Mê trận Khóa học hè: Chọn sao cho đúng, trúng
Với mong muốn đem lại cho con những trải nghiệm quý giá mà trường lớp, sách vở còn thiếu, nhiều gia đình sẵn sàng chi từ vài chục đến hàng trăm triệu cho các khóa học mùa hè. Tuy nhiên, giữa mê hồn trận những lời quảng cáo hấp dẫn trên mạng, phụ huynh cần tỉnh táo để chọn đúng đơn vị uy tín, lịch trình phù hợp và hiệu quả với trẻ em.

Học viên tham gia chương trình Chiến sĩ tí hon 2024. Ảnh: TTTTN.
Đa dạng lựa chọn
Những năm gần đây, các hoạt động trải nghiệm cho trẻ khi mùa hè đến rất đa dạng với nhiều hình thức từ miễn phí tới mất phí. Truyền thống nhất có thể kể đến các hoạt động sinh hoạt hè tại khu dân cư thường tổ chức tại các nhà văn hóa của thôn, xã, phường, thị trấn, quận, huyện… do đoàn thanh niên triển khai với chủ yếu là các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao. Các nhà thiếu nhi, cung văn hóa của nhiều địa phương mở các câu lạc bộ sinh hoạt hè với nhiều hoạt động như lớp học vẽ, học hát, làm MC, nhảy hiện đại, cờ vua, bơi lội… Nhìn chung, mức giá của các lớp học này đã được tính toán phù hợp với đa số người dân trên địa bàn để khuyến khích trẻ tham gia. Thời gian các lớp học cũng đa dạng với nhiều khung giờ, có thể phân chia thành các độ tuổi hoặc không giới hạn độ tuổi tùy lớp học nên cha mẹ có thể lựa chọn tùy theo sở thích và điều kiện của gia đình.
Đơn cử, tại Cung thiếu nhi Hà Nội cả 2 cơ sở ở quận Hoàn Kiếm và quận Nam Từ Liêm năm nay đã mở cửa chiêu sinh các câu lạc bộ hè với thời gian hoạt động từ 8h đến 11h và từ 14h đến 20h mỗi ngày bắt đầu từ 2/6 đến 24/8/2025. Học sinh từ 3-18 tuổi có thể đăng ký các câu lạc bộ nghệ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, khám phá vũ trụ, nấu ăn, Stem, nghi lễ măng non, hành trang lớn khôn tiểu học, các môn học bổ trợ cho việc học chính khóa như tin học, ngoại ngữ, văn, toán… với hình thức lớp học tập thể hoặc cá nhân tùy bộ môn.
Học phí cũng đa dạng, chẳng hạn lớp học violin 12 buổi cho trẻ từ 5-15 tuổi có phí 1,8 triệu đồng với lớp học khoảng 10 học sinh và phí gần 4,7 triệu đồng nếu học 2 em.
Nhiều đơn vị, tổ chức khác cũng chiêu sinh các lớp học bán trú thời gian và học phí linh hoạt. Chị Lê Phương Thanh (Quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết đang tìm hiểu khóa học bán trú cho con học lớp 4 chuẩn bị lên lớp 5. Trong đó, chị đang cân nhắc chọn khóa 8 tuần (10,5 triệu) hay 12 tuần (15 triệu) của một trung tâm có tiếng ở TPHCM với hệ thống 7 cơ sở đã được mở 4 năm nay, được nhiều phụ huynh yêu thích và giới thiệu cho nhau. Chị cũng muốn cho con về chơi hè với ông bà một thời gian hoặc đăng ký các khóa học tập trung nhưng bé chưa muốn đi xa mẹ một thời gian dài nên trước mắt các khóa bán trú sẽ phù hợp hơn.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác lại đưa con đến các khóa tu với những trải nghiệm sinh hoạt ở môi trường xa lạ giúp con học thêm những kỹ năng mới. Như chùa Đống (Phúc Long Tự) tại Thanh Trì, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức khóa tu mùa hè năm 2025 với chủ đề “Thơm ngát hương từ bi” với nội dung: học về phép tắc làm con, hiếu kính với ông bà cha mẹ, hòa thuận với mọi người và thiên nhiên, sống lành mạnh không tệ nạn xã hội, tụng kinh, ngồi thiền, tập ăn chay, tự rửa bát, tự tắm và giặt quần áo.

Nở rộ là các khóa trải nghiệm "học kỳ quân đội".
Cẩn trọng giữa rừng thông tin
Nở rộ nhất phải kể đến các khóa trải nghiệm trong quân ngũ với tính kỷ luật cao được nhiều phụ huynh tìm kiếm với các tên gọi như: mùa hè/trại hè/học kỳ quân đội, học kỳ công an, học kỳ trên biển, học làm chiến sỹ công an… Kể từ khi học kỳ quân đội tổ chức lần đầu tiên năm 2008 do Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh xây dựng chương trình và tổ chức tại nhiều đơn vị quân đội, đến nay các khóa học tương tự do các đơn vị khác nhau tổ chức đã thu hút hàng trăm nghìn lượt học viên. Chỉ tính riêng Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam SYC trong 17 năm liên tục tổ chức học kỳ quân đội đã huấn luyện hàng chục nghìn học viên cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các bậc phụ huynh ngày nay cho thế hệ trẻ.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều đối tượng đã giả danh các đơn vị chính quy tổ chức trại hè hướng nghiệp để lừa đảo các bậc phụ huynh. Điển hình năm 2024, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bị lừa mất số tiền hơn 1 tỷ đồng khi vào fanpage "Học kỳ trong quân đội 2024" khảo sát để đăng ký khóa học trại hè cho con. Nhiều vụ việc tương tự khác cũng xảy ra khi phụ huynh tìm kiếm thông tin các khóa học này trên mạng, nhắn tin cho các page có vẻ rất uy tín với hình ảnh hoạt động của lực lượng vũ trang và được các tài khoản này giới thiệu có kết nối các đơn vị quân đội trên toàn quốc, học viên tham gia được trải nghiệm môi trường đào tạo của lực lượng vũ trang; được hỗ trợ ăn uống, đồng phục và chứng nhận của các đơn vị. Khi phụ huynh tin tưởng chuyển tiền hoặc truy cập vào các đường link giới thiệu do các tài khoản này gửi sẽ bị mất tiền.
Ngày 6/5 vừa qua, trang thông tin chính thức trên facebook của Công an tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng tội phạm tạo lập các website, facebook giả mạo các trường đại học, trung tâm đào tạo, quảng cáo các khóa huấn luyện học kỳ, trại hè quân đội, công an… cho trẻ em nhằm tiếp cận phụ huynh có nhu cầu và dụ dỗ nạp tiền tham gia để chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, chỉ đăng ký tham gia và chuyển tiền khi đã tìm hiểu rõ thông tin của đơn vị tổ chức. Khi phát hiện bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất và phản ánh qua ứng dụng VNeID.
Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội cũng thông tin cảnh báo đến các bậc phụ huynh khi tiếp nhận thông tin cũng như quyết định tham gia bất kỳ chương trình nào cần phải cẩn trọng xác minh, tìm đến đúng các trang thông tin chính thức từ Fanpage Thành đoàn Hà Nội và Hội đồng Đội thành phố Hà Nội thay vì tin tưởng các lời quảng cáo trên mạng. Trước đó, nhiều phụ huynh phản ánh về việc trang Fanpage “Học kỳ Hè Quân đội năm 2025” giới thiệu là “được tổ chức bởi Thành đoàn Hà Nội” và “đồng hành cùng Trung tâm Thiếu niên miền nam, Công ty TNHH Đại lý VINFAST” đã liên hệ trực tiếp, gửi tin nhắn, gọi điện và mời phụ huynh đăng ký tham gia cho các em học sinh qua những đường link không rõ nguồn gốc.
TS Nguyễn Tuấn Anh - Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam khuyến cáo phụ huynh không nên nóng vội, tin vào các lời quảng cáo miễn phí hay giảm học phí mà đăng ký cho con mà chưa tìm hiểu kỹ về chương trình này được tổ chức bởi ai, đơn vị nào, có đủ uy tín, chất lượng hay không? Cần quan tâm đến tính pháp lý của chương trình xem có được cấp phép hay không để đảm bảo con trẻ được gửi gắm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực của các tổ chức, cá nhân mở ra các khóa học, từ đó đánh giá về tính hiệu quả, an toàn của các khóa học. Đồng thời, tìm hiểu đánh giá, review của những người đã từng sử dụng dịch vụ trước đây để xem họ đánh giá và cảm nhận như thế nào về các hoạt động này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/me-tran-khoa-hoc-he-chon-sao-cho-dung-trung-10306047.html