Mê Linh hướng đến phát triển nông thôn bền vững

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mê Linh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng quê. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm

Là vựa rau, hoa của TP. Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn như: Vùng trồng củ cải trắng (xã Tráng Việt); vùng trồng su hào (xã Tiền Phong); vùng rau gia vị (xã Tiến Thắng); vùng trồng hành tây ở xã (Văn Khê); vùng trồng hoa ở các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê... Trưởng phòng Kinh tế huyện Phạm Thành Đô cho biết: Vụ đông 2021 - 2022, toàn huyện đã gieo trồng khoảng 1.600ha rau màu và 700ha hoa giá trị kinh tế cao như: Hồng thế, hoa chậu trang trí, hoa ly, loa kèn, đào, cúc... Nhờ các vùng chuyên canh lớn này, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, tạo động lực rất lớn cho chương trình xây dựng NTM của địa phương.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Mê Linh

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Mê Linh

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh) cho biết: Sau khi được UBND huyện phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông đã tập trung phát triển nông trại tổng hợp với diện tích gần 129.000m2. Trong đó, 4000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao đem lại doanh thu hàng năm cho gia đình khoảng 7 tỷ đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình có bước phát triển vượt bậc hơn trước.

Cũng giống như gia đình ông Dũng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện cũng đã khấm khá hơn nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh) đã trồng hoa cúc hàng chục năm nay. Theo anh Toàn, trước đây, khu ruộng nhà anh trồng lúa, năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Từ khi chuyển đổi sang trồng hoa cúc, nhờ thị trường ổn định, thời tiết thuận lợi, mỗi năm anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm thuộc Chương trình OCOP như: Bưởi đỏ Tráng Việt; rau, củ, quả Tráng Việt… Đến nay, toàn huyện đã phát triển được tổng số 35 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xây dựng, nhân rộng.

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí

Đến Mê Linh hôm nay, thay đổi dễ nhận thấy nhất là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm, đầu tư đồng bộ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2020 vừa qua, toàn huyện đã huy động được 4.011 tỷ đồng tập trung xây dựng mới 442,8km và cải tạo 105,5km đường giao thông trục liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, trục chính nội đồng; xây mới 51km kênh mương cấp 3. Giao thương đi lại thuận tiện, đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống củangười dân; thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, hiện đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Mê Linh không ngừng được nâng lên. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 20 nhà văn hóa, khu thể thao với số tiền gần 66 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 126 điểm trường học; nâng cấp, cải tạo 6 nhà văn hóa với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa xã, thôn luôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao… Hiện, 67/81 thôn, làng; 17/18 tổ dân phố trên địa bàn đã có nhà văn hóa với trang thiết bị đồng bộ.

Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. Trong năm 2021 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song huyện đã nỗ lực triển khai được 52 dự án với tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng. Trong đó, có gần 150 tỷ đồng do TP. Hà Nội hỗ trợ. Cũng nhờ sự quan tâm, đầu tư của thành phố, đến nay, toàn huyện đã có 60/72 trường học công lập thuộc thẩm quyền quản lý được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,3%. 16/16 xã đạt tiêu chí trường học trong xây dựng NTM; tỷ lệ các hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ cấp nước từ công trình cấp nước tập trung đạt 84%.

Đến nay, huyện Mê Linh đã có 16/16 xã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 65 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn hiện cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP. Hà Nội; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 80 - 85%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% trở lên... và không còn hộ phải ở nhà tạm, nhà dột nát.

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, Mê Linh tiếp tục phấn đấu duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê. Mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

________

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội)

KHÁNH DUY

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/me-linh-huong-den-phat-trien-nong-thon-ben-vung-i289476/