Mê hoặc với vẻ đẹp kiến trúc cung đình Nguyễn tại xứ Sen Hồng
Tọa lạc tại Đồng Tháp, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam (Nam Phương Linh Từ) như một ốc đảo xanh giữa miền Tây sông nước. Với kiến trúc cung đình nguy nga và không gian làng quê yên bình, nơi đây là điểm đến lý tưởng để du khách khám phá lịch sử, văn hóa và tận hưởng những giây phút thư giãn.
Kiến trúc mang đậm dấu ấn cung đình nằm giữa thủ phủ Đất Sen Hồng
Khu du lịch đi vào hoạt động từ năm 2017 và đến nay vẫn không ngừng thu hút du khách. Với tổng diện tích 17ha, toàn bộ khuôn viên được quy hoạch thành 5 hạng mục chính bao gồm: Nam Phương linh từ với kiến trúc độc đáo, Bảo tàng Đặng tộc lưu giữ những hiện vật quý giá, Bảo tàng Nam Bộ tái hiện cuộc sống miền Nam xưa, Đặng tộc Nam Phương linh từ mang đậm dấu ấn gia tộc và dãy trường lang tượng trưng cho ngũ hành, tạo nên một không gian linh thiêng và hài hòa.
Khu du lịch Phương Nam với những mái ngói cong cong chạm khắc tinh xảo, mang đậm phong cách kiến trúc cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Không gian xanh mát với ao nước trong veo, sen hồng nở rộ cùng bức tranh làng quê Nam Bộ xưa tái hiện sinh động đã tạo nên một không gian yên bình và thơ mộng.
Du khách còn có cơ hội tham quan các công trình kiến trúc cổ kính, mang đậm dấu ấn thời gian, nơi tưởng nhớ những nhân vật lịch sử có công khai phá vùng đất phương Nam.
Đền Thờ Nam Phương Linh Từ là công trình nổi bật nhất tại Khu du lịch Văn hóa Phương Nam Đồng Tháp. Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ với kiến trúc nhà rường Huế đặc trưng, ngôi đền mang dáng dấp của một cung đình thu nhỏ, vừa cổ kính lại vừa tráng lệ.
Với diện tích 509 m2, ngôi đền có 7 gian, 2 chái và 3 lòng. Hệ thống cột gỗ với đường kính từ 0,45m trở lên, cùng mái hạ và hàng hiên bao quanh tạo nên một kiến trúc đồ sộ và uy nghiêm. Hệ thống cửa, bao lam, phù điêu được chạm khắc tinh xảo trên gỗ quý, thể hiện sự tài hoa của người nghệ nhân.
Ngoài Nam Phương Linh Từ, quần thể công trình còn bao gồm Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc và Bảo tàng Nam Bộ. Bao quanh khu vực này là dãy trường lang dài 675m với 240 cây cột gỗ, tượng trưng cho ngũ hành.
Không chỉ có Đền thờ Nam Phương Linh Từ, quần thể kiến trúc còn bao gồm Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc và Bảo tàng Nam Bộ, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng.
Dãy trường lang uốn lượn dài 675m với 240 cây cột gỗ, cùng với 4 hồ nước trong veo và những loài hoa kiểng rực rỡ đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Việt Nam.
Đặc biệt, 63 chậu mai vàng tượng trưng cho 63 tỉnh thành và 54 loài hoa kiểng đại diện cho 54 dân tộc anh em đã khẳng định giá trị văn hóa đa dạng và thống nhất của đất nước.
Đặng tộc Nam Phương Linh Từ, với diện tích 644m2, là một công trình kiến trúc đồ sộ. Ngôi đền có 7 gian, 2 chái, 5 lòng, 80 cột gỗ và được bao quanh bởi mái hạ và hàng hiên. Với kiến trúc uy nghiêm và tráng lệ, nơi đây là nơi thờ phụng những bậc tiền hiền, hậu hiền của họ Đặng, thể hiện lòng thành kính của con cháu.
Trong khuôn viên khu du lịch, Bảo tàng Đặng Tộc như một cuốn sách sống, lưu giữ và trưng bày những hiện vật quý giá, kể về lịch sử và truyền thống của dòng họ. Những kỷ vật, hình ảnh và tư liệu được bảo quản tại đây như những minh chứng sinh động về sự phát triển và đóng góp của họ Đặng cho vùng đất phương Nam.
Nhà bảo tàng Nam Bộ, làng quê Nam bộ còn là hình ảnh thu nhỏ của một quần thể dân cư theo tiến trình lịch sử hình thành và phát triển trên vùng đất phương Nam thanh bình và trù phú từ nhà cột đến nhà ngói, nhà sàn, đình làng.
Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử
Hiện tại, Nam Phương Linh Từ nắm giữ hai kỷ lục Việt Nam về các hạng mục Đền thờ đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công khai mở đất phương Nam.
Đền thờ Nam Phương Linh Từ có 21 tượng đồng của các vị có công thời khai mở và linh vị của 125 nhân vật có công khai phá, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất Nam bộ, trong đó có các nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Ánh – Gia Long, Nguyễn Huệ – Quang Trung, Nguyễn Văn Nhơn, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu, Phạm Công Tắc, Huỳnh Phú Sổ,…
Đặng tộc Nam phương Linh từ: Nơi phụng thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền tộc Đặng như: Công bộ Thị lang Đặng Nghiêm, Quốc công Đặng Tất, Tể tướng Đặng Dung và cụ tổ Đặng tộc Long Hưng là Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm…
Tính chân thực và khách quan của lịch sử trong việc lựa chọn các nhân vật được sự cố vấn của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; dưới sự chủ trì của nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay (Cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), Ban Cố vấn dự án gồm các nhà khoa học và nghiên cứu về khoa học lịch sử uy tín, qua nhiều lần hội thảo, tọa đàm, phản biện.
Bảo tàng Đặng tộc, nơi gìn giữ, trưng bày di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của họ Đặng Việt Nam. Đặc biệt, tại Khu Du lịch làng quê Nam bộ được tái hiện cô đọng cách thức sản xuất, sinh hoạt, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của cha ông lúc mới đến đây khẩn hoang, lập ấp.
Bảo tàng Nam Phương, còn được biết đến với tên gọi Nhà trưng bày Đất Phương Nam, là kho tàng lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của vùng đất Nam Bộ.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật độc đáo, từ nông cụ cổ xưa, hồ sơ về quá trình khai hoang Lấp Vò, đến bộ sưu tập tem quý hiếm và những thông tin sinh động về 54 dân tộc anh em.
Đặc biệt, những hiện vật được trục vớt từ các tàu buôn cổ, như một cánh cửa đưa du khách trở về với quá khứ hào hùng của thương cảng Sài Gòn. Với những giá trị lịch sử sâu sắc và cách trưng bày sinh động, Bảo tàng Nam Phương chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử.
Ngoài ra, tại nơi đây còn có gian trưng bày mô phỏng lại sự tích Trầu Cau với hình ảnh các bình vôi xa xưa từ thời Nhà Lý (thế kỷ XI) đến thời kỳ gần đây dùng để ăn trầu.
Đây là nơi giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ, là nơi thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt ta.
Điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch mỗi dịp lễ
Không chỉ là nơi tôn vinh những anh hùng lịch sử, khu du lịch này còn là thiên đường sống ảo cho giới trẻ. Với ao sen rộng lớn, rực rỡ sắc hồng, cùng hương thơm dịu nhẹ, bạn sẽ có những bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp.
Đặc biệt, vào mùa sen nở, khung cảnh nơi đây càng trở nên lãng mạn và thơ mộng. Ngoài ra, khu du lịch còn sở hữu những góc check-in độc đáo như cầu tre bắc ngang ao sen, con đường lát đầy nón lá, hay cổng trời Bali đầy màu sắc. Chắc chắn, bạn sẽ có một album ảnh "sống ảo" cực chất khi đến đây.
Đặc biệt, tại khu du lịch Phương Nam còn có rất nhiều trò chơi dân gian cho du khách tha hồ trải nghiệm. Hay du khách có thể ăn uống tại các căn nhà lá trên hồ sen có nhiều tiểu cảnh đẹp để cùng gia đình ăn uống hay nhâm nhi vài ly bia, rượu thật là ấm lòng cho chuyến du lịch tại Khu du lịch văn hóa Phương Nam.
Nếu bạn có dịp ghé thăm nơi đây vào mùa lễ hội thì tại đây tổ chức nhiều lễ hội theo nghi thức truyền thống vào mùng 8 – 9 tháng 3 âm lịch. Trong đó, mùng 8/3 là giỗ hội các nhân vật lịch sử; mùng 9/3 giỗ tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm. Có mặt tại Khu du lịch vào khoảng thời gian này bạn sẽ có cơ hội quan sát các nghi thức tổ chức lễ hội và hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Khu du lịch văn hóa Phương Nam còn là nơi đạt nhiều kỷ lục quốc gia như: Con đường nón lá rộng 08m, cao 07m, dài 400m, treo 7.200 chiếc nón lá, tạo ra cảnh đẹp ngút ngàn, đong đưa, sinh động, đẹp mắt; Đòn bánh tét lớn có quy cách: dài 06m, đường kính 2m, chu vi 6m, chứa 2.022 đòn bánh tét nhỏ, được mở ra tặng cho bà con du khách tham quan Tết Nhâm Dần 2022…
Tết năm 2023, Khu du lịch văn hóa Phương Nam trang trí trên 13.000 chậu vạn thọ, 2.000 chậu hoa xác pháo, 2.000 chậu mào gà, 2.000 chậu hoa hồng ri, 1.000 chậu hoa cúc nhám, 2.000 chậu sao nhái màu và các loại hoa khác trên 3.000 chậu và tiếp tục mở đòn bánh tét lớn với 2.023 đòn bánh tét nhỏ tặng khách tham quan.
Chỉ trong dịp Tết, Khu du lịch văn hóa Phương Nam đã đón gần 50.000 lượt khách tham quan du lịch.
Khi đến khu du lịch Văn hóa Phương Nam để giúp các thế hệ sau hiểu sâu hơn về đời sống thường nhật và thói quen sinh hoạt của người dân Nam bộ thì vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần Khu du lịch Văn hóa Phương Nam sẽ diễn ra rất nhiều các hoạt động trong đó có hoạt động tái hiện lại quy trình trồng lúa nước.
Du khách được chứng kiến hoặc có thể tham gia các hoạt động ra đồng, xuống ruộng tham gia cày bừa, tát nước, gieo cấy, chăm sóc, gặt, đập, xay lúa, giã gạo,...và chế biến những sản phẩm từ gạo để có thể nuôi sống chúng ta.
Đây là một trải nghiệm khá thú vị, độc đáo, du khách cũng có dịp được thưởng thức 20 loại bánh dân gian khác nhau như bánh khọt, bánh xèo, bánh ích,...và các trò chơi dân dã như bắt vịt, đua xuồng,đi cầu khỉ,.. đã gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ.