Mẹ chồng và con dâu út
Chị là con dâu út. Có lẽ vì vậy, việc nặng nhọc đều đến tay chị. Tuy nhiên, khi mẹ chồng nói: 'Họ là khách, con là chủ nhà', lúc đó chị mới vỡ lẽ ra nhiều điều.
Trong nhà, chị là dâu út. Ngoài xã hội, chị cũng dường như cũng “thấp kém” hơn mấy người chị kia, vì chỉ là một nhân viên bình thường, trong khi các chị đều là người có địa vị xã hội, người kinh doanh thành đạt.
Về Tết, nhà chị thường đi tàu hay xe khách; còn gia đình các chị có xe hơi riêng. Thậm chí, có nhà đi máy bay về; ra Tết cho lái xe đi một mình ra tận quê đón. Tuy nhiên, chị không nghĩ ngợi gì nhiều chuyện sang hèn gì cả, chỉ ngán ngẩm mỗi việc bị coi là thân phận nhỏ bé nhất nhà nên bị dồn việc đến tối tăm mặt mũi.
Chị ngạc nhiên khi mỗi lần tiệc tùng xong, các chị ruột, chị dâu của chồng đều ngồi uống nước, tán chuyện rôm rả, còn chị lúi húi rửa bát, dọn dẹp. Một chị trong nhóm định rời bàn giúp chị liền bị ngăn: “Có em dâu út làm rồi. Ngồi chơi đi”.
Chồng chị có vẻ ái ngại ngồi xuống giúp chị rửa bát, mặc cho mấy chị ruột, chị dâu bảo đứng dậy. Chị vừa rửa bát, vừa thầm thì với anh: “Kiểu này lần sau em và các con không về quê nội đâu. Em về quê ăn Tết chứ có đi làm thuê đâu. Mấy năm rồi, lần nào cũng tình trạng này”.
Anh lúc đó cười gượng: “Quê mình vậy đó em. Chịu khó đi, Tết cũng chỉ có vài bữa tiệc thôi”. Anh còn nói thêm, vì anh là phận em út trong nhà, lại là cháu chít trong họ nên ngồi đâu, anh cũng thuộc phận hầu rượu. Ngày nay, xã hội đã tiến bộ nhiều nhưng trật tự trong gia đình không thay đổi. Anh động viên: “Em chịu khó đi, chuyện rửa bát, lau dọn nhà cửa có anh phụ giúp. Ở quê được cái là đàn ông nấu ăn, thậm chí rửa bát, không còn xa lạ nữa, mà còn được khuyến khích”.
Chị cũng biết, các chị dâu về quê “ra oai" vậy thôi, chứ thực ra họ cũng làm ăn vất vả, thu nhập cao nhưng nợ nần cũng nhiều. Các chị về quê cũng cố tìm cho chị nhưng món quà đẹp, nhất là váy áo, mỹ phẩm.
Ngày Tết trôi qua nhanh. Gia đình mấy chị dâu thì chỉ về quê nội một ngày rồi lên đường về nhà của mỗi người hoặc du lịch xa, tiếp tục chơi Tết.
Tối đến, sau khi cả nhà quây quần trò chuyện, chị vào xoa bóp lưng cho mẹ chồng. Bà tâm sự: “Con ạ! Các chị chỉ là khách thôi. Con và gia đình con là chủ nhà này. Ai cũng biết vậy! Thôi thì mình làm chủ phải cực nhọc hơn khách vậy”.
Bà phân tích, sau này chị thay bà làm chủ nhà này; các chị khác đều đã được chia tài sản từ lâu và họ không ở quê nên gia đình chị phải tiếp quản cơ ngơi để tiếp tục lo cho ông bà tổ tiên phần hương khói. Đó là chuyện hợp tình, hợp cảnh. Có lẽ vì vậy, các chị chồng, lẫn chị dâu coi như mình là khách ghé qua nhà mà thôi.
Bà nói thêm: “Mẹ đã bảo mấy đứa chị rồi, về nhà thì phải giúp đứa út việc nhà, không ai là người hầu của ai được. Năm sau, mẹ cấm tiệt các chị ngồi chơi, chỉ có con là phải dọn rửa”.
Đêm về khuya, chuẩn bị mâm cỗ giao thừa xong, chị đang ngồi một mình thì mẹ chồng đến gặp. Bà nói: “Năm nay mẹ không có quà gì cho con dâu út của mẹ cả. Mẹ chỉ có cái vòng bạc hồi nhỏ mẹ của mẹ cho, nay mẹ trao lại cho con”. Nói rồi, bà lần giở cái bọc khăn đỏ ra, trong đó có cái vòng bạc nhỏ nhắn. Bà lấy cái vòng đeo cho chị. Lúc này, chị bỗng ứa nước mắt. Chị hiểu, bà muốn trao lại cho chị vật gia truyền quý báu, còn hơn cả tiền bạc.
Chị muốn nói với mẹ: “Con chỉ nghĩ chuyện trước mắt vất vả mấy bữa thôi. Nay con hiểu những gì mẹ đã gửi gắm cho con rồi mẹ ạ!”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/me-chong-va-con-dau-ut.html