Maybank: Tăng trưởng GDP quý 1/2023 của Việt Nam khoảng 4,8%

Dự báo dựa trên suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tập đoàn Maybank Investment Banking (“Maybank IBG”) ngày 2/3 công bố báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 2/2023, do ông Brian Lee Shun Rong - chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô và ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng chủ trì.

Báo cáo chỉ ra rằng, xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 tăng 11% so với cùng kỳ 2022 (tháng 1/2023 giảm 25,9% so với cùng kỳ). Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa đã giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu toàn cầu vẫn yếu. Chỉ số PMI tăng trở lại, từ mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm vào tháng 2/2023, cho thấy nhu cầu bên ngoài đã ổn định.

Nhập khẩu tháng 2/2023 giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 1/2023 giảm 24%), dẫn đầu là điện thoại và linh kiện (giảm 63,2% so với cùng kỳ). Nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào trung gian như vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhựa và máy tính, sản phẩm điện & phụ tùng vẫn yếu, cho thấy các nhà sản xuất vẫn thận trọng trong việc mua nguyên liệu đầu vào do nhu cầu xuất khẩu yếu.

Với sự gia tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 đã tăng lên +2,3 tỷ USD (so với +656 triệu USD trong tháng 1), mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Doanh thu bán lẻ danh nghĩa tăng 13,2% so với cùng kỳ 2022 (tháng 1 tăng 20%). Mức giảm so với tháng 1 là do nhu cầu Tết đã kết thúc. Tính chung 2 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ tăng 13%. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực tế ở mức vừa phải (+9,2%) trong tháng 2, so với +15,8% trong tháng 1.

Maybank cho rằng, doanh thu bán lẻ có thể sẽ giảm hơn nữa trong vài tháng tới do xu hướng mở cửa trở lại bị lấn át bởi chi phí sinh hoạt leo thang, chính sách tiền tệ thắt chặt và những hiệu ứng tài sản/tâm lý từ khó khăn về thanh khoản bất động sản.

Lượng khách nước ngoài đến tăng 7,1% so với tháng trước, đạt 46,8% so với mức cao nhất trước Covid (tháng 1/2020), dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc.

Lượng khách nước ngoài đến tăng 7,1% so với tháng trước, đạt 46,8% so với mức cao nhất trước Covid (tháng 1/2020), dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc.

Lạm phát toàn phần giảm còn 4,3% trong tháng 2 (so với mức 4,9% trong tháng 1). Lạm phát cơ bản tăng 5%, so với mức tăng 5,2% trong tháng 1. Động lực chính khiến lạm phát toàn phần chậm hơn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,6% trong rổ CPI) giảm còn 4,3% (so với 6,1% trong tháng 1), do nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết.

Maybank duy trì dự báo lạm phát toàn phần cho cả năm ở mức 4,3%. Mức tăng 4,9% trong tháng 1 có thể là mức cao nhất của năm nay. Việc nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm sẽ trở thành lực cản đối với lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, do các yếu tố chi phí đẩy như giá điện bán lẻ có khả năng tăng, mức lương tối thiểu sắp tăng 20,8% từ tháng 7 và chi phí năng lượng có thể tăng trở lại khi giá dầu toàn cầu phục hồi cùng với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc.

Maybank cũng duy trì dự báo GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,3%. Tăng trưởng sẽ hạ nhiệt so với năm ngoái do những trở ngại từ nhu cầu quốc tế yếu hơn từ các thị trường phương Tây, chính sách thắt chặt tiền tệ và khủng hoảng thanh khoản bất động sản, mặc dù được bù đắp một phần bởi triển vọng tích cực của việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong đó, mức tăng trưởng trong quý 1/2023 sẽ đạt 4,8% (so với mức tăng 5,9% trong quý 4/2022), với sự suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/maybank-tang-truong-gdp-quy-12023-cua-viet-nam-khoang-48-post18511.html