn là màu xanh Bác cho
Một ngày đầu mùa xuân năm Ất Tỵ (tức 15.2.1965), Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương và bất ngờ đề nghị được thăm mảnh đất Côn Sơn rồi để lại nơi này nhiều kỷ niệm mãi mãi không phai mờ.
TP Chí Linh có hai địa danh đi vào lịch sử văn hóa của dân tộc. Đó là đền Kiếp Bạc phong cảnh sơn thủy hữu tình, gắn bó với sự nghiệp vĩ đại của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn thế kỷ thứXIII và chùa Côn Sơn mãi mãi in sâu hình dáng Bác Hồ...
Côn Sơn không chỉ là cội nguồn của thiền phái Trúc Lâm mà còn là bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Từ thế kỷ XIII, Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi đã ghi chép trong một bài ký, có đoạn thế này: "Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, hợp với tai mắt người ta ở đây đều có cả”.
Rồi sau bao nhiêu thăng trầm, chiến tranh tao loạn, chính sự đổi thay…, cảnh trí Côn Sơn trở nên nhạt nhòa, quạnh hiu, vắng vẻ. Đến nhiều đời sau, người dân quanh vùng vào đây cắt cây thanh hao về làm chổi quét nhà hoặc kiếm củi đốt than, khói đen lan tỏa đã làm cho ngôi chùa cổ chìm lẫn trong sương khói, nên tục gọi “chùa hun”…
Một ngày đầu mùa xuân năm Ất Tỵ (tức 15.2.1965), Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương và bất ngờ đề nghị được thăm mảnh đất Côn Sơn rồi để lại nơi này nhiều kỷ niệm mãi mãi không phai mờ.
Còn nhớ, năm 1965 - đúng 10 năm miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi bến cảng Hải Phòng. Năm ấy Bác 75 tuổi và cả nước vừa kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng... Không biết do ngẫu nhiên hay có một điều gì thuộc tâm linh mà Bác đã quyết định về thăm Côn Sơn.
Hơn nửa thế kỷ trước đường vào chùa Côn Sơn rất khó khăn. Đường mòn vừa nhỏ hẹp, nhấp nhô đá sỏi, vừa um tùm cỏ dại ven đường. Những hàng cây thông, bạch đàn mới trồng thưa thớt…
Bác về Côn Sơn bất ngờ, sư cụ và tăng ni vui mừng, chào đón. Bác thăm các dãy nhà, xem kỹ các pho tượng trong chùa và dừng lại chăm chú đọc bản “Bình Ngô đại cáo” viết to lồng trong khung kính. Người leo núi, ngồi thạch bàn, suy ngẫm về người xưa. Người đọc bia Côn Sơn dựng trong nhà bia ở giữa sân chùa, cặp kính rưng rưng cảm xúc…
Ở Côn Sơn thời gian ngắn nhưng Bác đã để lại nhiều ấn tượng. Người dẫn Bác đi thăm cảnh Côn Sơn là nhà sư trụ trì ngôi chùa. Bác thân mật hỏi:
- Nhà sư năm nay thọ bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 59 tuổi ạ!
- Cứ gọi là tròn 60 đi. Ơn trời nhờ Phật tổ, nhà sư thọ được thêm hai, ba mươi năm nữa. Mỗi năm nhà sư trồng lấy dăm mười cây, chăm sóc cho xanh tốt. Mai sau cây tỏa bóng mát, như thế là nhà sư đã góp phần làm cho chùa “hun” cây trước kia thành chùa xanh cây, con cháu nhớ ơn nhà sư đấy. Liệu nhà sư có làm được không?
- Thưa Bác làm được ạ…
Rồi trong buổi nói chuyện với nhân dân ở Côn Sơn, Người căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để nơi đây trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”.
Nghe theo lời Bác, mấy chục năm sau, ở đây đã xây dựng, tôn tạo, mở rộng quy mô khuôn viên Côn Sơn rộng lớn và đẹp đẽ. Trồng cây xanh trên khắp quả đồi xung quanh, lập vườn cây ăn quả, vườn cây Bác Hồ…
Và bây giờ suốt cả vùng rộng lớn Côn Sơn tràn ngập một màu xanh sự sống. Bốn mùa đều có bóng mát của rừng xanh. Phải chăng màu xanh Côn Sơn là màu xanh Bác cho?…
Tôi đã nghe những câu chuyện kể ấy, trong lòng vô cùng xúc động, viết bài thơ “Màu xanh Côn Sơn”.
Màu xanh Côn Sơn
Thuở Bác chưa về thăm
Côn Sơn còn vắng vẻ
Cây đại âm thầm nắng mưa thế kỷ
Tiếng chim rừng rơi lọt giữa thâm nghiêm
Một nét gì hoang mạc tự nhiên
Đường len lỏi ngập ngừng mép núi
Bánh xe lăn rụt rè lội suối
Vạt thanh hao nham nhở nhát dao cùn!
Bác Hồ về cùng ánh nắng mùa xuân
Rặng thông cằn, nhựa dâng căng cành lá
Mua tím thẫm nối dài vách đá
Bầy chim ngàn bay đến chíp chiu…
Nhìn cánh rừng thưa nhuộm đẫm ráng chiều
Bác thương người hay thương cây đơn lẻ
Người dặn nhà sư: trồng nhiều hơn nữa
Biến chùa hun cây, thành chùa xanh cây
Lời Bác Hồ từ bấy đến nay
Thơm trong hương rừng, tươi trong sắc lá
Ấm mạch suối suốt mùa đông giá
Bừng sáng lòng người Côn Sơn
Bỗng hiểu núi rừng, thấy quý đất hơn
(dẫu bao đời khổ nghèo thiếu đất)
Côn Sơn từ sau lần đón Bác
Đất yêu người đất dệt áo xanh
Hòn đá ong cũng biết lay mình
Tự bở vụn hóa mỡ màu nuôi hạt
Khóm trúc già trên sườn Ngũ Nhạc
Thêm bạn rồi, non mát những hàng thông
Dưới thung xa lớp lớp bạch đàn
Chiếc lá gãy thơm ấm khu chùa cổ
Mỗi xuân về, vải đơm mâm xôi đỗ
Để tháng năm hái quả đặt bàn thờ…
Bác Hồ ơi từ năm ấy tới giờ
Quê hương con vẫn đêm ngày nhớ Bác
Màu xanh Côn Sơn đã loang ra khắp vùng Đông Bắc
Màu xanh Côn Sơn là màu xanh Bác cho?
Màu xanh Côn Sơn, màu xanh ơn nhớ Bác Hồ!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/mau-xanh-con-son-la-mau-xanh-bac-cho-128254