Mẹ đơn thân 1 mình chống chọi với ung thư: Ám ảnh 2 ca mổ vét khối u vị trí khó
Mắc ung thư phổi ở tuổi 40, bà mẹ 2 con kiên cường chiến đấu một mình trong bệnh viện và thay đổi lối sống từ cách ăn uống, sinh hoạt… và điều bất ngờ đã xảy ra.
Mỗi ngày, chị Nguyễn Thu Hà (40 tuổi, Hà Nội) bắt đầu một ngày mới từ 5h sáng, tập thể dục, chuẩn bị bữa sáng cho gia đình, sau đó đi làm. Chị khoe: "Cả ngày cứ quanh đi quẩn lại từng ấy việc, ấy thế mà hết ngày. Nhưng bản thân thấy vui và an yên lắm".
Để có được tư duy và lối sống tích cực như hiện tại, chị Hà đã trải qua cú sốc khá lớn trong cuộc đời. Làm mẹ đơn thân 2 con, người phụ nữ ấy vô cùng mạnh mẽ và can trường khi trải qua từng ấy chuyện.
Chị kể, năm 2019 trong lần kiểm tra sức khỏe thường niên của cơ quan, sau khi chụp Xquang, bác sĩ nói: "Phổi chị có vấn đề nghi là lao, đề nghị vào viện khám". Chị Hà liền vào viện khám tổng thể nhưng không có kết quả, chị được chỉ định theo dõi định kỳ 2 - 3 tháng 1 lần.
Đến tháng 9/2021, khi Hà Nội hết đợt giãn cách xã hội do dịch COVID, chị Hà tiếp tục đi kiểm tra lại. Khi ấy, chị được phát hiện khối tổn thương đã bị hoại tử, dính vào thành lồng ngực. Bác sĩ chỉ định nhập viện chờ mổ, kiểm tra các xét nghiệm đều âm tính. Đến khi sinh thiết xuyên thành tế bào mới ra Ung thư phổi giai đoạn 1B.
"Khi nghe bác sĩ báo tin, tôi rất ngỡ ngàng tưởng mình nghe nhầm. Cảm giác lúc đó như rơi tự do vậy, không biết phải làm thế nào, không có người thân bên cạnh. May sao có người nhà của bệnh nhân cùng phòng sang vỗ vai động viên cố gắng chữa trị.
Tôi nằm đó, nước mắt lã chã rơi mà cắn môi không dám khóc thành tiếng. Mất khoảng nửa tiếng sau tôi mới bắt đầu nhắn tin và gọi về nhà cho gia đình, người thân, xác định tinh thần chiến đấu, chấp nhận mọi sự xảy ra dù có thế nào", người phụ nữ mạnh mẽ ấy cuối cùng cũng chấp nhận mọi chuyện.
Sau khi nhận được thông tin, người nhà chị Hà thậm chí còn sốc và hoang mang hơn chị. Họ thương người phụ nữ gánh trên vai biết bao vất vả cho gia đình giờ lại đang lâm trọng bệnh và đang phải chiến đấu một mình tại bệnh viện.
Chính vì thế, chị Hà lại càng phải vững vàng hơn để người thân trong gia đình được yên tâm.
Ám ảnh những ngày trong viện
Cuộc chiến thế là bắt đầu! Bác sĩ chỉ định nhanh chóng chụp Pet CT (Máy ghi hình chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư – PV) để xem ung thư đã di căn vào đâu chưa trước khi phẫu thuật.
Chụp Pet CT thì phát hiện có 2 hạch nhỏ nhưng lại ở vị trí khó: 1 đè lên tĩnh mạch chủ và 1 nằm giữa động mạch chủ và ống cuống phổi. Bác sĩ chỉ định mổ phanh và phải có 2 ca mổ. Nhưng sợ đau, phần vì nghĩ mổ phanh lâu khỏi, chị xin bác sĩ cho mổ nội soi để nhanh hồi phục và ký cam kết chịu trách nhiệm.
Thế là, hai ca mổ của chị được tiến hành đồng thời: mổ bên trái vét hạch đi sinh thiết nhanh, âm tính mới quay ra mổ bên phải cắt phần phổi hoại tử. Sau tổng 5 tiếng thì 2 ca mổ đã thành công, chị được đưa về phòng cấp cứu.
Sau mổ, tưởng mọi chuyện sẽ ổn vì chỉ vài tiếng sau chị ăn được cháo và uống được sữa. "Thế nhưng đến đêm, tôi bắt đầu khó thở, không chịu được tôi phải gọi bác sĩ cho thở oxy và 5h sáng tôi được chuyển xuống phòng hậu phẫu vì suy hô hấp, chân tay như không còn cảm giác gì nữa.
Xuống đó 5 ngày thì 2 ngày đầu tôi ngủ mê mệt, không biết gì, mọi chức năng đều có máy móc với xông truyền; đến ngày thứ 3 tôi mới bắt đầu tỉnh và quan sát xung quanh. Khi ấy mới cố gọi về nhà, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm vì tôi đã tỉnh lại.
Một mình 1 phòng, không người thân xung quanh, chỉ có máy móc các loại, 1 ngày xông khí dung 8 lần mỗi lần 4 loại thuốc, thực sự khiến bản thân thấy hoảng loạn mỗi khi tỉnh dậy, cứ 5h sáng là phải lấy máu ở động mạch đi xét nghiệm. Có lúc bác sĩ phải thao tác vài lần mới lấy được máu", chị Hà rùng mình nhớ lại.
Sau đó, vì không thể tự hoạt động, sinh hoạt cá nhân, chị phải cần người hỗ trợ. Nhưng từ lúc mổ xong thì chị nói rất yếu, không phải ai cũng nghe được.
Tiếng các loại máy xung quanh kêu tít tít cả ngày đêm và cứ cử động hay tim đập nhanh là máy báo liền, hộ lý lại chạy vào ngay... những ám ảnh đó đã giúp chị cố gắng bình phục thật nhanh, để không phải dùng đến những máy móc đó nữa. Chị tập từng thứ, tập nuốt nước, rồi ăn cháo nhuyễn và xin bác sĩ bỏ ống xông thực quản.
Cứ như vậy, sức khỏe chị dần ổn định hơn, huyết áp cao nhiều ngày cuối cùng cũng hạ từ 180 xuống 150 -160. Đến ngày thứ 4 thì rút được máy thở, ngày thứ 5 bác sĩ cho về khoa cũ theo dõi.
Những ngày sau, chị được người nhà vào chăm một hôm rồi họ lại về, còn lại chị tự tập đi lại, ăn uống. Chị bị thêm hiện tượng trào ngược dạ dày, rồi bác sĩ cho thuốc, cho tập thở. Thêm 1 tuần sau đó chị mới được xuất viện.
Thay đổi lối sống và cái kết bất ngờ
Về nhà, chị Hà được mọi người chia sẻ về về chế độ ăn uống "xanh" để giúp cơ thể bình phục nhanh hơn. Sức khỏe của chị sau đó cải thiện mỗi ngày; huyết áp, mạch đều hạ xuống mức tiêu chuẩn; tình trạng trào ngược dạ dày giảm hẳn và sau đợt hóa trị thứ 2 thì chị không phải dùng thuốc điều trị trào ngược nữa.
Chị Hà ưu tiên dùng thực phẩm là thực vật hơn là các loại thịt động vật. Chị cũng điều chỉnh nếp sinh hoạt khoa học và hợp lý hơn với tình trạng sức khỏe của mình.
Trải qua đợt hóa trị vào tháng 10/2021 và hoàn thành 4 chu kỳ hóa chất, hiện tại chị Hà không phải điều trị hay uống thêm thuốc gì nữa, trừ một số loại vitamin được bác sĩ kê bổ sung theo đợt.
"Kể từ khi bị bệnh, tôi mới càng thấm thía sự quan trọng của việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, sinh hoạt lành mạnh. Tôi ăn nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày. Tôi bổ sung nhiều hơn đạm từ thực vật thay vì từ động vật như trước.
Về mặt tinh thần, tôi luôn lạc quan, tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ, đồng thời tự tìm hiểu những cách chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của bản thân để áp dụng. Tôi sống an yên, không sân si, không lo nghĩ quá nhiều đến bệnh tật. Bao nhiêu sự mệt mỏi, khó chịu sau ca mổ hay sau các đợt hóa trị tôi đều dễ dàng vượt qua hơn và thấy tinh thần phấn chấn hơn nhiều lắm", chị Hà chia sẻ.