Máy khử rung tim và những điều cần biết

Máy khử rung tim là thiết bị giúp người bệnh mắc rối loạn nhịp tim tái lập lại nhịp cơ bản bình thường, cứu bệnh nhân khỏi đột tử do các rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm.

Vì sao cần lắp máy khử rung tim?

Khi nào thì phải cấy máy khử rung tim? Có nhiều bệnh lý tim mạch làm cơ tim suy yếu đi khiến cho những nhóm cơ này trở nên dễ bị kích thích, trở thành ổ phát nhịp nhanh nguy hiểm. Nguyên nhân thường gặp nhất ở người lớn là sau nhồi máu cơ tim khiến tế bào một vùng cơ tim bị tổn thương trở thành ổ phát sinh rối loạn nhịp nguy hiểm.

Những nhóm bệnh khác có nguy cơ cao gây rối loạn nhịp dẫn đến đột tử như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, bệnh tim bẩm sinh... Các bác sĩ sẽ trao đổi kỹ với người bệnh về nguy cơ và lợi ích khi cấy máy khử rung tim.

Hãy đưa những người trong gia đình bạn đến kiểm tra sức khỏe tim mạch. Vì bệnh rối loạn nhịp nguy hiểm có yếu tố gia đình và hãy cân nhắc cấy máy khử rung tim hay không. Bởi nếu rối loạn nhịp nguy hiểm xảy ra có thể khiến người bệnh tử vong.

Máy khử rung tim là gì?

Máy khử rung tim viết tắt là ICD-Implantable Cardioverter Defibrillator - là một thiết bị y tế được cấy vào dưới da bệnh nhân (thường dưới đòn trái) với mục đích tái lập lại nhịp cơ bản bình thường, cứu bệnh nhân khỏi đột tử do các rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm. Máy khử rung tim cũng hoạt động như một máy tạo nhịp tim trong trường hợp nhịp tim bệnh nhân quá chậm.

Bệnh nhân cấy máy khử rung tim tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện 19-8).

Bệnh nhân cấy máy khử rung tim tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện 19-8).

Cấy máy khử rung tim có an toàn không?

Ngày nay máy khử rung tim được cấy rất nhiều nên người bệnh không cần quá lo lắng về kỹ thuật và độ an toàn của máy. Kỹ thuật cấy máy rất đơn giản và chỉ là thủ thuật can thiệp tối thiếu. Trước khi cấy máy, vùng dưới đòn sẽ được vệ sinh và cạo lông để đảm bảo vô khuẩn tuyệt đôi cho quy trình cấy máy.

Khi cấy máy chỉ gây tê tại chỗ để người bệnh không đau đớn, không gây mê. Người bệnh sẽ biết các nhân viên y tế xung quanh đang làm gì với mình. Thời gian cấy máy mất 1 - 2 giờ tùy thuộc loại máy khử rung tim.

Sau khi cấy máy, các bác sĩ sẽ kích thích gây nên lại loạn nhịp người bệnh có để đánh giá vị trí tối ưu của điện cực và hoạt động của máy. Nếu máy chưa hoạt động tốt sẽ có thiết bị khác bên ngoài hỗ trợ để kiểm soát rối loạn nhịp của người bệnh.

Sau cấy máy bao lâu bệnh nhân có thể hồi phục? Sau khi xuất viện về nhà người bệnh hãy để ý vết mổ có nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ đau) hoặc bị sốt không rõ nguyên nhân không, nếu có hãy đến viện ngay. Sau khi hồi phục hoàn toàn, thông thường sau cấy máy 3 tuần, người bệnh có thể làm việc, lái xe, chơi môn thể thao bạn ưa thích, đi du lịch như bình thường.

Người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để kiểm tra hoạt động và điều chỉnh để máy hoạt động được tối ưu. Nếu có gì băn khoăn, lo lắng, xin hãy trao đối với bác sĩ của bạn, đừng để gánh nặng tâm lý ấy ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bên cạnh đó nhớ mang theo tấm thẻ chứng nhận bạn là người mang máy khử rung tim để mọi người và nhân viên y tế biết khi có vấn đề bất thường xảy ra. Tấm thẻ cũng giúp người bệnh được phép đi qua thiết bị phát hiện kim loại ở sân bay mà không gặp nhiều phiền toái.

Hình ảnh điện cực trong buồng thất phải được cấy máy khử rung tim.

Hình ảnh điện cực trong buồng thất phải được cấy máy khử rung tim.

Một số câu hỏi về máy khử rung tim1. Máy khử rung tim hoạt động như thế nào?

ICD theo dõi nhịp nội tại của bệnh nhân, được lập trình để tạo nhịp vượt tần số khi xảy ra rối loạn nhịp nhanh nguy hiếm. Nếu không tái lập thành công nhịp bình thường của bệnh nhân, máy sẽ phát một dòng xung điện để khử cực hoàn toàn quả tim (sốc điện), tái lập lại hoạt động điện thông thường. Nếu nhịp chậm quá máy sẽ kích nhịp để quả tim co bóp với tần số bình thường đã được lập trình.

Khi có rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm xảy ra (thường loạn nhịp thất), quả tim sẽ bóp với tần số rất nhanh, có thể lên tới 500 lần/phút. Lúc này quả tim hầu như không bóp mà chỉ run rẩy. Hậu quả sẽ không bơm được máu đi nuôi cơ thể khiến người bệnh hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, ngất, thậm chí tử vong nếu không được chuyển nhịp kịp thời. Nếu trong bệnh viện người bệnh sẽ được sốc điện chuyển nhịp với các bản điện cực đặt bên ngoài lồng ngực.

Nhưng nếu người bệnh không ở trong bệnh viện, chỉ duy nhất máy khử rung tim có thể giúp trái tim của người bệnh trở về nhịp bình thường. Nếu không, người bệnh sẽ không có cơ hội sống lần thứ hai vì não chỉ chịu được thiếu oxy trong vòng 4 phút. Điện cực máy khử rung tim theo dõi hoạt động điện của quả tim liên tục. Khi có rối loạn nhịp xảy ra máy sẽ phóng điện để xóa hoàn toàn các hoạt động điện bất thường và chuyển về nhịp tim bình thường.

Các loại máy khử rung tim.

Các loại máy khử rung tim.

2. Máy khử rung tim hoạt động được bao lâu?

Máy hoạt động được khoảng 3-8 năm tùy thuộc vào loại máy, tần suất máy phát sốc điện và cường độ cú sốc. Người bệnh cần tái khám định kỳ đảm bảo máy khử rung tim hoạt động bình thường, lập trình lại cho phù hợp với nhu cầu sốc.

Nếu phát hiện máy báo gần hết pin, người bệnh sẽ được lên chương trình để thay máy. Thông thường, các bác sĩ sẽ nhắc tái khám sau 3-6 tháng. Trong trường hợp có gì bất thường người bệnh nên khám lại ngay.

3. Cần lưu ý gì khi sử dụng máy khử rung tim?

Máy khử rung tim có ảnh hưởng gì khi sử dụng lò vi sóng, nghe điện thoại hoặc chụp MRI? Thông thường lò vi sóng ngày nay hoạt động an toàn và không ảnh hưởng đến hoạt động của máy khử rung tim. Người bệnh hãy yên tâm sử dụng theo các nhu cầu của mình.

Sóng điện thoại cũng tương tự, an toàn đối với máy khử rung tim khi dùng đúng cách. Đừng để máy điện thoại ở túi áo ngực bên cấy máy và nghe bằng tai đối diện bên cấy máy để hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng điện thoại.

Trong trường hợp người bệnh cần phải chụp cộng hưởng từ (MRI), hãy thông báo với bác sỹ để chỉnh máy trước và sau khi chụp, tránh tai biến hoặc thay đối có thể xảy ra. Tuy nhiên người bệnh nên tránh những thiết bị có cường độ dòng điện hoặc từ trường lớn có thế ảnh hưởng đến hoạt động của máy khử rung tim như thiết bị cảnh báo trộm ở siêu thị, máy hàn... Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về những thiết bị có thể gây ảnh hưởng này.

ThS.BS Nguyễn Thu Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/may-khu-rung-tim-va-nhung-dieu-can-biet-169240617214114845.htm