Maybank nêu cơ sở để khối ngoại giảm rút ròng trong những tuần tới

Với số lượng tài sản còn lại không còn quá lớn, cường độ rút ròng trong thời gian tới của các quỹ ETF sẽ hạn chế hơn nhiều so với giai đoạn quý 2.

Khối ngoại mua ròng trở lại sẽ giúp thị trường có thêm động lực đi lên.

Khối ngoại mua ròng trở lại sẽ giúp thị trường có thêm động lực đi lên.

Mặc dù chiếm tỷ trọng giao dịch không lớn nhưng việc khối ngoại miệt mài bán ròng thời gian qua cũng là một áp lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên sàn HoSE, động thái bán ra của các nhà đầu tư ngước ngoài ghi nhận liên tục trong một năm qua, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Tổng quy mô rút ròng lên đến gần 65.000 tỷ đồng, còn riêng từ đầu năm đến nay là trên 46.000 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD).

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 7 phát hành mới đây, Chứng khoán Maybank (MSVN) cho biết, tháng 6 vừa qua là tháng có mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại tại sàn HSX trong hơn một năm qua, với quy mô 16.700 tỷ đồng (657 triệu USD).

Theo Maybank, đợt rút ròng mạnh mẽ gần đây tại các quỹ ETF tập trung vào Việt Nam là do Tập đoàn quản lý đầu tư Blackrock bất ngờ thông báo giải thể quỹ iShare Frontier và Select EM ETF vào ngày 7/6/2024 (trong đó Việt Nam là thị trường có tỷ trọng lớn nhất) và nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên, Maybank dự báo áp lực rút ròng sẽ giảm bớt trong những tuần tới vì sau quá trình rút ròng liên tục, tính đến ngày 26/6/2024, tỷ trọng của Việt Nam trong quỹ ETF đã giảm xuống chỉ còn 5,5%, từ mức 27%.

Cụ thể, tính đến ngày 26/6/2024, chỉ còn khoảng 18 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đầu tư của quỹ iShare Frontier và Select EM ETF, giảm mạnh so với 118 triệu USD vào cuối tháng 5/2024.

Đối với các quỹ khác, Maybank ước tính, khoảng 1,19 tỷ USD dòng tiền ngoại đã đổ vào các quỹ ETF chính (bao gồm Fubon FTSE Vietnam ETF, DWS Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF, DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF, VanEck Vietnam ETF và SSIAM VNFin Lead ETF) trong giai đoạn tháng 5/2022 – tháng 3/2023, nhằm mục đích “bắt đáy” khi thị trường sụt giảm mạnh.

Khi VN-Index tăng 40% so với mức đáy vào cuối năm 2022, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời, rút ròng khoảng 879 triệu USD từ các quỹ ETF này trong khoảng tháng 4/2023 – tháng 6/2024. Do đó, chỉ còn chưa đến 400 triệu USD để rút ròng.

Diễn biến mua/bán ròng của khối ngoại.

Diễn biến mua/bán ròng của khối ngoại.

Về lâu dài, Maybank cho rằng việc Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên (khả năng cao vào giữa nửa cuối năm 2024), cùng mức tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ yếu đi, sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng tiền trở lại các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam. Bên cạnh đó, những tiến triển trong việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) - rào cản cuối cùng để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE cũng là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại trở lại.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang chuẩn bị công bố và lấy ý kiến công khai về phiên bản thứ hai của dự thảo thông tư để thay đổi nhiều quy định liên quan đến pre-funding. Maybank kỳ vọng yêu cầu pre-funding sẽ được chính thức loại bỏ vào quý 3/2024 và FTSE sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025 theo kịch bản cơ sở, hoặc vào tháng 3/2025 theo kịch bản tích cực nhất. Dòng tiền khối ngoại sẽ đổ vào Việt Nam trong khoảng 6-12 tháng trước sự kiện này.

Trong báo cáo chiến lược tháng 7/2024, SSI cũng dự báo với số lượng tài sản còn lại không còn quá lớn, cường độ rút ròng trong thời gian tới của các quỹ ETF sẽ hạn chế hơn nhiều so với giai đoạn quý 2.

Bình luận về động thái bán ròng của khối ngoại, tại hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” tổ chức ngày 3/7 vừa qua, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, sau khi bán ròng lượng lớn cổ phiếu, số lượng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam hiện còn khoảng 46 - 49 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn hóa thị trường.

Theo ông Hải, Việt Nam là thị trường có hạn chế về đầu tư nước ngoài nhưng tổng sở hữu của khối ngoại vẫn ở nhóm cao nhất Đông Nam Á. Hiện tượng rút vốn trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… do đồng USD lên cao, chốt lời khi đạt mục tiêu, một số quỹ thay đổi chiến lược - đầu tư vào thị trường hấp dẫn hơn. Vì vậy, ông Hải cho rằng câu chuyện bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực.

Cũng phát biểu tại sự kiện trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, bệ đỡ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Nhìn ra kinh tế khu vực và toàn cầu với những biến động thời gian qua thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không có cơ sở nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có rủi ro cao. Còn việc các quỹ ngoại thay đổi khẩu vị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện bình thường.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/maybank-neu-co-so-de-khoi-ngoai-giam-rut-rong-trong-nhung-tuan-toi-31145.html