Mẹ mắc bệnh lây qua đường dục có lây truyền cho thai nhi?
Tôi đang mang thai ở tháng thứ 6. Gần đây, tôi thấy có hồng ban mụn nước, dấu hiệu của herpes sinh dục. Xin hỏi bệnh có thể lây truyền cho thai nhi không?
Tôi đang mang thai ở tháng thứ 6. Gần đây, tôi thấy có hồng ban mụn nước, dấu hiệu herpes sinh dục. Xin hỏi bệnh có thể lây truyền cho thai nhi không?
Ths.BS Huỳnh Thị Thanh Thùy, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM
Phụ nữ mang thai vẫn có thể bị lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs hoặc STIs). Phụ nữ có thai có thể bị nhiễm STDs giống như phụ nữ không mang thai. Nhiều STDs thầm lặng hoặc không có triệu chứng, vì vậy, bạn có thể không nhận thấy gì mặc dù đã nhiễm bệnh.
Người mẹ bị STDs thì thai nhi cũng ảnh hưởng theo. Các bệnh lý này nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng đối với cả người mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, STDs càng làm tăng nguy cơ nhiễm HIV dễ dàng hơn. Bạn có thể ngăn chặn bằng cách làm xét nghiệm STDs sớm trong giai đoạn đầu thai kỳ và lặp lại lần nữa lúc gần sinh khi cần thiết.
Phụ nữ cũng nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào bạn gặp phải hoặc hành vi tình dục có nguy cơ cao và đề nghị làm xét nghiệm STDs. Ngay cả khi đã được tầm soát trong quá khứ, bạn cũng nên kiểm tra lại khi mang thai.
Đối với thai phụ mắc STDs, việc điều trị có thể được tiến hành trong thai kỳ tùy trường hợp cụ thể.
Một số STDs như chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas, viêm âm đạo có thể được điều trị và chữa khỏi bằng kháng sinh an toàn khi mang thai.
Tuy nhiên, STDs gây ra bởi virus như herpes sinh dục, viêm gan B, HIV không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dùng thuốc kháng virus hoặc các biện pháp phòng ngừa khác để giảm nguy cơ truyền bệnh cho con.
Để giảm nguy cơ mắc STDs khi mang thai, cách duy nhất là không quan hệ tình dục mà không dùng bất cứ biện pháp phòng hộ nào, cả bằng đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn.