Người bệnh 'oằn lưng' vì thực phẩm chức năng

Không phải thuốc nhưng lại thường xuyên được tư vấn mua; không có tác dụng điều trị nhưng lại chiếm phần lớn chi phí của người bệnh - thực phẩm chức năng đang âm thầm trở thành gánh nặng không nhỏ cho những người bệnh, đặc biệt là người nghèo.

Khi thực phẩm chức năng len vào đơn thuốc

Dù quy định đã rõ ràng, việc kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc vẫn âm thầm diễn ra. Với nhiều hình thức tinh vi, thực phẩm chức năng vẫn đến tay người bệnh, khiến chi phí điều trị tăng cao và gây nhiều hệ lụy.

Một người bệnh đang tìm lại xấp đơn thuốc của mình cũng như gia đình được kê trong nhiều lần khám bệnh gần đây vì nghe thông tin “người bệnh chi 3 đồng thuốc, 7 đồng thực phẩm chức năng”.

Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi có đọc báo và xem TV thấy mọi người đang nói về vấn đề người bệnh đang phải 'oằn mình' chi trả cho thực phẩm chức năng. Một số bác sĩ kê thuốc thì ít mà thực phẩm chức năng thì nhiều".

Dù Bộ Y tế đã có quy định từ năm 2018 không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra ở một số bệnh viện. Điều đáng lo ngại là người bệnh không đủ kiến thức để phân biệt đâu là thuốc điều trị, đâu chỉ là sản phẩm hỗ trợ. Vì vậy, tiền bạc thì tốn nhiều mà hiệu quả điều trị không như mong muốn.

Quy định đã có, nhưng vẫn có bác sĩ lồng ghép các sản phẩm này khiến nhiều người bệnh hiểu lầm đó là thuốc điều trị. Không phân biệt được, nên họ chi nhiều tiền cho thực phẩm chức năng nhưng kết quả là bệnh không lui, tiền bạc đội nón ra đi, niềm tin bị đánh đổi một cách đáng tiếc.

Ranh giới mờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng

Mỗi ngày, hàng nghìn người bệnh đổ về các bệnh viện để khám và điều trị. Nhưng sau cuộc hẹn với bác sĩ, không ít người rời quầy thuốc với hóa đơn cao ngất vì những thứ không phải là thuốc.

Trong đơn thuốc dành cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, có giá 2,3 triệu đồng. Đáng nói, 4 loại thuốc kê trong đơn chỉ có duy nhất 1 thuốc điều trị đó là nexium, 3 loại còn lại là thực phẩm chức năng. Trong đó 14 viên nexium thuốc điều trị có giá 140 nghìn đồng. Khi bệnh nhân nhận đơn cũng không được giải thích rõ.

Không ít sản phẩm thực phẩm chức năng được “hợp thức hóa” bằng những cụm từ dễ gây hiểu nhầm như: hỗ trợ điều trị, tăng sức đề kháng... và không phải ai cũng đủ kiến thức để từ chối khi người bán liên tục nhấn mạnh: “Nên dùng kết hợp mới hiệu quả".

ThS.BS. Đinh Hữu Uân - Phòng khám Tâm thần Đông Đô cho biết: “Người thầy thuốc khi kê đơn thuốc phải có tâm và lựa chọn. Có loại thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ nhưng bác sĩ cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong khi sử dụng để thấy rõ hiệu quả”.

Thực tế, việc quảng cáo và tư vấn thực phẩm chức năng như “thần dược” đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi ranh giới giữa thuốc và thực phẩm chức năng bị làm lu mờ, người bệnh chính là người chịu thiệt thòi nhất bởi sức khỏe không thể đặt cược vào những sản phẩm chỉ “hỗ trợ”.

Siết chặt kê thực phẩm chức năng cho người bệnh

Mặc dù đã có quy định về việc các bác sĩ không được phép kê thực phẩm chức năng vào trong đơn thuốc của bệnh nhân. Trên thực tế việc này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ khi nhiều nơi đã lách luật bằng việc kê ra một phiếu khác gọi là phiếu tư vấn và ai cũng biết rằng, những lời tư vấn của bác sĩ với người bệnh có giá trị như thế nào. Để kiểm soát việc này, nhiều bệnh viện đã không nhập thực phẩm chức năng vào hệ thống của mình.

Thông tư 52 của Bộ Y tế quy định nguyên tắc: các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam và thực phẩm chức năng thì không được kê vào đơn thuốc.

Theo quy định này, các bác sĩ tuyệt đối không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cho người bệnh. Việc tư vấn cần có phiếu chỉ định riêng và giải thích rõ ràng cho người bệnh.

PGS.TS Đào Hùng Hạnh - Trưởng Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bộ Y tế không cấm các bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng cho người bệnh, chúng ta cần rạch ròi giữa hai đơn khác nhau, đơn thuốc và đơn thực phẩm chức năng và trong các giải thích của mình, các bác sĩ phải nói rõ với bệnh nhân đâu là thuốc và đâu là thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng bổ trợ. Quan điểm của tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta chỉ tập trung chữa bệnh cho bệnh nhân bằng các thuốc thiết yếu”.

Thực tế, rất khó để kiểm soát được việc chỉ định tư vấn của nhân viên y tế vì vẫn có những bác sĩ kết hợp với doanh nghiệp để kê đơn ra ngoài nhằm trục lợi từ người bệnh. Đây là lý do Bệnh viện Bạch Mai - một bệnh viện hạng đặc biệt với số lượng từ 8000 - 10.000 bệnh nhân tới khám mỗi ngày đã không đưa thực phẩm chức năng vào hệ thống bệnh viện.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, thực phẩm chức năng không xấu, nhiều sản phẩm có tác dụng hỗ trị điều trị bệnh hiệu quả, nhưng việc lạm dụng để trục lợi từ bệnh nhân là không thể chấp nhận. Mặc dù, những tư vấn, hướng dẫn đó không phải chỉ định bắt buộc, nhưng với tâm lý người bệnh, một lời khuyên của bác sĩ cũng trở thành sự định hướng đầy giá trị, khiến họ tin và làm theo bằng mọi giá.

Một số quốc gia quy định về thực phẩm chức năng

Tại Mỹ, thực phẩm chức năng như vitamin, khoáng chất, thảo dược... không được coi là thuốc và không được kê đơn trong hệ thống y tế chính thống. Thay vào đó, chúng được quản lý như thực phẩm, theo Đạo luật Y tế và Giáo dục Thực phẩm Bổ sung (DSHEA) năm 1994. Theo quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), các công ty sản xuất không cần xin phép FDA trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, trừ khi sản phẩm có chứa "thành phần mới" chưa từng được lưu hành trước năm 1994. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp phải thông báo và nộp hồ sơ chứng minh độ an toàn trước khi sản phẩm được bày bán.

Tuy không phê duyệt trước, FDA có vai trò giám sát sau khi sản phẩm đã được lưu hành, bao gồm kiểm tra cơ sở sản xuất, giám sát thị trường, xử lý sản phẩm kém chất lượng hoặc có hại, và tiếp nhận phản hồi từ người tiêu dùng. Đồng thời, các nhà sản xuất phải đảm bảo sản phẩm không gây hiểu lầm, không "gán mác" chữa bệnh và phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia.

Trong thực hành y khoa thông thường, bác sĩ Mỹ hiếm khi kê thực phẩm chức năng như một loại thuốc, trừ những trường hợp thiếu hụt dinh dưỡng rõ ràng. Việc sử dụng các sản phẩm này thường được tư vấn thêm bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Tại Australia, thực phẩm chức năng, bao gồm vitamin và khoáng chất, được quản lý bởi Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA). TGA giám sát chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của các sản phẩm này, tương tự như với thuốc. Các sản phẩm hợp pháp đều có mã số AUST trên nhãn: AUST R: Đã được đánh giá toàn diện về độ an toàn, chất lượng và hiệu quả. AUST L/AUST L(A): Thuộc nhóm rủi ro thấp, không cần đánh giá trước khi bán, nhưng chỉ được chứa thành phần và công dụng đã được TGA phê duyệt sẵn.

Dù không kiểm duyệt tất cả trước khi lưu hành, TGA tiến hành giám sát thị trường hàng năm, kiểm tra bằng chứng về hiệu quả sản phẩm. Nếu phát hiện vi phạm như thiếu bằng chứng khoa học, quảng cáo sai sự thật hoặc nhãn mác không đúng, TGA có quyền thu hồi sản phẩm khỏi thị trường và công khai danh sách vi phạm. Người tiêu dùng được yêu cầu kiểm tra mã AUST trên nhãn để xác định mức độ kiểm định sản phẩm và đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Nhật Bản là "cái nôi" của khái niệm thực phẩm chức năng, bắt đầu từ năm 1984 trong một nghiên cứu được chính phủ tài trợ, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm tải cho hệ thống y tế. Đến năm 1991, Nhật trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành tiêu chuẩn pháp lý cho nhóm “Thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe” (FOSHU) - nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành thực phẩm chức năng phát triển. Khác với một số nước còn nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc, Nhật Bản quy định rõ ràng: thực phẩm chức năng dành cho người khỏe mạnh, sử dụng hàng ngày và không phải thuốc chữa bệnh. Các sản phẩm mang nhãn FOSHU hoặc FNFC (thực phẩm có cam kết về chức năng dinh dưỡng, nhưng không cần chứng minh lâm sàng) phải tuân thủ nghiêm ngặt về ghi nhãn, quảng cáo và minh bạch lợi ích sức khỏe. Từ năm 2015, Nhật Bản cải tiến quy trình cấp chứng nhận FOSHU, giúp giảm chi phí và thời gian xét duyệt, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường. Tính đến năm 2014 đã có hơn 1.100 sản phẩm được cấp chứng nhận FOSHU, trở thành biểu tượng tin cậy của người tiêu dùng Nhật.

Theo tờ Nikkei Asia, sau vụ bê bối thực phẩm chức năng men gạo đỏ của hãng Kobayashi Pharmaceutical năm ngoái, doanh số bán thực phẩm chức năng tại Nhật Bản đã giảm 11% trong tuần tính đến ngày 1/4/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Việc khôi phục lại niềm tin cho công chúng là một điều vô cùng quan trọng, nhất là khi Nhật Bản nổi tiếng với quy trình kiểm tra chất lượng khắt khe nhưng lại để lọt vụ việc men gạo đỏ. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đã tiến hành khảo sát và thẩm tra khoảng 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng tương tự xem có bất kỳ báo cáo về vấn đề sức khỏe nào hay không. Các quốc gia đều có hệ thống quản lý thực phẩm chức năng riêng biệt, nhưng điểm chung là: thực phẩm chức năng không phải thuốc, cần sử dụng đúng mục đích và minh bạch về công dụng nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Phan Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-benh-oan-lung-vi-thuc-pham-chuc-nang-324397.htm