Mẹ chồng cấm con dâu dùng giảm đau khi đẻ vì sợ... ảnh hưởng đến cháu
Phụ nữ đau đẻ được ví như gãy 20 cái xương sườn cùng lúc, do đó nhiều người đã chọn các biện pháp giảm đau để cuộc vượt cạn được nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ. Vậy thực hư thế nào?
Sinh con là phút giây thiêng liêng mà biết bao người phụ nữ mong được trải nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương gặp không ít tình huống “dở khóc, dở cười” của sản phụ đi đẻ.
Bác sĩ Thành kể lại về trường hợp mẹ chồng đưa con dâu đi đẻ. Đáng nói, cho dù cô con dâu đau đẻ dữ dội, gào khóc nhưng mẹ chồng nhất quyết không cho con dâu dùng biện pháp giảm đau, bắt sinh tự nhiên vì sợ ảnh hưởng đến đứa cháu.
“Thậm chí, bà còn mắng con dâu rằng phải biết chịu đau một chút, hy sinh một chút để không ảnh hưởng đến cháu của bà. Bà cho rằng ngày xưa bà cũng đau đẻ suốt có bị làm sao đâu mà bây giờ cứ phải đòi làm giảm đau trong đẻ”, vị bác sĩ nhớ lại.
Sau đó, bác sĩ Thành đã phải động viên sản phụ và mời cả mẹ chồng vào phòng để giải thích.
“Việc giảm đau khi sinh sẽ giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, đỡ đau và mau hồi phục. Khi ấy, hệ thống cơ sàn chậu mềm, thư giãn hơn, từ đó cuộc đỡ đẻ thuận lợi, cháu bé cũng đỡ bị co bóp, chèn ép, dẫn đến thai nhi khi đẻ ra khỏe mạnh, ít bị suy thai.
Gia đình yên tâm rằng, dùng thuốc giảm đau khi đẻ không gây hại cho cả mẹ lẫn con. Đây không phải là câu chuyện mẹ phải cố gắng hy sinh vì con để không chịu làm giảm đau trong đẻ.
Thực tế, ở tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có 10 sản phụ thì các bác sĩ cũng động viên 8 - 9 trường hợp dùng giảm đau trong đẻ để cuộc chuyển dạ diễn ra thuận lợi, mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Thành kể lại.
Sau một hồi được bác sĩ Thành phân tích và động viên, cuối cùng bà mẹ chồng cũng đồng ý cho con dâu dùng giảm đau và cuộc “vượt cạn” của sản phụ đã thành công dưới sự vỡ òa hạnh phúc của gia đình.
Theo bác sĩ Thành, xưa kia, phụ nữ sinh con mà không cần thuốc giảm đau hay thuốc làm tăng tốc độ chuyển dạ. Nhưng ngày nay, nhiều loại thuốc và công cụ được sử dụng để theo dõi những gì đang xảy ra với cả mẹ và con. Điều này cho phép bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc một cách an toàn.
“Những cơn đau xảy ra trong lúc chuyển dạ sẽ khiến mẹ bầu đau đớn, vật vã, thậm chí là gào thét, khóc lóc… nên rất dễ dẫn đến kiệt sức. Mức độ đau sẽ tăng dần từ lúc mẹ bầu bắt đầu có những cơn đau báo hiệu chuyển dạ cho đến lúc sinh.
Việc áp dụng biện pháp giảm đau khi sinh không chỉ làm cho mẹ bầu giảm cảm giác đau khi chuyển dạ mà còn giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.