Màu xanh trên 'miền đá khát' Pả Vy

Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm địa giới hành chính của bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn với diện tích 2.356km2, trong đó 4/5 là diện tích núi đá vôi.

Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng những giá trị thiên nhiên nổi bật, đó là các trầm tích mang trong mình các hóa thạch cổ sinh gồm hàng nghìn loài, 120 giống và 17 nhóm sinh vật. Đặc điểm này nổi trội hơn cả hai di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long và Phong Nha-Kẻ Bàng.

Không chỉ thế, nơi đây còn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể, làng văn hóa truyền thống như: Cột cờ Lũng Cú ở đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn; dinh thự họ Vương; phố cổ Đồng Văn; đèo Mã Pì Lèng; chợ tình Khâu Vai đầy hoài niệm, liên quan đến một tình sử bi tráng của đôi thanh niên nam nữ thuộc hai bộ tộc khác nhau... Có lẽ vậy mới có câu: “Chưa lên cột cờ Lũng Cú, chưa đi Đồng Văn, Mèo Vạc là coi như chưa đến Hà Giang”.

Không phải ngẫu nhiên mà Đồng Văn, Mèo Vạc được mệnh danh là miền đất khát. Càng lên những bản cheo leo sườn núi đá như Xùa Nhè Lử, Săm Pun, Lẻng Pù mới thấy, sông Nho Quế vào mùa khô là dòng chảy duy nhất còn sót lại ở đỉnh cực Bắc. Những lạch nước hiếm hoi còn lại trong khe núi không làm giảm cơn khát của vùng cao nguyên đá mênh mông.

Nương trồng cỏ voi ở xã Pả Vy. Ảnh: THU CÚC

Nương trồng cỏ voi ở xã Pả Vy. Ảnh: THU CÚC

Rất may, vài thập niên gần đây, chính quyền cùng với cộng đồng người dân ở xã Pả Vy, huyện Mèo Vạc đã tìm được cách giải bài toán nước vốn rất khó ở miền núi đá này, đó là, một mặt phải giữ vững rừng, cấm tuyệt đối việc phá rừng, đồng thời phát động mọi tầng lớp nhân dân tham gia trồng rừng ở bất kỳ nơi nào có thể trồng được. Một kinh nghiệm đơn giản nhưng vô cùng quan trọng: Có rừng sẽ có nước. Vấn đề cốt lõi là phải tìm ra phương hướng quản lý rừng được cộng đồng chấp nhận và tự giác thực hiện. Quản lý rừng cộng đồng là một biện pháp đã có từ lâu do các cộng đồng địa phương thực hiện. Rất tiếc, vì nhiều lý do, phương thức này đã không còn được quan tâm đúng mức nên dẫn đến tình trạng rừng không có chủ, bị khai thác bừa bãi. Hậu quả là thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là vào mùa khô từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, thậm chí thiếu cả củi đun, gỗ làm nhà...

Một quyết định quan trọng đã ra đời, đó là chia diện tích rừng cho các bản và hộ gia đình quản lý. Các khu rừng gần khu định cư của bản được giao cho từng bản. Các hương ước mới được soạn thảo có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ rừng, như: Chặt một cây gỗ có đường kính dưới 10cm bị phạt 5 triệu đồng, nếu chặt cây gỗ có đường kính từ 10cm trở lên bị phạt 10 triệu đồng. Trâu bò phải chăn giữ, nếu phá hoại cây rừng phải đền bù và trồng cây mới. Ai vi phạm sẽ phải kiểm điểm trước cuộc họp của bản. Nếu tái phạm sẽ không cho tham gia các hoạt động khác của bản, đặc biệt là không được dự hội cầu mùa tổ chức 3 lần trong năm vào tháng 2, tháng 5 và tháng 7. Đây là một lễ hội mang tính chất tín ngưỡng mà tất cả mọi thành viên trong bản đều mong muốn tham gia.

Có một loài cây rất phù hợp để lập lại màu xanh cho cao nguyên đá, đó là cây Mắc rạc, còn gọi là Mây dầu dìu, Mắc Choòng (tiếng Tày) hoặc Dầu Choòng (Tiếng Kinh). Mắc rạc là cây gỗ nhỏ, cao 6-10m, đường kính gốc 4-20cm, mọc nhanh, tái sinh hạt rất tốt. Có thể gieo hạt Mắc rạc vào các hốc đá. Nên trồng từ trên cao để sau này Mắc rạc tự phát tán xuống phía dưới.

Chính quyền địa phương ngoài việc quan tâm đến trồng trọt, cũng rất quan tâm đến chăn nuôi, bao gồm: Bò, lợn, dê và các loài gia cầm. Một số hộ còn nuôi ong. Gần đây còn phát triển cây tam giác mạch vừa tăng sản lượng lương thực, đặc biệt là tham gia vào ngành kinh tế tiềm năng là du lịch. Hiện nay, ở Pả Vy, bò chủ yếu được nhốt nhờ trồng cỏ. Có 3 loại cỏ là cỏ voi, cỏ goatemala và cỏ VA06. Mật ong được đánh giá có chất lượng cao do ong làm mật từ hoa bạc hà. Nhờ đẩy mạnh chăn nuôi và du lịch đã nâng cao đời sống cho người dân, hạn chế việc khai thác gỗ, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả.

Đến Pả Vy hôm nay không chỉ được chứng kiến sự hồi sinh của màu xanh trên "miền đá khát". Một thông tin quan trọng là Pả Vy hiện đang lưu giữ một nguồn gen thực vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) là cây thông đỏ (Taxus chinensis). Như vậy, ngoài Đồng Văn, Quản Bạ, đến nay, Mèo Vạc là địa danh thứ ba trên cao nguyên địa chất toàn cầu phát hiện được thông đỏ. Hy vọng thông tin này sẽ mở ra triển vọng hợp tác trong tương lai.

Tiến sĩ LÊ TRẦN CHẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mau-xanh-tren-mien-da-khat-pa-vy-645505