Mẹ bầu tập luyện trong thai kỳ, mẹ khỏe con lớn nhanh

'Nhiều người vẫn quan niệm trong quá trình mang thai phải kiêng khem và hạn chế vận động, ăn uống tẩm bổ liên tục trong ba tháng đầu cho con lớn nhanh. Tuy vậy, tôi đã có quan điểm đi ngược lại mọi định kiến của mọi người', chị Nguyễn Thị Vân Anh (31 tuổi) nói.

Khi huấn luyện viên thể hình mang thai

Có nhiều năm kinh nghiệm theo đuổi bộ môn gym, chị Nguyễn Thị Vân Anh đã tập luyện trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp và tự quản lý một phòng gym nhỏ ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Chị cho biết trong quá trình mang bầu hai con nhỏ, chị vẫn tự thiết kế bài tập để rèn luyện đều đặn. Kết quả, chị Vân Anh đã có một thai kỳ khỏe mạnh, hồi phục sức khỏe sau sinh rất nhanh chóng.

Vóc dáng hiện tại của chị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Vóc dáng hiện tại của chị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Xuất phát điểm là một huấn luyện viên thể hình, ngoài những bài tập tăng cân, tăng cơ như nhiều người khác vẫn dạy cho học viên thì chị cũng thường xuyên kết nối và mở lớp dạy online cho những mẹ bỉm sữa sau sinh và cả người đang mang bầu.

Chị Vân Anh tập luyện trong quá trình mang thai. Ảnh: NVCC

Chị Vân Anh tập luyện trong quá trình mang thai. Ảnh: NVCC

“Tôi từng là một trong những người đầu tiên có quan điểm khi mang bầu phải tập luyện, điều này đi ngược lại tất cả định kiến của chị em phụ nữ, đặc biệt người lớn. Tôi nghĩ trừ khi mình có tiền sử sảy thai, phải nằm một chỗ theo chỉ định bác sĩ hoặc những vấn đề sức khỏe liên quan trong quá trình mang thai thì nếu bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn vẫn nên vận động tập luyện phù hợp cho mẹ khỏe và con khỏe”, chị nhấn mạnh.

Nhìn vào những lợi ích tập luyện khi mang thai, chị Vân Anh cho hay nhờ bài tập hằng ngày, chị hạn chế mệt mỏi, không ngán ngẩm hay khó ăn uống. Mẹ cũng không lên cân quá nhiều, tăng cân ít chủ yếu vào em bé. Cơ thể ít phù nề, mỗi khi khám định kỳ bác sĩ đều thông báo con phát triển rất tốt, khỏe mạnh an toàn trong bụng mẹ.

Hình ảnh của một nữ huấn luyện viên thể hình. Ảnh: NVCC

Hình ảnh của một nữ huấn luyện viên thể hình. Ảnh: NVCC

“Thật ra khi mang bầu vẫn tập, cái chính không phải cải thiện body hay giảm mỡ, sợ mập mà để cơ thể được vận động nên các bài tập tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với đại đa số mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh”, chị nói thêm.

Theo chị Vân Anh, nhờ kinh nghiệm nhiều năm cả hai vợ chồng chị đều là huấn luyện viên nên mình biết cách lắng nghe cơ thể và chịu phá tan những định kiến cũ để tìm giải pháp tốt hơn cho mẹ bầu. Học viên khi tập luyện theo sẽ được theo dõi sát quá trình, chủ yếu tập toàn thân nhẹ nhàng, cuối mỗi buổi tập sẽ có thêm vài động tác yoga phù hợp với từng cơ thể của chị em phụ nữ.

Tập luyện để mẹ khỏe con lớn nhanh

Trong suốt hai lần mang thai, chị Vân Anh đều kết hợp tập luyện đem đến những hiệu quả không ngờ cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Chị cho rằng nhiều gia đình khi thấy người phụ nữ bắt đầu mang thai là tẩm bổ ngay, ba tháng đầu tiên em bé chỉ mới vào phôi thai và bé như hạt đậu nên chưa cần thiết phải bồi bổ quá đà, chỉ cần ăn uống bình thường là được vì nếu làm vậy thời gian đầu chỉ vào mẹ chứ không vào con.

“Không nên nghĩ mình có bầu thì ăn uống vô tội vạ và nghĩ con thèm nên phải ăn, điều này chỉ khiến bản thân tăng cân quá đà, tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, phù nề tay chân vào những tháng cuối, mẹ tăng cân liên tục nhưng ít vào con”, chị tâm sự.

Là một trong nhiều học viên tham gia khóa tập, mẹ bầu Bích Ngọc ở Hà Nội cho biết những lợi ích cụ thể như chị tránh được đau cơ mỏi lưng trong suốt thai kỳ, hoạt động hằng ngày cũng nhẹ nhàng và nhanh nhẹn như bình thường. Bên cạnh chế độ tập luyện kèm thực đơn dinh dưỡng, chị Ngọc không bị béo phì, tiểu đường thai kỳ mà còn giúp bé bác triển vượt bậc được cả bác sĩ khen trong khi không cần bổ sung quá nhiều vitamin.

Học viên của chị Vân Anh. Ảnh: NVCC

Học viên của chị Vân Anh. Ảnh: NVCC

“Việc vận động giúp máu huyết mình lưu thông tốt hơn, hoàn toàn không bị dồn máu phù chân, tôi nghĩ khi mình khỏe mạnh thì con mình cũng thoải mái và nằm ở vị trí tốt. Trong bài tập theo huấn luyện viên, tôi cũng không gặp khó khăn ở bất kỳ động tác nào vì bài tập được thiết kế riêng phù hợp với cơ thể và sức lực của mình”, chị Ngọc nói.

Một học viên xuất sắc khác của chị Vân Anh, chị Bùi Hải Yến cho biết mình đã cùng huấn luyện viên tập luyện từ tuần thứ sáu của thai kỳ, sau khi em bé có tim thai và chị Vân Anh hiểu được thể trạng của mình có thể tập luyện an toàn. Chị Yến khẳng định: “Đến nay mình đang ở tuần thứ 32 của thai kỳ, mình nghĩ lựa chọn tập cùng huấn luyện viên là quyết định đúng đắn nhất vì nhiều lợi ích nó mang lại”.

Về sức khỏe, chị Yến vẫn giữ được thể trạng tốt như trước lúc mang bầu, chị không gặp các triệu chứng khó chịu của mẹ bầy như hụt hơi, đau lưng, phù nề, chuột rút… Bên cạnh đó, chị cũng hồi phục sau nhiễm Covid-19 rất nhanh nhờ tập luyện.

Hình ảnh của chị Hải Yến lúc mang thai 30 tuần. Ảnh: NVCC

Hình ảnh của chị Hải Yến lúc mang thai 30 tuần. Ảnh: NVCC

Về em bé, ngoài tập luyện, huấn luyện viên còn cung cấp cho mình thêm thực đơn dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của mẹ và bé, nhờ vậy mà em bé luôn vượt cân so với tiêu chuẩn. Chị cho hay nhờ thường xuyên vận động, đây cũng là hình thức thai giáo cho em bé.

“Có lẽ vì vậy mà em bé nhà tôi cử động thai khá sớm, đến bây giờ thì vận động liên tục trong bụng mẹ rồi”, chị nói thêm.

Chị vui vẻ cho biết trong suốt tám tháng thai kỳ, việc tập luyện đã giúp chị không thay đổi hình thể nhiều, chị tăng 4kg toàn bộ vào em bé, nước ối, nhau thai. Mẹ gọn gàng săn chắc, con lớn nhanh là điều bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn.

“Tôi hiểu với các bà mẹ, mang thai là một hành trình vất vả. Người chồng, người thân bên cạnh cũng có đôi phần mệt hơn khi chăm sóc mẹ bầu. Tuy nhiên, nhờ tập luyện, chế độ dinh dưỡng hợp lý, anh chồng và người vẫn yên tâm làm việc, chưa bị ảnh hưởng công việc. Trong đời sống hàng ngày, hai vợ chồng vẫn tận hưởng được cuộc sống như lúc chưa bầu, chỉ có thêm thành viên mới thôi”, chị Yến tâm sự.

Theo chị Yến, các bài tập sẽ được huấn luyện viên thiết kế dựa trên thể trạng cơ thể, bên cạnh đó người thầy của mình cũng từng là người mẹ, người mang thai và sinh em bé nên hiểu rõ cơ thể của mẹ bỉm sữa như thế nào, vì vậy các mẹ bầu không nên quá lo lắng và ái ngại.

Dưới đây là clip hướng dẫn của huấn luyện viên Vân Anh

An Phú

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/me-bau-tap-luyen-trong-thai-ky-me-khoe-con-lon-nhanh/