Máy bay chiến đấu Nga bị tố xâm phạm không phận Thụy Điển
Thụy Điển cáo buộc 4 máy bay chiến đấu của Nga đã xâm phạm không phận nước này ở phía trên biển Baltic, giữa lúc Moscow tiếp tục chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine.
Reuters dẫn một thông cáo của Các lực lượng vũ trang Thụy Điển cho hay, 2 tiêm kích SU-27 và 2 tiêm kích SU-24 của Nga đã di chuyển chớp nhoáng qua không phận của Thụy Điển, ở phía đông đảo Gotland hôm 2/3.
Sự cố xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ có hành động quân sự chống lại Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan, nếu hai quốc gia này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thụy Điển và Phần Lan đang tiến hành tập trận chung.
"Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi rất lo ngại về sự cố. Đây là hành vi thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm từ phía Nga", Tư lệnh Không quân Thụy Điển Carl-Johan Edstrom bày tỏ.
Quân đội Thụy Điển cho biết đã điều các tiêm kích tới xua đuổi và chụp ảnh các chiến đấu cơ Nga. "Điều này cho thấy chúng tôi có khả năng sẵn sàng ứng phó tốt. Chúng tôi hoàn toàn kiểm soát tình hình", ông Edstrom giải thích.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist mô tả việc các tiêm kích Nga xâm phạm không phận là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời khẳng định sự cố chắc chắn sẽ dẫn tới "phản ứng ngoại giao cứng rắn" từ Stockholm.
Trước đó, hôm 27/2, Chính phủ Thụy Điển thông báo sẽ gửi viện trợ quân sự, bao gồm 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine. Quyết định đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1939, Stockholm gửi vũ khí cho một quốc gia đang có chiến tranh.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 1/3 cho biết, chính phủ của bà muốn tăng cường khả năng quân sự của đất nước sau khi Nga tiến đánh Ukraine, vì "mức độ đe dọa nói chung" đã tăng lên.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển đã cắt giảm chi tiêu quân sự. Quốc hội nước này chỉ đồng ý thay đổi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào năm 2014.
Thụy Điển đã tái triển khai chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2017 và mở lại lực lượng đồn trú trên đảo Gotland ở biển Baltic vào tháng 1/2018. Tháng 10 năm ngoái, nước này đã tăng 40% ngân sách quốc phòng, với 27 tỷ kronor (2,8 tỷ USD) được bổ sung cho các hoạt động quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025.
Thụy Điển hiện không phải là thành viên NATO, nhưng duy trì hợp tác chặt chẽ với liên minh.