Mẻ mứt cho ngày Tết

Thời bao cấp khó khăn, bánh mứt không dễ mua như bây giờ. Mấy đĩa mứt để tiếp khách ngày Tết đều do mấy cô con gái khéo tay trong nhà kỳ công làm suốt mấy ngày.

Đĩa mứt Tết ngon mắt, đường kết hạt trắng tinh thể hiện sự khéo tay của cô con gái trong nhà. Ảnh: S.G.

Đĩa mứt Tết ngon mắt, đường kết hạt trắng tinh thể hiện sự khéo tay của cô con gái trong nhà. Ảnh: S.G.

Tết thì càng cần béo với ngọt. Ngọt đây là ngọt đường ngọt mật, là thứ xa xỉ ở thời ấy. Nhà quê trồng mía ép mật làm đường, thế mà trẻ con cũng cứ đợi đấy, chờ tới phiên chợ Tết, thích thì theo bà theo mẹ ra mé chợ, nơi hàng mật hàng đường quần tụ, sẽ được nhón cái đóm mà xỉa vào thùng mật, mút mát say mê.

Vài ba hôm nữa thôi sẽ có bánh mật bánh gai gói lá chuối khô, chè kho thơm lừng đò ho thảo quả. Ra Giêng, đĩa chè kho lên mốc ngoài, lấy con dao bài gọt nhẹ đi, bên trong vẫn nguyên lành, còn ngon nữa. Tôi thì thích hơn vị chè bà cốt nấu bằng đĩa xôi để trên bàn thờ, mặt ngoài cứng quèo, hạ xuống thổi phù phù để tàn hương bay đi, cho đẫy gừng đập dập giã nhỏ vào, và, nhất thiết phải được nấu bằng đường phên, màu nâu nâu đỏ đỏ.

Này, món nghèo quê nghèo, thế mà chiến tranh đánh phá vừa ngừng, ra tới Hà Nội là phải thèm nhạt mới buồn. Thời bao cấp, nhà quê tự cấp tự túc, tết nhất đĩa xôi cái bánh chạy quanh làng xóm, tiếng vậy mà ê hề gấp mấy nhà người Hà Nội.

Ở Hà Nội, lấy quái đâu ra để mà cứ khách tới là thượng ra trước mặt từng khách một góc đĩa chè kho cho ngày xuân thêm ngọt ngào. Bánh mật bánh gai, cũng phải là nhà chân trong chân ngoài nửa quê nửa tỉnh mới có mà ăn chứ.

Bìa Tết cho mỗi gia đình, chẳng nhớ tính kiểu gì, nhưng thể nào cũng có gói mứt, tạp từ cái vỏ hộp tạp đi. Ấy thế mà trẻ con cứ nhìn cái hộp mứt in đỏ đỏ xanh xanh lòe loẹt nhòe nhoẹt là chân tự dưng thành chân sáo.

Vài ba miếng mứt bí ngọt khé họng, tí mứt gừng cay cay, đôi mảnh mứt dừa béo béo, và lổn nhổn mứt lạc như hòn bi ron ron bọc lớp đường trắng. Này, các bạn ta khi đó còn đang tuổi bé, ngày Tết có phải chúng mình khoái nhất cái món bọc đường này không?

Khoái, vì nhẽ chỉ được nhón dăm ba hạt thế thôi, phải chờ khách tới chơi, bê ra bê vào mời mọc, gặp phải năm nào Tết bị nồm, tất cả chảy nước ra thì mới...

Chờ đến khi thành con gái mười ba mười bốn, đêm đêm ngực đau mưng mưng, ngày ngày đi học xấu hổ bê cái cặp lên ngang vú che che, rồi giấu giếm mặc cái yếm tân thời đầu tiên, chỉ sợ đứa nào nó chỉ trỏ sau lưng chê bai chế nhạo. Khi đó, bạn bè nhiều lên, bọn con giai ở lớp ngày thường cực kì khó chịu, thế mà Tết thì rồng rắn chở nhau tới nhà bọn chúng mình, lên giọng chúc Tết từ người lớn tới người bé hơn mình, như thật.

Đấy là lúc chúng mình bắt đầu biết đổ cát vào chảo đặt lên bếp rang hạt bí và lo món ngọt cho mấy ngày xuân.Để có được mấy món đó, cả nhà theo lệnh mấy cô con gái phải nhịn miệng để dành đường. Đâu như mỗi người được ba lạng đường mỗi tháng, mua theo bìa, đựng bằng giấy bao xi măng, đúng không?

 Cuốn tản văn Tuổi ấy mình yêu của nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Trẻ.

Cuốn tản văn Tuổi ấy mình yêu của nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Trẻ.

Con gái Hà Nội thời bao cấp tiếng vậy mà khéo phết. Quanh năm có được kiến tập thực tập gì cái vụ nữ công gia chánh thật sự đâu, thế mà gần Tết, cô nào cũng làm được chí ít là mứt khế mứt khoai. Mứt khế dễ ăn dễ làm.

Nhưng cũng như là nấu cơm, luộc rau, pha nước mắm ấy, càng đơn giản thì càng phải để tâm cầu kì, cơm phải chạm hơi, rau thì tùy loại phải tái phải nhừ, nhưng mà kiểu gì thì cũng đừng có vàng ệch ra khi vớt... Sau này, có lần ngồi với mấy ông thợ mộc, nghe giảng giải làm cái tủ cánh phẳng khó hơn tủ cánh cong, mới ngộ ra cánh đàn ông bận bịu với cái bào cái chàng cái đục hóa ra cũng khó cũng khổ như là mình hàng ngày lo cơm nước.

Chết chết, đang nói chuyện ăn lại tự kéo nhằng mình vào chuyện làm. Á thì cái sự làm mứt khế. Khế khô ra chợ là có, ngâm kĩ để miếng khế khô quắt như mộc nhĩ nở đều, mềm đến độ, và quan trọng nhất là ra hết bụi bặm dính vào khi người ta thái khế đem phơi.

Sên mứt thì khỏi phải nói là kì công thế nào. Chỉ biết, ở nhà đứa bạn nào ngày Tết cũng được mời món mứt giản dị, nghèo hiền này, mình vẫn thường tự hỏi bọn con giai ăn vào có biết mứt đứa nào làm ngon hơn của đứa nào không? Ngọt. Chua. Mềm. Dai. Đã đành.

Còn phải là đến độ. Mà tay mỗi đứa thì mỗi khác, lẽ nào những nôn nao khi ngồi canh chảo mứt cũng như nhau? Nhưng mà thôi, nói chuyện ăn là ngóng sự xem. Xem mấy thằng con giai bạn cùng lớp với mình, hay ngắm nghía mấy ông anh bạn cùng lớp bà chị mình rón rén đưa lên môi miếng mứt, nói thật là phải ăn đúng lúc đó mình thấy mứt bọn mình làm mới ngon.

Nhà khá nhiều đường, lắm con gái, còn bày ra làm mứt khoai, mứt gừng, mứt quất, mứt cà chua. Vẫn nhớ năm nào đến nhà chị bạn ở Hàn Thuyên, ra sức ăn mứt chị làm, còn chọc “là chúng mình ăn hộ chị tí”, chỉ vì món mứt cà chua của bà chị bị nhão.

[...]

Phải nhấn mạnh sự học của chị bởi lẽ thường không ai có thể đòi hỏi chị điều ấy, vì chị bị liệt. Nhà khá thật, nhưng lúc đó đã mấy ai trong cảnh ấy có nổi cái xe lăn, chị di chuyển chỉ bằng cái xe ba bánh trẻ con, hết dạy học (tiếng Pháp tiếng Anh) nhà trên, lại xuống nhà dưới săm soi mẻ mứt. Mấy chục năm qua, vẫn cứ nhớ gương mặt trắng xanh xinh xắn ngẩng lên, trên số phận, những ngày ấy rập rình xuân.

[...]

Lê Minh Hà/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/me-mut-cho-ngay-tet-post1456847.html