Máy bay không người lái của Nga tấn công cơ sở hạ tầng trên sông Danube

Ngày 2-8, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết một kho chứa ngũ cốc đã bị hư hại trong cuộc tấn công mới nhất của Nga vào cảng Izmail trên sông Danube của Ukraine. Nga không ngừng tấn công vào cảng và các kho ngũ cốc ở tỉnh Odessa, Ukraine trong hơn hai tuần qua.

Trước khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ vào ngày 17-7, các cảng trên sông Danube chiếm khoảng 1/4 lượng ngũ cốc xuất khẩu. Giờ đây, sông Danube hiện là tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc duy nhất của Ukraine, sau khi tuyến đường ở Biển Đen bị chặn vì thỏa thuận ngũ cốc hết hiệu lực. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine là một cuộc tấn công vào "an ninh lương thực toàn cầu" và kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp.

Cùng ngày theo Hãng tin RT, Nga cho biết, họ sẵn sàng "ngay lập tức" nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng nhấn mạnh rằng sẽ chỉ làm như vậy sau khi các điều kiện của nước này được đáp ứng.

Sau khi Đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc Thomas-Greenfield tuyên bố rằng Chính phủ Nga có thể “quan tâm đến việc quay lại thảo luận” về thỏa thuận ngũ cốc hôm 1-8, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã làm rõ lập trường của Nga trong các bình luận gửi cho Sputnik. “Mátxcơva sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra sau khi các điều kiện liên quan đến Nga được đáp ứng”, ông Dmitry Peskov nói.

Điện Kremlin đã vạch một số điều kiện để quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc trong những tuần gần đây, gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, kết nối lại các tổ chức tài chính của Nga với hệ thống thanh toán SWIFT và chấm dứt các hạn chế đối với việc Nga nhập khẩu phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp. Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thỏa thuận; đồng thời lập luận rằng: "đơn giản là bị đình chỉ, bởi vì những điều kiện của Nga trong thỏa thuận này đã không được thực hiện”.

* Trong một diễn biến khác liên quan đến Nga, Iceland thông báo đã đình chỉ hoạt động của Đại sứ quán nước này tại Nga, qua đó trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra quyết định như vậy. Thông báo của Bộ Ngoại giao Iceland khẳng định, việc đình chỉ hoạt động Đại sứ quán tại Mátxcơva không đồng nghĩa với việc 2 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Ngay khi tình hình cho phép, Iceland sẽ ưu tiên khôi phục hoạt động Đại sứ quán tại Nga. Đáng chú ý, Đại sứ quán Iceland tại Nga hiện đóng vai trò là cơ quan ngoại giao đại diện của Iceland tại 8 quốc gia khác trong khu vực.

Hồi tháng 6, Iceland đã thông báo kế hoạch đình chỉ hoạt động Đại sứ quán tại Nga với lý do quan hệ song phương đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trên các phương diện quan hệ thương mại, văn hóa và chính trị.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/may-bay-khong-nguoi-lai-cua-nga-tan-cong-co-so-ha-tang-tren-song-danube-637105.html