Mẹ liệt sĩ 106 tuổi vượt qua 2 ca phẫu thuật thay khớp háng, đã đi lại được
Sau 2 lần phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mẹ liệt sĩ Vũ Thị Sâu (106 tuổi, ở Tuyên Quang) - một trong những bệnh nhân cao tuổi nhất ở bệnh viện, đã hồi phục, đi lại bình thường trong niềm hạnh phúc của mọi người.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khám lại cho cụ Sâu.
Bệnh nhân trên 100 tuổi và 2 ca mổ liên tiếp
Trao đổi với VietTimes sáng nay (22/4), PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (BV Việt Đức), Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam cho biết khoảng một năm trước, cụ Sâu bị ngã gãy xương đùi bên phải và gia đình đưa cụ vào viện. Là chuyên gia hàng đầu, PGS.TS Khánh đã trực tiếp khám cho cụ và chỉ định phẫu thuật thay khớp háng. Những điều kiện tốt nhất cho ca mổ của bà mẹ liệt sĩ đã được BV quan tâm.
Ít lâu sau, cụ Sâu lại bị ngã chấn thương xương đùi bên trái, lại phải thay khớp háng. Một người đã bước qua tuổi 100 phải 2 lần liên tiếp chịu hai ca phẫu thuật thay khớp háng, là một hành trình rất khó khăn.
“Đây là trường hợp đặc biệt, rất ít người trên 100 tuổi có thể chịu được hai cuộc đại phẫu trong thời gian ngắn như vậy. Vì thế, chúng tôi đã tập trung tối đa việc chăm sóc về mọi mặt, đảm bảo sức khỏe cho cụ trước khi mổ” – PGS Khánh chia sẻ.
Với sự phối hợp giữa các ekip phẫu thuật và gây mê - hồi sức, dinh dưỡng và phục hồi chức năng, sau ca mổ thay khớp háng thứ 2, bà cụ hồi phục tốt, đi lại nhẹ nhàng, đặc biệt là sinh hoạt cá nhân không cần trợ giúp là rất hiếm gặp.
Cuối tuần qua, trong chuyến công tác tại Tuyên Quang, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đã đến thăm cụ Sâu và khám lại cho cụ. Rất mừng là kết quả chụp X-quang cho thấy khớp háng hai bên vững, không biến chứng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, cụ bị loãng xương, nên cần được bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và duy trì vận động phù hợp để hạn chế nguy cơ gãy xương tái phát và bảo vệ hệ xương lâu dài.

Mẹ Sâu sau ca phẫu thuật thay khớp háng lần 2.
Cụ Vũ Thị Sâu có 7 người con, trong đó một con trai hy sinh năm 1975 – ngay trước thềm đất nước thống nhất. Cụ ông mất từ năm 1969, một mình cụ tần tảo nuôi các con khôn lớn. Ở tuổi 106, cụ Sâu vẫn minh mẫn và vui tính. Hiện cụ có 20 người cháu, 4 chắt, gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Trong niềm vui đó, có phần đóng góp của các thầy thuốc BV Việt Đức.
“Sức khỏe cụ đã ổn định, không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là hạnh phúc của chúng tôi. Vì đó là kết quả của bước tiến lớn trong y học dành cho người cao tuổi và ẩn chứa sự tri ân sâu sắc của những người thầy thuốc với mẹ liệt sĩ, nhất là trong dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất, với niềm biết ơn những người lính đã ngã xuống cho độc lập dân tộc” - PGS Khánh tâm sự.
5.000 ca thay khớp háng cho người cao tuổi
Cụ Sâu là một trong 5.000 ca phẫu thuật thay khớp háng thành công cho người cao tuổi ở BV Việt Đức những năm qua.
Tuần trước, các bác sĩ cũng cấp cứu cụ ông 95 tuổi bị ngã gãy cổ xương đùi, phải thay khớp háng. Các bác sĩ liên chuyên khoa: chấn thương chỉnh hình, gây mê, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh... đã phối hợp chặt chẽ để ca mổ thành công.
Chỉ hai ngày sau mổ, cụ ông đã ngồi dậy, ăn uống bình thường và được tập phục hồi chức năng, đi lại với khung trợ đỡ chỉ sau vài ngày.

Đã có 5.000 ca mổ thay khớp háng, trong đó, nhiều cụ 80-100 tuổi.
Theo PGS Khánh, BV Việt Đức là đơn vị chuyên sâu trong điều trị các chấn thương gãy xương đùi, đặc biệt là gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi, hiện mỗi tuần nơi đây tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân phải thay khớp háng, trong đó, rất nhiều cụ 80 - 100 tuổi.
Hơn 20 năm qua, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng các cộng sự đã phẫu thuật hơn 30.000 ca chấn thương chỉnh hình, gần 20.000 ca thay khớp nhân tạo (khớp háng, khớp gối, khớp vai, khớp khuỷu, khớp ngón tay…), trong đó, khoảng 5.000 ca thay khớp háng cho người cao tuổi.
PGS Khánh lưu ý tỷ lệ người cao tuổi gặp chấn thương gãy xương đùi ngày càng gia tăng do loãng xương và nguy cơ ngã rất cao. Vì thế, người cao tuổi nên bổ sung canxi, vitamin D, duy trì chế độ vận động hợp lý, sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi cần thiết và cải thiện không gian sống để giảm nguy cơ ngã.
Khi phát hiện chấn thương cần đưa bệnh nhân tới điều trị tại các cơ sở y tế chuyên sâu, đầy đủ trang thiết bị và hệ thống gây mê hồi sức, để giảm đau đớn cho người bệnh và tăng khả năng phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.