Màu xanh mới nơi mảnh đất anh hùng
Trong cái nắng rực rỡ của mùa xuân, Đồng Nai Thượng - xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Cát Tiên hiện ra giữa bao la đất trời, giữa nụ cười của những người con dân tộc Mạ. Ở đó, bao đời nay người dân sống dựa vào rừng, bảo vệ màu xanh của rừng như sinh mệnh. Và nay, những vườn cà phê, cây ăn trái đã kịp tô thêm những gam màu xanh mới cho cuộc sống hứa hẹn đủ đầy.
Được tài trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu và thực hiện trong thời gian 2 năm (6/2019 - 6/2021) bởi Đoàn Thanh niên, Vườn Quốc gia Cát Tiên và UBND xã Đồng Nai Thượng, Dự án “Nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng và cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm, góp phần bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cát Tiên” (gọi tắt là Dự án) đã mang lại những đổi thay trong tư duy, hành động và cả chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên. Dự án hướng đến hai mục tiêu chính, gồm: Cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển kinh tế nông nghiệp và các ngành, nghề truyền thống địa phương gắn với bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng thông qua thí điểm sử dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển sinh kế bền vững.
CẢI THIỆN SINH KẾ TỪ CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Đồng Nai Thượng mùa này, cà phê rộn ràng trên những sân phơi. Dọc con đường bê tông liên thôn, liên xóm là những khoảnh sân phơi đầy cà phê, cùng nụ cười rạng rỡ của bà con chuẩn bị đón một cái tết ấm no, đủ đầy. Không còn xác xơ với những vườn điều mất mùa, dịch bệnh của những ngày xưa cũ, câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng Điểu K’Giắc đã điểm thêm rất nhiều gam màu tươi sáng, với gần 400 ha cà phê giống mới, 300 ha cây ăn trái, 25 ha tiêu và 50 ha cây cao su. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 44,8 triệu đồng.
Tại thôn Bê Đê, anh K’Khoẹt vừa thu hoạch được hơn 100 bao cà phê tươi với 1.500 gốc cà phê cho thu năm đầu. Phấn khởi khoe khu vườn trồng 300 gốc điều vừa được cải tạo cũng bắt đầu cho thu mùa đầu tiên, anh K’Khoẹt chia sẻ: “Trước đây, toàn bộ diện tích này đều trồng điều giống cũ, thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng tôi không có vốn để chuyển đổi. Năm 2019, nhờ có cây giống, phân bón từ dự án và học hỏi thêm kỹ thuật nên tôi mạnh dạn thay thế cây trồng”.
Cùng với hộ anh K’Khoẹt, dự án đã hỗ trợ cây giống, vật tư, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng cho 70 hộ dân ở xã Đồng Nai Thượng để chuyển đổi 60 ha điều già cỗi cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như điều ghép (30 ha), cà phê (20 ha) và sầu riêng (10 ha). Theo chị Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, mỗi thôn tại xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp với từng loại cây khác nhau. Thế nên, cây điều được bố trí trồng tái canh ở những khu vực có địa hình cao, cây cà phê phải trồng ở những khu vực có đủ nước tưới trong mùa khô, cây sầu riêng lại trồng xen trong các diện tích điều và cà phê.
BẢO TỒN NGHỀ DỆT TRUYỀN THỐNG
Trong gian nhà được xây dựng khang trang của nghệ nhân Điểu Thị Chớc (thôn Bù Gia Rá) có một góc nhỏ dành riêng cho thổ cẩm, với khung, chỉ và cả những sản phẩm đẹp mắt. Trong câu chuyện với nghệ nhân Điểu Thị Chớc cũng như chồng bà - già làng Điểu K’Lộc, tình yêu với nghề truyền thống của hai người vẫn luôn tròn đầy qua mỗi lời nói, ánh mắt. Bà cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Bù Gia Rá. Được thành lập từ năm 2014 với 20 phụ nữ trong làng tham gia, bây giờ tổ chỉ còn 17 người, vì “tre già mà măng thì chưa kịp mọc” - bà buồn bã nói. Công bỏ ra nhiều mà thu nhập không bao nhiêu, lại không bán được nhiều nên chẳng mấy người trẻ ở thôn còn mặn mà với nghề truyền thống.
Tâm tư của nghệ nhân Điểu Thị Chớc cũng là khó khăn mà dự án nhận thấy. Nỗ lực khắc phục những vấn đề này, trong thời gian 2 năm, dự án đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật đan dệt thổ cẩm cho 120 người tham gia. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên hỗ trợ khung dệt, chỉ, mẫu vải thổ cẩm cho các lớp tập huấn. Sau thời gian được nghệ nhân Điểu Thị Chớc cùng các nghệ nhân khác trong thôn hướng dẫn, các học viên biết cơ bản về kỹ thuật đan, dệt thổ cẩm; cách chọn chỉ, thiết kế và trang trí hoa văn.
Cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt, dự án còn tổ chức hội thảo để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Huyện đoàn Cát Tiên lập trang fanpage “Đồng Nai Thượng giữ rừng và trồng cây đặc sản” để quảng bá các hoạt động liên quan đến dự án và phục vụ việc quảng bá các sản phẩm dệt, trái cây đặc sản sau này. Đồng thời, trưng bày sản phẩm tại 3 điểm phục vụ du lịch trên địa bàn huyện gồm Tổ hợp tác dệt thổ cẩm, Khu di tích kháng chiến Khu ủy Khu VI và Di tích khảo cổ học Cát Tiên.
Trước thềm năm mới 2022, chị Prợt hồ hởi bảo rằng, những sản phẩm từ thổ cẩm của Đồng Nai Thượng đã được gởi mẫu ra Hà Nội để khách hàng chọn mẫu, chuẩn bị cho lô hàng chuyên nghiệp đầu tiên. Đó là một tin vô cùng vui đối với chị, bởi bản thân nữ Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi, xinh đẹp vẫn luôn trăn trở làm sao để thổ cẩm của người Mạ được ứng dụng vào cuộc sống, bước lên những mẫu thời trang hiện đại.
BẢO VỆ RỪNG NHƯ GIỮ GÌN TÀI SẢN CHUNG
Xã Đồng Nai Thượng thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, với diện tích rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia quản lý chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên của xã. Được bao bọc bởi rừng, nên đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của cộng đồng người Mạ nơi đây từ bao đời đã gắn liền với rừng, làm cho mối quan hệ giữa rừng và con người không thể tách rời nhau. Hàng năm, Vườn Quốc gia Cát Tiên tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 5 thôn với diện tích trên 4.300 ha, 326 hộ tham gia từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Một ngày tuần rừng của anh Điểu K’Du (thôn Đạ Cọ) bắt đầu từ 6h30 sáng. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, anh cùng hai thành viên khác trong thôn cùng vào rừng hai ngày, hai đêm. Mùa khô thì trực phòng, chống cháy, mùa mưa lại tránh xâm chiếm đất rừng. Người đàn ông 42 tuổi bảo rằng, ngày xưa, bà con sống chủ yếu dựa vào rừng, nhưng không biết quý trọng, gìn giữ mà lại hay phá rừng để làm nương rẫy. Nay, biết đến chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con chăm lo bảo vệ rừng, không chỉ vì công việc của bản thân, mà còn là trách nhiệm với cả cộng đồng, thôn buôn.
Hai năm là khoảng thời gian còn quá ngắn ngủi để đánh giá hiệu quả, nhưng điều quan trọng nhất mà dự án đã làm được là thay đổi ý thức, vực dậy tinh thần, nội lực của bà con người Mạ ở Đồng Nai Thượng. Đồng ý với điều này, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên chia sẻ: Cả hai mục tiêu mà dự án hướng đến đều phù hợp với định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Từ đó, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển chung của địa phương.
Để có được màu xanh tươi mới, đầy hy vọng của Đồng Nai Thượng như hôm nay, để có được nụ cười rạng rỡ bên những gốc cà phê trái chín trĩu cành là hai năm miệt mài, đồng hành của chính quyền và chuyên gia của dự án. Giống như khẳng định của chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên, kết quả của dự án không chỉ thể hiện ở những con số, mà còn ở cách người dân nơi căn cứ địa cách mạng một thời của chiến khu D đã chủ động vươn mình, tạo nên sinh kế bền vững từ rừng và nghề truyền thống. Mùa xuân đã đến từ chính đôi bàn tay của họ. Màu xanh của sự tốt tươi, no đủ, màu xanh của niềm hy vọng vẫn đang hàng ngày đâm chồi nảy lộc trên những mầm cây ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên gian khó mà anh dũng một thời.