Mẹ

Tiếng lợn kêu eng éc xuyên qua màn đêm, xuyên qua bức vách, len lỏi vào những giấc mơ của hai chị em tôi. Cu Thạo choàng tỉnh, giật mình, xoay người từ cuối giường lộn lại ôm ghì lấy tôi. Một tay tôi luồn xuống dưới gáy Thạo cho nó gối đầu, tay kia tôi xoa lưng nó. Giấc ngủ trở lại nhưng không hiểu sao những giấc mơ bình yên biến mất, thay vào đó là những cơn ác mộng.

Tôi nhìn thấy những con lợn bị chọc dao nhọn vào giữa cuống họng, máu túa ra, bắn lên chiếc áo đồng phục trắng tinh của tôi. Tôi giặt mãi không sạch. Tôi đi tìm lọ thuốc tẩy nhưng không thấy. Ai lấy cái lọ thuốc tẩy. Thạo ơi! Tìm cho chị lọ thuốc tẩy. Thạo ơi… Cu Thạo sì sục, mắt nhắm mắt mở: “Em đây mà! Chị lại mơ rồi”. Đúng là tôi mơ… Tôi nhìn thấy một đàn lợn con rúc vào bẹ sữa của lợn mẹ. Người đàn ông làm nghề lái lợn, râu ria xồm xoàm, xắn tay áo đến tận nách, bắt từng chú lợn con quăng sang một bên. Lợn mẹ bị trói lại. Cu Thạo cũng bị trói lại. Tôi hét lên, giãy giụa để thoát khỏi bàn tay cứng như gọng kìm của một người đàn ông lái lợn. Ối… ối… Trống ngực tôi đập thình thịch. Tỉnh giấc. Mồ hôi đầm đìa. Ở bên ngoài, trời mới tờ mờ. Tiếng mẹ lanh lảnh:

- Chỗ thịt này mang đi bán buôn ở chợ huyện. Chỗ này bán lẻ ở chợ làng.

Tiếng bố ồm ồm:

- Nhồi lòng đi. Nhanh lên!

Ngày nào cũng thế, bố mẹ tôi bắt đầu làm việc từ 2, 3 giờ sáng. Khi các nhà vẫn say giấc thì bố mẹ tôi đã dậy, chọn vài con làm thịt. Tiếng kêu vang động cả xóm. Mọi người phàn nàn vì mất giấc ngủ nhưng lâu dần họ cũng đành “sống chung với lũ”.

Một tháng mổ lợn bán còn hơn cấy ruộng cả năm. Mẹ cộng trừ nhân chia, nhẩm tính rất nhanh. Tiền bán ruộng được bao nhiêu, mẹ đem mua vàng, chỉ giữ lại một chút làm vốn buôn lợn. Lúc đầu, mẹ nhìn thấy lợn bị chọc tiết đã hoa cả mắt, tưởng có thể xỉu đi. Bàn tay mẹ trói lợn lóng nga lóng ngóng. Thế mà chỉ vài tháng sau, mẹ làm thuần thục, nhoay nhoáy.

Phải dậy từ nửa đêm, mẹ cứ ngáp ngắn ngáp dài nhưng chỉ cần có tiền là mẹ tỉnh như sáo. Có tiền thì những khoản đóng học cho chị em tôi, điện, nước, chợ búa, cỗ bàn, quần áo… mẹ không phải đắn đo. Có tiền rủng rỉnh, mẹ mua vàng cất vào tủ. Thế là chấm dứt những ngày túng thiếu. Mỗi chiều, mẹ ngủ bù đến gần tối nhưng quầng thâm dưới hai mắt mẹ không hề mất đi. Tôi và cu Thạo làm gì cũng phải nhẹ nhàng, chỉ sợ gây tiếng động làm mẹ tỉnh giấc. Mẹ sẽ gắt gỏng. Mẹ sẽ mắng mỏ. Nhà cửa ầm ĩ cả lên. Mẹ khó tính từ ngày ấy. Mẹ đáo để cũng từ ngày ấy. Bà ngoại nhận ra mẹ thay đổi nhiều quá nên thủng thẳng:

- Vừa vừa thôi con ơi! Đàn bà ghê gớm thì ai người ta dám lấy con gái mình. U thương con Thuần.

Mẹ dài giọng, cự nự:

- U buồn cười nhỉ! Thời buổi này chỉ có đứa nào đần thì mới hiền thôi. Con ghê gớm chứ có buôn gian bán lận hay ăn quỵt của ai bao giờ đâu.

Ngoại thở dài, đưa cái cối giã trầu cho tôi nghiền hộ một miếng. Ngoại nghiện cái thứ này giống như mẹ tôi nghiện vàng. Trên người mẹ đeo đầy vàng. Trong ngăn tủ của mẹ cũng đựng toàn vàng.

***

Những buổi chiều rong ruổi đi mua lợn khắp nơi, thi thoảng bố lại về muộn. Nhiều hôm bố không ăn tối ở nhà. Tiền hàng cứ vơi dần. Linh cảm của người vợ mách bảo mẹ rằng bố có người đàn bà khác. Mẹ lẳng lặng đi theo bố. Mẹ tìm hiểu về người đàn bà kia. Một người phụ nữ góa chồng. Mẹ đã có bằng chứng trong tay, chỉ chờ bố thú nhận. Nhưng bố chối bay chối biến:

- Tôi đi làm đi ăn mà cô cứ ghen bóng gió là sao?

Mẹ bĩu môi:

- Đồ hèn! Dám làm mà không dám nhận.

Nhà như địa ngục. Lúc nào cũng ngột ngạt, bức bối. Bố càng đi vắng nhiều hơn nhưng đến giờ mổ lợn thì bố có mặt ở nhà. Những con lợn tiếp tục được hóa kiếp sau tiếng éc… éc. Hai người làm như hai cái máy. Chẳng ai nói với ai câu nào. Cu Thạo ôm ghì lấy tôi, thì thào:

- Em sợ tiếng lợn kêu! Em sợ lắm, chị Thuần ơi!

Tôi vỗ về, trấn an:

- Ngủ đi! Nó chỉ là con lợn thôi. Hóa kiếp này nó thành kiếp khác.

Hai chị em lại ôm nhau ngủ tiếp. Nhưng giấc ngủ không còn êm đềm nữa…

Tôi theo mẹ đến tận nhà người đàn bà góa kia để đánh ghen. Tôi giúp mẹ túm tóc mụ ta. Tiếng mẹ the thé: “Đồ lăng loàn! Đồ cướp chồng! Cho mày chết này!…” - mẹ nghiến răng kèn kẹt. Những móng tay sắc nhọn của mẹ cào cấu cơ thể trắng nõn của mụ ta. Máu túa ra, đỏ như tiết. Mụ ta hét lên. Tiếng hét lẫn với tiếng lợn kêu eng éc…

Choàng tỉnh, tôi thấy bố ngồi bên bàn ăn với cốc rượu trắng và bát tiết canh màu đỏ. Bố uống một cốc, hai cốc, rồi ba cốc mà vẫn còn thèm thuồng… Hơi rượu tỏa ra từ người bố nồng nặc khiến cu Thạo không dám đến gần. Chai rượu hết sạch. Bố gầm gừ, hất hàm sai tôi:

- Con gái rượu của bố! Đi mua cho bố chai nữa.

Tôi răm rắp làm theo. Tôi sợ. Sợ cơn thịnh nộ của bố. Nồi niêu, chén bát sẽ bay vèo ra sân, cái nào không vỡ tan tành thì cũng méo mó. Nhà tôi như một bãi chiến trường. Tôi lại phải dọn. Mẹ sẽ chì chiết. Tôi sợ tiếng chì chiết của mẹ.

***

Người đàn bà góa bỏ bố đi lấy chồng. Mẹ chưa kịp mừng thì phát hiện những người đàn bà khác vẫn ngày ngày đào mỏ, cố moi hầu bao của bố. Mẹ coi thường bố ra mặt. Mẹ quản lý chặt tài chính của gia đình. Ừ, thử xem, đàn ông không một xu dính túi thì có con đàn bà nào dám lăn xả vào nữa không. Quả nhiên, chiến thuật của mẹ có tác dụng.

Nhiều hôm, bố không có nổi mấy nghìn tiền lẻ để mua rượu. Bố quắc mắt:

- Thuần! Mua cho bố chai rượu.

Tôi nhỏ nhẹ:

- Bố cai rượu đi, mệt lắm!

- Lại cái giọng của con mẹ mày. Đừng có dạy đời!

Con ma men ngày càng hành hạ bố. Cơ thể người đàn ông gần tứ tuần, khỏe mạnh, cường tráng giờ trông ọp ẹp, thảm hại. Bố không còn sức để vật ngửa con lợn ra mà chọc tiết giữa đêm khuya nữa. Mình mẹ, mẹ cũng không làm nổi. Mà chả tội gì mẹ phải làm đồ tể. Mẹ ăn diện. Mẹ phấn son. Mẹ tung tẩy váy áo. Nhìn bố như cái xác không hồn, chỉ toàn da bọc xương, mẹ chán ngắt. Mẹ quyết định đi lao động ở Đài Loan. Tôi biết mẹ hận bố nên mẹ mới bỏ mặc bố trong lúc bố ốm đau như thế này. Bố không dám ngăn cản mẹ. Bà ngoại cũng không gàn được mẹ. Trước khi lên máy bay, mẹ dặn tôi:

- Con lớn rồi, phải biết lo việc học, việc nhà thay mẹ. Mẹ đi cũng là vì tương lai của các con.

Tôi nuốt nước mắt, để mẹ yên lòng khi đi xa. Tiền với mẹ cũng không phải là thiếu nhưng chưa bao giờ là đủ. Tôi biết mẹ đã tích được rất nhiều vàng, thi thoảng mẹ lại đổ ra giường đếm rồi lại cất đi vì trên người mẹ chẳng còn chỗ nào để đeo. Bố nhìn thấy vàng thì dửng dưng. Hai con người ấy trước kia yêu nhau, bị cấm cản vì “không môn đăng hộ đối”, vì ông bà ngoại tôi chỉ bằng tuổi anh trai của bố, họ đã dọa dắt nhau bỏ đi khỏi nhà hoặc cùng nhau tự tử để được ở bên nhau mãi mãi. Thế mà sau mười lăm năm, mỗi người một nơi. Có lần mẹ tâm sự với bạn, tôi vô tình nghe được: “Tình yêu chết rồi, chả lẽ lại ly dị”.

Mẹ đi, tôi kiêm mọi việc trong gia đình. Tôi đưa bố đi viện khám, bác sĩ bảo: “Muốn sống thì cai rượu”. Bố gật gật, như một đứa trẻ biết nghe lời. Tôi dặn dò cu Thạo: “Bệnh thể xác của bố không nghiêm trọng bằng bệnh tinh thần. Em đừng xa lánh bố, nghe chưa?”.

Nó không nói gì nhưng thường xuyên ở bên bố, kể chuyện trường lớp cứ ríu ra ríu rít. Nó kê ghế tựa ra giữa cửa nhà, bảo bố ngồi đó để nó cạo râu cho, nhổ tóc trắng cho. Tuyệt nhiên, nó không bao giờ nhắc đến mẹ trước mặt bố. Nhưng thi thoảng nó lại hỏi tôi bao giờ thì mẹ về?

Cuộc đối thoại của hai chị em bị ngắt quãng vì bố xuất hiện. Tôi để hai ngón tay lên môi, ra hiệu cho cu Thạo im lặng. Sau thời gian điều trị, nhìn bố đã có da có thịt. Bố đòi nuôi lợn để có thêm thu nhập, để khỏi “nhàn cư vi bất thiện”. Còn tiền mẹ gửi về, bố không động vào. Mẹ dặn tôi qua điện thoại:

- Tiêu không hết thì mua vàng cất đi. Bao giờ lấy chồng, mẹ cho.

Tôi ấm ức, trách mẹ: “Mẹ lúc nào cũng nghĩ đến vàng, có ăn được đâu”.

- Con ranh! Chị em mày có bị đói rã họng bữa nào đâu mà chả khinh vàng.

- À, dạo này bố con khỏe rồi. Bố nuôi ba chục con lợn, cho ăn thẳng nên cũng nhàn, chỉ mất công rửa chuồng, tắm cho lợn thôi.

- Tu chí vậy thì tốt, chứ ăn không ngồi rồi lại đái tật.

- Thế bao giờ mẹ về?

- Tết! – Mẹ buông một tiếng cụt lủn rồi tắt máy.

Nhưng hết cái Tết này lại đến cái Tết khác mà mẹ vẫn chưa về. Bao nhiêu sự kiện trọng đại diễn ra với hai chị em tôi, mẹ đều không tham dự.

Tôi đỗ đại học, ngày nhập trường, thui thủi một mình với lỉnh kỉnh ba-lô, túi xách. Chỉ có cu Thạo tiễn ra bến xe, dặn dò: “Chị giữ gìn sức khỏe! Nhớ về chơi với em nhé!”. Tôi gật đầu, vội quay đi, giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học, mình tôi trơ trọi giữa đám đông. Bố bận chăm đàn lợn đang bị ốm. Cu Thạo đòi lên thành phố nhưng tôi không cho đi.

Ngày tôi đi lấy chồng, mẹ không về. Mẹ cho tôi bao nhiêu là của hồi môn, toàn vàng là vàng. Tôi đeo nặng trĩu cả cổ, cả tay, cả tai, chỉ muốn tháo ra luôn cho nhẹ người. Bố tiễn con gái về nhà chồng ngay làng bên mà cứ sụt sà sụt sịt.

Tôi sinh con đầu lòng cũng không có mẹ ở bên. Mẹ chồng thì mắt mờ, chân yếu, thành ra hai vợ chồng phải tự xoay xở. Biết tin, mẹ bảo tặng cháu một chỉ vàng. Hình như trong đầu mẹ chỉ có vàng thôi thì phải.

Dạo này bà ngoại tôi ốm nặng, nằm liệt một chỗ. Đưa bà đi viện thì bác sĩ kết luận: “Bệnh già”. Các cậu đành đưa ngoại về nhà chăm sóc. Ngoại bị lẫn, không còn tự chủ được trong chuyện vệ sinh. Nhiều khi bị con cháu đóng bỉm, ngoại tự tay dứt ra, vứt đi. Nước tiểu lênh láng cả giường, khai mù. Cậu cả bèn khoét một cái lỗ giữa giường, dưới gầm giường đặt cái chậu to tướng để ngoại tiện vệ sinh. Chỉ dì út và tôi là chịu khó tắm rửa, giặt giũ cho ngoại.

Có hôm mợ cả cho ngoại ăn rồi, ngoại vẫn lầm rầm chửi bảo là “đồ ăn tham, chưa cho tao ăn”. Bác sĩ bảo ngoại phải cai ăn trầu. Mợ cả không cho ngoại ăn, ngoại chửi um cả lên. Mợ hai ở xa thi thoảng đảo qua, hỏi thăm ngoại vài câu là biến mất. Vì lần nào vào bên ngoại, mợ hai cũng đeo khẩu trang nên ngoại tức, ngoại đuổi. Nếu không đeo khẩu trang thì mợ hai nôn mửa ầm ầm. Mợ cả tị nạnh ra mồm: “Đúng là xa thơm, còn ở gần thì bao nhiêu cái thối hưởng hết mà vẫn bị chửi”. Tôi nghe vậy, chạnh lòng nghĩ đến mẹ. Gọi điện thông báo cho mẹ biết thì mẹ lặng đi, mãi mới đáp lại: “Mẹ sẽ sắp xếp rồi về hẳn. Chắc là nhanh thôi”.

Cậu cả tổ chức họp gia đình vì ngoại bất động nửa năm rồi. Ai cũng viện lý do này, lý do nọ thì phải phân công, chia đều. Mẹ tôi là con gái lớn của ngoại, sau nữa là hai cậu và dì út. Bốn người, mỗi người một tuần, thay phiên nhau túc trực bên ngoại, phải lo từ A đến Z. Mọi người vui vẻ thống nhất như thế. Mợ hai không làm được nên mợ thuê người.

Đến phiên mẹ tôi, tôi làm ban ngày, bố tôi làm ban đêm. Tôi bón từng thìa nước cháo cho ngoại. Ngoại lẫn lắm rồi. Ngoại cứ tưởng tôi chính là mẹ tôi. Ban đêm, bố tôi kê giường gấp ngủ bên cạnh ngoại, lắng nghe từng hơi thở phập phồng để biết rằng ngoại vẫn còn đó. Ngoại yếu đi từng ngày. Như cái cây bị vắt kiệt sự sống. Ngoại cấm khẩu, không nhận ra ai nữa. Tôi gọi điện cho mẹ, hốt hoảng: “Mẹ về nhanh lên!”.

- Ừ! Mẹ … về ngay! – Giọng mẹ nghẹn lại.

Nhưng mẹ đã không về kịp.

Bây giờ, mẹ phủ phục bên quan tài, vật vã. Mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi một bên, Thạo một bên. Hai chị em xốc nách mẹ đứng dậy đáp lễ. Sau ngần ấy năm đi xa, mẹ trở về với hai bàn tay chai sần, thô ráp và những vết nhăn nhiều hơn trên gương mặt. Sau ngần ấy năm ở nhà chờ đợi, bố đã trở thành một người đàn ông chỉn chu. Những chỉ vàng của mẹ vẫn nằm yên trong ngăn tủ. Nhưng ngoại thì không còn nữa…

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/me-post462079.html