'Mẹ đẻ' vắc-xin AstraZeneca phản đối ý tưởng tiêm mũi thứ ba
Các loại vắc-xin COVID-19 vẫn còn hiệu quả cao 1 năm sau khi tiêm mũi thứ hai, vì vậy tiêm mũi thứ ba là không cần thiết, GS Dame Sarah Gilbert, 'mẹ đẻ' của vắc-xin AstraZeneca nói với BBC.
Ủy ban về vắc-xin và tiêm chủng của Anh chuẩn bị đưa ra quyết định việc có triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ ba trong mùa thu này hay không.
GS Gilbert nói rằng tiêm mũi thứ ba cho hàng triệu người là “quyết định phức tạp”.
Ủy ban vắc-xin và tiêm chủng (JCVI) nói rằng nên tiêm mũi thứ ba cho những người có hệ miễn dịch yếu, với khoảng nửa triệu người ở Anh.
Nhưng ủy ban này chưa quyết định có nên tiêm mũi thứ ba cho đông đảo người dân hay không, trong đó có những người thường phải tiêm vắc-xin cúm.
GS Gilbert, người bắt đầu điều chế vắc-xin AstraZeneca của ĐH Oxford từ đầu năm 2020, khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy hiệu quả của vắc-xin suy giảm trong các thử nghiệm được tiến hành từ tháng 4/2020.
Mẫu máu từ các tình nguyện viên đã tiêm cách đây hơn 1 năm cho thấy họ vẫn được bảo vệ tốt.
“Mũi đầu tiên có tác dụng mạnh nhất, dù tiêm cho bất kỳ ai”, bà nói.
“Chúng ta được bảo vệ tốt sau mũi đầu tiên, sau đó được tăng cường bằng mũi thứ hai và chúng tôi cho rằng tác dụng đó sẽ được duy trì hoặc chỉ tăng thêm chút ít nếu tiêm mũi thứ ba. Chúng tôi nghĩ các loại vắc-xin khác cũng duy trì được mức độ miễn dịch”, GS Gilbert khẳng định. Bà cũng kêu gọi phải cấp thêm cho các loại vắc-xin khác để tăng nguồn cung.
Bà cho rằng thế giới cần thêm vắc-xin nên phải tăng nguồn cung, để không phải lựa chọn tiêm cho nước này hay nước kia. Bà cũng nhấn mạnh rằng nhiều nước châu Phi mới tiêm được cho 2% dân số.
Ngày 9/9, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết đang chờ ý kiến của Ủy ban, nhưng tin rằng chương trình tiêm mũi thứ ba sẽ bắt đầu từ cuối tháng này.
Hồi tháng 7, Ủy ban gợi ý rằng có hơn 30 triệu người nên tiêm mũi thứ ba, trong đó có những người trên 50 tuổi.