Mấy băn khoăn về quy định chọn bộ sách giáo khoa mới
'Một chương trình nhiều bộ sách' là một chủ trương đúng đắn, tiến bộ. Nhưng dường như cách thực hiện chủ trương này đang có những bất hợp lý.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm học 2020-2021. Để tiến hành, ngày 26.8 vừa qua Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ra thông tư 25, quy định về việc chọn sách giáo khoa cho các cấp học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT). Thông tư khá dài, xin tóm gọn là mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng để chọn ra một hoặc một số bộ sách dùng cho mỗi môn học trong toàn tỉnh.
Theo tôi, quy định “một chương trình nhiều bộ sách” là chủ trương đúng đắn, tiến bộ. Nhưng dường như cách thực hiện, áp dụng chủ trương này đang có những bất hợp lý.
1. Đây có phải là một quy trình ngược? Bộ GD-ĐT chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách” là để cho các đối tượng học sinh khác nhau được tiếp cận với những bộ sách phù hợp nhất cho cá nhân mình. Tinh thần này là, việc tiếp cận phải theo hướng cá thể hóa, càng gần đối tượng trực tiếp sử dụng càng tốt. Nhưng theo quy định chọn sách vừa mới ban hành thì gần như mỗi môn học trong một tỉnh, thành sẽ dùng chung một bộ sách. Vậy việc làm nhiều bộ sách còn có ý nghĩa gì, ngoài việc có thể tạo ra sự khác nhau trong chọn sách giữa 63 tỉnh thành?
2. Cách làm này có mâu thuẫn với tinh thần của chương trình mới? Chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách” nghĩa là chương trình là “pháp lệnh” còn sách gần như chỉ là “tài liệu tham khảo”.
Chúng ta hiểu rằng, lúc này, mục tiêu của chương trình sẽ trở thành điểm quy chiếu, là đích để khiến tất cả các hoạt động giáo dục đều hướng vào nó, chứ không phải sách giáo khoa. Cái tinh thần làm chúng ta hiểu trên phương diện lý thuyết rằng, thậm chí giáo viên, vì đối tượng học sinh đặc thù của mình, có thể không dùng bất cứ bộ sách nào trong danh mục mà tự soạn tài liệu cho mình để dùng. Bây giờ, mỗi tỉnh lại dùng chung một bộ sách cho hàng vạn học sinh, vậy về cơ bản, có khác gì cách sử dụng sách như chương trình cũ?
3. Tại sao lại quy định nhiều bộ sách? Vì có nhiều đối tượng học sinh và cả sự khác nhau giữa các giáo viên nữa. Nhưng cách chọn sách theo thông tư 25 thì lại có xu hương làm giảm đi sự tôn trọng tính khác biệt ấy. Chủ trương và cách thực hiện dường như đang đi hai hướng khác nhau về nhận thức. Nó dẫn tới: Lãng phí tiền bạc, không hiệu quả, gây ra tình trạng quan liêu giáo dục, không thực hiện được mục tiêu khai phóng.
4. Việc quy định mỗi địa phương dùng một (hoặc vài) bộ sách cho một môn học là phi lý, hoàn toàn không cần thiết vì những lý do sau:
- Đã có mục tiêu của chương trình. Nếu tất cả các bộ sách trong danh mục đã được thẩm định chất lượng thì giáo viên có thể dùng bất cứ bộ nào để dạy học, thậm chí dùng cùng lúc nhiều bộ để đạt cái mục tiêu ấy.
- Chúng ta có những kỳ thi quốc gia, vậy việc quy định mỗi tỉnh dùng giới hạn một bộ sách thì có ý nghĩa gì khi đề là đề chung cả nước.
- Nếu để các địa phương thực hiện thuận lợi công tác quản lý đối với ngành giáo dục thì sự quản lý này là gì? Hay lại thực hiện một hình thức quản lý có tính hành chính? Mà nếu như thế thì rất mâu thuẫn với tinh thần của đổi mới giáo dục.
5. Đề xuất, việc lựa chọn sách giáo khoa phải đi theo chiều cá nhân hóa. Quyền quyết định càng ở cấp nhỏ/đơn vị nhỏ thì càng tốt. Với tinh thần ấy, tốt nhất là “người quyết định sẽ là từng giáo viên”. Mức độ hợp lý sẽ giảm dần nếu đi theo chiều ngược lại (giáo viên -> trường -> phòng -> sở -> bộ). Chúng ta đã bỏ sự lựa chọn của cấp cao nhất là Bộ (chính phủ), nhưng chỉ để thay bằng Sở (tỉnh) là không triệt để, nếu không nói là nửa vời.
Với một chương trình, có mục tiêu rõ ràng, thì mỗi giáo viên trong tổ chuyên môn hoàn toàn có quyền quyết định mọi việc liên quan đến giảng dạy của cá nhân mình. Tổ chuyên môn hoặc trường chỉ cần đánh giá chất lượng của giáo viên ấy thông qua một phương pháp khoa học. Mở rộng ra, thì Bộ GD-ĐT cũng có thể dựa trên tinh thần ấy để đánh giá mà “cở trói” cho giáo dục chứ không phải là đi làm theo một quy trình ngược lại.
Thái Hạo (giáo viên)