Mê Linh (Hà Nội): Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 9/9, UBND huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị báo cáo quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, kế thừa mô hình quy hoạch chung năm 2011 với chùm đô thị đa cực, đa trung tâm và trong tổng thể Thủ đô, định hướng phát triển 3 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh thành thành phố Bắc sông Hồng là “trung tâm mới” nhằm bảo đảm không gian phát triển.
Trên nền tảng quy hoạch này, huyện Mê Linh dự kiến phát triển không gian vùng theo mô hình “Hai trục - Hai trọng tâm - Hai hành lang xanh”. Trong đó, hai trục động lực là Vành đai 4 và trục Hà Nội - Lào Cai. Hai trọng tâm phát triển là: Trọng tâm phía Tây với khu vực tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới. Trọng tâm phía Đông tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính huyện, trung tâm dịch vụ thương mại… Hành lang xanh ven sông Hồng và sông Cà Lồ.
Ngoài ra, huyện còn xây dựng các hành lang liên kết dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh (đường 100m) và dọc tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập.
Đối với công nghiệp, huyện xây dựng 3 khu công nghiệp với tổng quy mô 1.120ha và bổ sung 2 cụm công nghiệp làng nghề 100ha nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư đến hoạt động.
Về ngành thương mại - dịch vụ, huyện Mê Linh tập trung phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp gắn với các trục giao thông chính như Vành đai 4, đường trục Mê Linh - Võ Văn Kiệt; hình thành trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng về hoa, rau và nông sản. Đặc biệt, huyện xây dựng một trung tâm logistic tại khu vực xã Kim Hoa, với quy mô 120-150ha...
Về giao thông trong vùng đô thị, huyện phát triển theo quy hoạch phân khu đô thị đã được duyệt. Vùng ngoài phát triển đô thị đầu tư các tuyến quốc lộ 2 - cảng Chu Phan và đường Tiền Phong - Tự Lập được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 308, 312 thành đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe; nâng cấp, cải tạo tuyến đường đê sông Hồng đoạn từ Vành đai 4 đến cảng Chu Phan đường cấp III, quy mô 2 làn xe... Các tuyến đường huyện, liên xã, cải tạo từ các tuyến đường hiện có, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V đồng bằng…
Với việc quy hoạch theo các hướng tuyến này, UBND huyện Mê Linh mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản quan tâm tham gia ký kết hợp tác, đầu tư, phát triển huyện Mê Linh đúng định hướng…
Cùng ngày, UBND huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất ở năm 2023 và những năm tiếp theo…
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức, để chủ động nguồn thu cho ngân sách và dành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện xây dựng đề án tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện quy hoạch 163 khu vực đấu giá đất với diện tích 449ha, diện tích sử dụng đấu giá khoảng 185ha trên địa bàn 18 xã, thị trấn trong huyện.
Với quy hoạch này, các năm 2021 và 2022, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá được 20 dự án với diện tích hơn 36.000m2, thu về ngân sách gần 1,2 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, do thị trường bất động sản đóng băng, công tác đấu giá đất gặp khó khăn nhưng huyện Mê Linh vẫn tổ chức đấu giá được 4 dự án, số tiền thu được khoảng 90 tỷ đồng. 3 tháng cuối năm 2023, huyện Mê Linh sẽ tổ chức đấu giá thêm 3 dự án tại xã Tam Đồng, thị trấn Quang Minh và xã Tiến Thịnh, dự kiến thu 127-140 tỷ đồng…
Tại Hội nghị, đại diện UBND huyện Mê Linh thông tin đến các nhà đấu tư kế hoạch triển khai đấu giá quyền sử dụng đất ở trong năm 2024 và 2025. Cụ thể, năm 2024, tổ chức 7 dự án, diện tích đất đấu giá là 4,8ha, quy hoạch thành 462 thửa đất; năm 2025 triển khai 14 dự án, diện tích đất giá là 11ha, quy hoạch khoảng 1.000 thửa đất…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, các khu đất dự kiến đấu giá đã được huyện lập quy hoạch chi tiết 1/500, đang hoàn thiện hồ sơ đấu giá và xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, thủy lợi, chiếu sáng, khu cây xanh… Đặc biệt, các khu đấu giá đều nằm ở vị trí trung tâm các xã, thị trấn, cạnh trục giao thông, khu đô thị… thuận lợi cho phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ.
“Tới đây, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất tại huyện Mê Linh sẽ được hỗ trợ tối đa các thủ tục: Mua hồ sơ, nộp tiền, rút ngắn thời gian làm sổ đỏ để người dân không phải đi lại nhiều…”, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.