Mẹ nhờ gia đình trông con trai 7 tuổi, từ Hà Nội vào TP.HCM chống dịch

Gác lại công việc kinh doanh và gửi con trai cho em họ trông giúp, chị Hà Giang một mình vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch cùng nhóm thiện nguyện.

2h sáng 21/7, chị Hà Giang (sống tại Hà Nội) ngồi làm "công tác tư tưởng" với cậu con trai 7 tuổi trước khi lên đường vào TP.HCM tình nguyện hỗ trợ chống dịch. Cậu bé dù không muốn xa mẹ nhưng khi biết chị đi giúp đỡ những người khó khăn giữa dịch, bé đồng ý và động viên mẹ lên đường.

Bé còn bảo chụp chung một bức ảnh để "mẹ vào Sài Gòn chống dịch, khi nhớ con có cái đem ra nhìn cho đỡ buồn".

Vì tình hình dịch phức tạp và thời gian gấp rút, chị Giang không kịp đưa con gửi về quê cho bà ngoại chăm sóc. Sau khi có kết quả xét nghiệm Covid-19, chị đưa con gửi cho cô em họ trông giúp rồi về nhà chuẩn bị hành trang lên đường.

"18h, tôi mang kéo ra tự cắt phăng mái tóc, vì nghĩ khi đi chống dịch để tóc dài sẽ rất bất tiện. 20h, tôi một mình ra sân bay, hôm đó cũng là ngày cuối cùng các chuyến bay Hà Nội - TP.HCM được hoạt động. Tôi không dám báo tin cho mẹ vì sợ bà lo lắng. Đến lúc vào tới nơi, mới dám gọi điện về thông báo tình hình", chị Giang kể với Zing.

Chị Giang bốc dỡ hàng hóa, chở thực phẩm tiếp tế cho bà con khó khăn ở khắp các quận ở TP.HCM.

Chị Giang bốc dỡ hàng hóa, chở thực phẩm tiếp tế cho bà con khó khăn ở khắp các quận ở TP.HCM.

13 ngày qua, chị Giang ngày đêm tham gia công tác điều phối, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm tới khắp các khu phong tỏa, điểm cách ly ở TP.HCM. Về khách sạn sau giờ giới nghiêm 18h, chị tiếp tục cùng nhóm của mình thống kê, lên danh sách những nơi bà con cần hỗ trợ cho ngày mai. Có những hôm phải 2-3h sáng chị mới ngủ.

Những ngày chống dịch

Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi sau khi vận chuyển xong hàng hóa, chị Giang có cuộc trò chuyện với phóng viên. Chị tâm sự khi biết chị quyết định vào TP.HCM, nhiều bạn bè cũng như người quen trong đội tình nguyện đã bảo chị "điên" khi lao vào tâm dịch giữa lúc tình hình đang phức tạp.

"Tính ra Sài Gòn không có mối liên hệ gì với tôi cả, gia đình tôi không ở trong này, cũng chẳng có bạn bè thân thiết, tôi cũng chưa từng sống ở đây. Nhưng khi đọc tin tức, biết được nhiều người dân đang gặp khó khăn và lực lượng chống dịch đang quá tải, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải lên đường.

Trước khi tôi vào, nhóm tôi làm việc cùng là đội tình nguyện của ca sĩ Thái Thùy Linh đã vào trước, tìm hiểu cụ thể ở khắp các quận để nắm được đúng đối tượng cần giúp đỡ và vạch ra kế hoạch cụ thể. Nhờ đó, tôi hiểu hơn tình hình và biết mình sẽ làm được gì nếu đi vào. Điều đó càng khiến tôi nung nấu ý định vào Nam chống dịch".

Những ngày đầu, chưa quen với đường sá ở TP.HCM, chị Giang chủ yếu đi theo Google Maps. Ban ngày, chị tham gia bốc dỡ hàng hóa, chở đồ tiếp tế đến từng khu vực. Không ít lần chị lạc đường, mất hàng tiếng đồng hồ chạy lòng vòng vì đi nhầm vào khu vực đã bị phong tỏa, chốt chặn.

"Vào đây, làm việc cùng nhóm tôi mới thấy có quá nhiều người nghèo đang phải vật lộn trong dịch bệnh. Mỗi ngày di chuyển hàng chục điểm, tôi chỉ có thể gọi điện xác nhận theo danh sách, tới trao đồ rồi nhanh chóng đi sang nơi khác.

Chẳng có thời gian tâm sự, hỏi han người mình giúp đỡ, nhưng tôi luôn nhớ ánh mắt rạng ngời của họ. Nhiều giọt nước mắt đã rơi, những lời cảm ơn mà họ nói với theo khi tôi chào tạm biệt là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục công việc này".

Các thành viên trong đội thiện nguyện “Người Việt thương nhau” tích cực hỗ trợ người dân khó khăn tại TP.HCM.

Các thành viên trong đội thiện nguyện “Người Việt thương nhau” tích cực hỗ trợ người dân khó khăn tại TP.HCM.

Một buổi chiều, khi đã phát xong các điểm trong một khu vực và di chuyển sang nơi khác, chị Giang mới phát hiện mình bỏ sót một điểm. Khi đó, trời đổ mưa tầm tã, cũng đã gần tới giờ giới nghiêm, chị định quay về rồi mai mới phát tiếp.

"Nhưng rồi tôi chợt nghĩ họ đang rất khó khăn và đang chờ mình tới giúp. Tôi gọi điện rồi quay lại. Tới nơi, tôi xúc động khi thấy trong 4 người có một cụ bà, chỉ mặc một tấm áo mưa, đội chiếc nón cũ. Cụ đi bộ từ trong con hẻm sâu ra đầu đường để nhận đồ tiếp tế. Họ rơi nước mắt, cảm ơn khi nhận món quà nhỏ. Trao quà xong, tôi nhẹ lòng và thấy may vì đã quay trở lại".

Vượt qua nỗi nhớ con

Thời gian này, nhóm tình nguyện "người Việt thương nhau" mà chị Giang tham gia luôn hoạt động hết công suất. Mỗi người đảm nhận một công việc, từ nhận hàng cứu trợ, thu thập thông tin những người cần giúp đỡ, xác minh và lên danh sách tiếp tế mỗi ngày.

Có những ngày, chị Giang cảm thấy "tụt mood" khi gặp vấn đề nan giải hay mệt mỏi khi liên tục hỗ trợ nhiều nơi.

"Có lần, phải bốc dỡ hàng tấn gạo trong khi mặc bảo hộ kín mít và đeo khẩu trang, tôi thấy khó thở, lồng ngực đau tức, mồ hôi túa ra. Mấy hôm nay đeo khẩu trang liên tục, vành tai tôi đau rát vì nổi nhọt. Nhưng cuối ngày, mệt mỏi nào cũng qua, tôi và mọi người lại động viên nhau cố gắng".

Mỗi ngày, chị luôn tìm cách "bơm" năng lượng bằng cách đăng những dòng tích cực lên mạng xã hội hay trò chuyện với bạn bè, gia đình.

Chị thường "bơm" năng lượng cho bản thân bằng những cuộc trò chuyện với gia đình.

Chị thường "bơm" năng lượng cho bản thân bằng những cuộc trò chuyện với gia đình.

Gần 2 tuần xa nhà, chị không tránh được nỗi nhớ con. Thế nhưng chị ít khi dám gọi về vì sợ nhìn thấy con, chị không kìm được nước mắt, sẽ làm cậu bé lo lắng và tinh thần bản thân bị ảnh hưởng.

Thời gian này, khi dịch bệnh ở Hà Nội cũng đang căng thẳng, chị Giang lo lắng vì không được gần con. Mỗi ngày, chị thường tranh thủ thời gian nghỉ để quay clip vài phút gửi cho con xem.

"Con cũng quay clip gửi cho tôi. Tôi yên tâm vì con ngoan và tự biết chăm sóc bản thân khi mẹ đi vắng. Còn nhớ hôm đầu sau khi tôi vào đây, nhìn thấy tóc mẹ đã cắt ngắn, thằng bé trách: 'Sao mẹ cắt tóc, mẹ đã hứa để tóc dài cơ mà'. Tôi đành để dành lời hứa đó với con, khi nào hết dịch, về lại Hà Nội sẽ lại nuôi tóc dài", chị tâm sự.

Đinh Phạm

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/me-nho-gia-dinh-trong-con-trai-7-tuoi-tu-ha-noi-vao-tphcm-chong-dich-post1246985.html