Mấy tháng rồi không lương, nỗi lo bị ngân hàng thúc đòi nợ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người phải nghỉ làm, tạm ngừng kinh doanh dẫn đến không có thu nhập. Họ rất lo lắng khi không biết kiếm đâu ra tiền trả nợ ngân hàng.
Mất việc lấy đâu tiền trả nợ
Là quản lý của một trường mầm non tư thục tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Hà Ngân thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Nhưng kể từ sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng xấu từ dịch Covid-19, tất cả các trường học phải đóng cửa. Nhà trường không có nguồn thu nào khác nên không thể trả lương cho giáo viên.
“Trước đây, tôi có vay tiền ngân hàng theo bảng lương. Số tiền là 30 triệu đồng, trả trong vòng 24 tháng, để mua sắm đồ sinh hoạt cho gia đình. Mỗi tháng tôi phải trả cả gốc và lãi là 1,7 triệu đồng. Theo hợp đồng, đến tháng 9 này thì trả xong. Tháng 2 và tháng 3 vừa qua, tôi vẫn cố trả nợ khoản vay ngân hàng đúng hạn, nhưng tới tháng 4 này thì chưa biết tính sao. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình từ điện, nước đến sữa cho con,... vẫn phải lo, trong khi nguồn thu nhập 3 tháng nay không có. Nay ngân hàng vẫn chưa thông báo chính sách hỗ trợ gì. Chỉ mong được giãn nợ, đợi qua dịch đi làm trở lại có tiền trả nợ”, chị Ngân chia sẻ.
Nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh như chị Ngân. Họ là những người lao động hưởng lương, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, có các khoản vay tại ngân hàng, công ty tài chính, trả góp hàng tháng. Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, họ phải nghỉ làm, tạm ngừng kinh doanh, dẫn đến không có thu nhập. Không ít người hiện rất lo lắng không biết kiếm đâu ra tiền trả cho ngân hàng.
Chị Minh Nguyệt - nhân viên bán hàng một siêu thị điện máy tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết, từ ngày 1/4 siêu thị đóng cửa, nhân viên phải nghỉ không lương, chỉ được hỗ trợ mấy triệu đồng. Số tiền này đủ để lo chi phí cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày và trả tiền thuê nhà 1 tháng. Trước đó, chị vay từ công ty tài chính hơn 20 triệu đồng để mua xe máy, mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4 do nghỉ việc và cũng không thể làm thêm việc gì, chị đang lo không biết lấy đâu tiền để trả.
“Tôi có gọi điện hỏi công ty tài chính xem có được gia hạn nợ không thì nhận từ nhân viên và chưa có thông báo chính sách gì”, chị nói.
Còn anh Trần Nam ở Hoàng Mai, Hà Nội kinh doanh quán cafe nhỏ, kể rằng, Tết ra, doanh thu của quán giảm nhiều do dịch bệnh. Anh phải vay một khoản tiền của ngân hàng để cố gắng duy trì. Từ 1/4 cách ly xã hội bắt buộc, phải ngừng kinh doanh thì anh bất lực hoàn toàn.
“Tôi thấy tình cảnh mình giống như ‘sau cơn mưa trời lại bão’. Nguồn thu không có, nhưng khoản vay đầu tư vào quán cafe vẫn phải trả cho ngân hàng, điện thoại đòi nợ giục liên tục, mà không biết xoay tiền đâu ra”, anh ái ngại.
Lo khối nợ lớn lên và xấu dần
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhiều DN, các cửa hàng kinh doanh nhỏ, trường học phải thu hẹp hoạt động và đóng cửa, khiến số lượng lớn lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm. Trong số này, có nhiều người đang vay tiêu dùng tại ngân hàng, công ty tài chính và thế chấp khoản vay bằng thu nhập hàng tháng. Thế nên, họ bỗng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng trả nợ.
Không ít gia đình vay tiền mua nhà, mua xe, mua các đồ gia dụng,... trả góp hàng tháng. Bình thường đi làm đều, thu nhập ổn định thì việc trả các khoản nợ vẫn đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nay họ mất nguồn thu, nợ không thể trả.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng có xu hướng đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận. Số lượng khách hàng cá nhân của nhiều tổ chức tín dụng tăng nhanh. Thống kê cho thấy, chỉ riêng 3 công ty tài chính lớn đang thực hiện cho vay tiêu dùng lớn nhất thị trường, tính đến cuối năm 2019 có lượng khách hàng cá nhân đạt hơn 30 triệu, với các sản phẩm chính như: vay trả góp xe gắn máy; vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và vay trả góp tiền mặt.
Gần đây, một số ngân hàng và công ty tài chính đã quyết định giãn nợ, giảm lãi vay,... cho khách hàng cá nhân, nhưng số người được hưởng chưa nhiều. Một số tổ chức tín dụng cho biết, dù đã thành lập cả tổ phản ứng nhanh song hơn một tháng qua chỉ giải quyết được vài nghìn trường hợp khách hàng cá nhân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Vì vậy, đa số khách hàng vẫn không nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ nợ. Trong khi, khó khăn ngày càng đè nặng. Hơn nữa, để chứng minh mình gặp khó khăn do dịch bệnh là không hề dễ dàng và các tổ chức tín dụng cũng chưa công bố rõ những điều kiện để được nhận hỗ trợ.
Đến hạn không có tiền thanh toán nhiều người bị giục nợ liên tục nên rất mệt mỏi. Có khách hàng kể rằng mỗi ngày nhận tới 20 cuộc gọi từ nhân viên thu hồi nợ. Xin khất đủ kiểu chẳng ăn thua. Thậm chí, phía đòi nợ còn nói “đây ko phải tổ chức từ thiện. Tiền không có thì đem cầm cố điện thoại, xe máy, hỏi vay mà trả”.
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn, khả năng vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra.
Để người lao động có thu nhập, đủ khả năng trả nợ thì các hoạt động kinh tế phải phục hồi trước. Vì vậy, thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ còn phải đối mặt với rủi ro lớn từ cho vay tiêu dùng với các khách hàng cá nhân.