Mẹ như cánh hạc muộn màng về khuya
Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng là địa chỉ sinh hoạt của cán bộ trung, cao cấp của tỉnh đã về nghỉ hưu. Hàng năm, CLB có tập thơ mừng Đảng mừng Xuân do các tác giả là hội viên của CLB sáng tác. Bên cạnh các tập thơ xuân là các tập thơ mang chủ đề về quê hương xứ Thanh, về đất nước và tình yêu... Lần này, CLB Hàm Rồng ra mắt bạn đọc tập thơ Lòng mẹ (NXB Hội Nhà văn, tháng 6-2020). Đây là một sự cố gắng rất lớn của Ban Thơ CLB.
Tập thơ Lòng mẹ tập hợp 58 bài thơ của 45 tác giả, một lực lượng hùng hậu, sung sức tạo nên sức hấp dẫn mới trong đời sống tinh thần, trong sinh hoạt thơ của CLB Hàm Rồng.
1. Tập thơ Lòng mẹ là tình cảm của các tác giả đã lớn tuổi, đã hoàn thành trách nhiệm đối với Đảng, với Nhân dân, đã qua bao trải nghiệm cuộc đời... Cho nên, người đọc bắt gặp ở đây những tình cảm chân thành của những người con tận hiếu tận trung khi nghĩ về mẹ, nhớ về mẹ... Hình ảnh người mẹ in đậm trong trái tim những người con yêu. Đó là những người mẹ:
Đi tìm miếng cơm manh áo
Khắp nẻo đường quê sỏi đá gập ghềnh
(Hoàng Quốc Cảnh)
Người mẹ tảo tần khuya sớm với đồng áng nắng mưa, những tất tưởi chợ phiên mua bán, những đêm trắng se sắt bên con khi trái gió trở trời... qua các trang thơ của Đặng Xuân Bá, Vũ Duy Hòa, Hoàng Thanh Hải, Lê Trung Sơn, Nguyễn Xuân Sít, Lê Văn Thuộc, Nguyễn Thị Hồng Vân...
Nhớ thương, cảm phục, tự hào về mẹ là những cung bậc cảm xúc của những người con thành đạt từ sự nuôi nấng dạy dỗ ân cần của mẹ. Nhà thơ Lê Đăng Sơn với hai bài thơ Ở nơi ấy và Miền ký ức đều dùng hình ảnh so sánh giản dị mà sâu sắc:
- Chiếc đòn gánh trĩu cong như đời mẹ.
- Chiếc đòn gánh dãi dầu oằn cong lưng mẹ.
Và cũng chiếc đòn gánh ấy:
Mẹ nuôi chúng con cứ thế lớn lên
Bằng chân đất đầu trần gánh núi non vất vả
Mẹ dạy chúng con băng qua thời gian khổ
Để nghĩa tình còn mãi với mai sau...
(Miền ký ức)
Tác giả Phạm Duy Thanh lại viết về người mẹ đã lo toan mọi việc nhà để cha yên tâm đi đánh giặc:
Nuôi con nuôi cả ước mơ
Mai kia khôn lớn phụng thờ nước non
Vai gầy lòng sắt dạ son
Việc nhà, việc nước nuôi con thay chồng.
Rồi cha hy sinh, nỗi đau của mẹ đến tận cùng: Cái ngày đau xót cuối đông/ Tin cha xé ruột, nát lòng mẹ tôi. Mẹ trở thành vợ liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng. Bài thơ lục bát Tình mẹ của tác giả Phạm Duy Thanh đã khắc họa được hình ảnh người mẹ Việt Nam thời chống Mỹ.
Phần lớn các bài thơ là những hồi ức, là những kỷ niệm tuổi thơ với người mẹ kính yêu của mình trong tập thơ Lòng mẹ. Lớn lên, thoát khỏi vòng tay mẹ, nhiều người đi ra mặt trận, người đi học tập và công tác xa nhà. Khi trở về nhà thì mẹ đã đi vào cõi thiên thu... Nhà thơ Lê Xuân Giang trong bài Ngày mẹ ra đi là nỗi đau xót xé lòng:
Để hôm nay con thổn thức nghẹn lời
Khi trên đời, con không còn mẹ nữa
Giữa đất trời, con bỗng như đứa trẻ
Muốn gào lên gọi mẹ, mẹ ơi!
Cuối mỗi khổ thơ, nhà thơ Lê Xuân Giang đều dùng các điệp từ như một thủ pháp nghệ thuật, để cố níu giữ mẹ ở lại cõi đời: mất mẹ, mẹ ơi/ lòng mẹ, mẹ ơi/ vắng mẹ, mẹ ơi/ gọi mẹ, mẹ ơi/ dâng mẹ, mẹ ơi... Đây là một dụng ý nghệ thuật và cũng là tình cảm chân thành của tác giả trước những mất mát và hụt hẫng!
Đó là tổn thất lớn nhất của mẹ và những đứa con. Trước bàn thờ hay trước mộ của mẹ, những người con cầu mong sự linh ứng để được gặp mẹ, nói chuyện với mẹ... Trong bài Thắp hương ngày giỗ mẹ, tác giả Lê Thanh Mãi viết:
Con biết hôm nay mẹ sẽ về...
... Cúi đầu bái lạy, mẹ ra về
Nhớ con nên mẹ chẳng muốn đi
Trong ảnh, mẹ nhìn con chăm chú
Lệ con rơi chảy dưới hàng mi.
Tác giả Nguyễn Xuân Sít trong bài Viếng mộ chiều tà đã thể hiện nỗi buồn xa xăm, vời vợi, nhoi nhói trước nấm mộ của mẹ, dẫu biết rằng:
Tử sinh là lẽ ở đời
Mà sao con thấy nhói nơi tim mình...
... Ra về ngoảnh lại đằng sau
Con xin đi tiếp, lần sau con về.
Nhà thơ Cao Sơn Hải khi về bản thăm mẹ thì mẹ đã không còn nữa. Dưới cầu thang nhà sàn, ông như thấy bão giông ập đến, sấm thét gào, mưa xối âm vang. Bài thơ Mẹ ơi được tác giả sử dụng điệp ngữ Mẹ ơi mở đầu mỗi đoạn như một tiếng kêu nhức nhối, thương cảm, nghẹn ngào. Kết thúc bài thơ là một cách so sánh vừa táo bạo, cụ thể và cũng rất độc đáo:
Có hay mẹ dưới suối vàng
Khúc ruột con đó, tấm băng tang cho mẹ.
Cùng viết về người mẹ dân tộc thiểu số, tác giả Hà Văn Thương trong Nhớ mẹ lại có một sự liên tưởng rất mới mẻ: Bốn mươi năm xa chồng/ Chồng đi thì cứ đi/ Khi chồng về thăm nhà/ Mới biết mình có chồng/ Chồng thì lo việc nước/ Mẹ thì lo việc nương/ Giữ cho ngọn đèn hồng/ Không cho đèn vụt tắt. Lời thơ mộc mạc chân tình mà ý thơ thật sâu sắc. Mẹ đã Cả đời gùi núi rừng/ Ươm mầm xanh cho núi/ Núi vẫn đứng đó hoài/ Cây vẫn vươn theo núi/ Trăng vẫn rọi núi rừng/ Mẹ đã về với núi...
2. Trong tập thơ Lòng mẹ có đến gần chục tác giả là nữ với những cái tên quen thuộc trên các trang thơ, hội thơ như Nguyễn Thị Hồng Vân, Đinh Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhường, Nguyễn Bằng Nguyệt, Chu Thị Hằng, Nguyễn Thị Hải... Hơn ai hết, các tác giả là người hiểu mẹ và hiểu mình nhất. Tác giả Nguyễn Thị Nhường hoài niệm về mẹ với Mỗi lần tết con về/ Trèo hái cau cho mẹ/ .../ Cau vẫn còn đứng đó/ Mẹ bây giờ ở đâu? Với bốn bài thơ tứ tuyệt, tác giả Nguyễn Thị Hải đã khắc tạc chân dung người vợ đoan trang, thủy chung (Hòn đá vọng phu), người mẹ Việt Nam Anh hùng:
Dâng hương hai nén, hai bài vị
Một cúng con trai, một cúng chồng.
(Bà mẹ Việt Nam Anh hùng)
Tác giả Đinh Thị Cúc cho đến bây giờ vẫn còn nghiện mùi trầu của mẹ bởi đó là mùi yêu thương chỉ riêng mẹ, mẹ ơi. Lúc giá rét mẹ nhai trầu đỡ rét. Nhà thơ đã có một phát hiện thật bất ngờ: Nhớ ngày xưa khi mùa màng thất bát/ Cơm nhường con, khi đói mẹ nhai trầu.
Có một điều khá thú vị là trong tập thơ Lòng mẹ ta bắt gặp tấm lòng thơm thảo của con dâu với mẹ chồng, con rể với mẹ vợ và con chồng với mẹ kế! Các tác giả đã vượt ra ngoài định kiến thông thường, hòa nhập với xã hội hiện đại, và trên hết là cái tình cái nghĩa, là sự thông cảm và sẻ chia đầy tính nhân văn. Tác giả Hoàng Thanh Hải (Mẹ vợ tôi) thấm thía sâu sắc công lao của mẹ vợ: Lo chồng phấn đấu nên nghiệp lớn/ Nuôi con ăn học kịp bằng người.
Chu Thị Hằng đồng cảm với những khó khăn gian khổ cũng như mơ ước của mẹ là có được dâu hiền rể thảo. Thì đây:
Vui mừng mẹ sống an bình
Con dâu với mẹ hợp tình nên duyên...
(Mẹ chồng)
Tác giả Nguyễn Gia Hiệp trong bài Mẹ kế của tôi đã thông cảm với hoàn cảnh của mẹ phải làm vợ kế: Vốn dòng gia tộc tài danh/ Cụ ông mất sớm mẹ thành mồ côi... Dù là vợ kế thứ ba/ Mình mẹ cáng đáng trong ngoài ấm êm. Nhưng mẹ sống chu đáo, coi con chồng cũng như con mình nên mẹ được bù đắp bằng chính tình yêu của những người con chồng:
Lòng con xúc động vỡ òa
... Con xin dâng mẹ bài ca cuộc đời.
Lòng mẹ được viết bằng nhiều thể thơ: tự do, đường luật và lục bát, trong đó thể thơ lục bát chiếm đến hơn một nửa (30/58 bài). Có thể, lục bát là thể thơ quen thuộc, dễ bộc lộ cảm xúc và tâm tư đối với các tác giả của CLB? Vũ Thanh Tuấn có những câu lục bát mượt mà: Đôi vai mẹ gánh cuộc đời/ Nắng mưa đi giữa bầu trời nước non (Mẹ). Nguyễn Bằng Nguyệt nhớ mẹ là: Nhớ thời cánh võng véo von/ Mẹ đưa kẽo kẹt, ru con câu Kiều.../ Mẹ như cánh vạc thân cò/ Ngày đêm lặn lội bên bờ gió sương. Đặng Xuân Bá có một sự so sánh, liên tưởng, hàm ơn và tự hào về mẹ: Tằm tơ rút ruột hao mòn/ Ép khô đời mẹ, tươi tròn đời con. Thật bất ngờ với những câu thơ lục bát như thế!
Nhiều bài thơ lục bát đạt đến độ nhuần nhuyễn giữa cảm xúc – tư duy – ngôn từ – hình tượng... của các tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Hai nhà thơ Lê Xuân Đồng và Trần Đàm có hai bài thơ trùng tên: Vu lan nhớ mẹ. Nhưng mỗi tác giả có cách biểu hiện riêng. Một Trần Đàm lãng đãng mà chân tình khi ông viết:
Gió trời một chút heo may
Nôn nao nhớ mẹ giữa ngày vu lan
Một đời gồng gánh đa đoan
Mẹ như cánh hạc muộn màng về khuya.
Lời thơ mộc mạc mà có sức khái quát cao, chạm vào trái tim của bao độc giả.
Nhà thơ Lê Xuân Đồng lại chắt chiu từng con chữ:
Gian nan như lửa thử vàng
Mẹ như tùng bách kiên gan với đời
Cháo rau đắp đổi lần hồi
Nuôi con ăn học bằng người mẹ vui...
... Vu lan lòng dạ héo hon
Nơi xa xôi... mẹ đã tròn An vui!
Hai nhà thơ, hai cách so sánh: Mẹ như cánh hạc muộn màng về khuya (Trần Đàm) và Mẹ như tùng bách kiên gan với đời (Lê Xuân Đồng) như bổ sung cho nhau để Mẹ luôn là một tượng đài trong tâm hồn mỗi chúng ta!