Mẹ tự chữa lành con vượt khiếm khuyết
GN - Thành đạt, hạnh phúc, luôn tràn đầy năng lượng, được hai con trai xem như bạn thân, luôn lắng nghe và thấu hiểu. Có thể nói cuộc sống viên mãn ở tuổi 41 của chị Trần Vân Anh - tác giả quyển sách Hôm nay mẹ có vui không là điều mà nhiều người mơ ước.
Tuy vậy, ít ai biết rằng, chị từng trải qua những giai đoạn bế tắc cùng cực, khủng hoảng đổ vỡ hôn nhân đưa chị đến những dằn vặt ám ảnh. Phải trải qua hành trình tìm kiếm, đối diện nỗi đau và chữa lành mới có một Trần Vân Anh như hiện tại.
Trong cuộc trò chuyện với Giác Ngộ, chị Trần Vân Anh chia sẻ về những khủng hoảng của bản thân ở tuổi được gọi là thanh xuân của cuộc đời:
- Tôi bắt đầu có những khủng hoảng đầu tiên vào năm 30 tuổi, tôi chán cảnh diễn gia đình hòa thuận trong các cuộc ăn nhậu của cơ quan chồng mà anh hay gọi tôi đến để “ngồi cho vui”. Tôi bực bội khi anh ôm khư khư đống việc cả chủ nhật, ngày lễ. Tôi ra mặt đòi hỏi những thứ mà chưa khi nào tôi đề cập tới chẳng hạn như đi du lịch cả nhà, ăn trưa hẹn hò, hay đơn giản là nắm tay tôi ra ngoài.
Có lần tôi trở về sau đám cưới họ hàng nhà anh và tuyên bố không bao giờ đi cùng anh nữa vì không chịu nỗi cảnh anh đem vợ tới, bỏ vợ ngồi một góc với người không quen và anh đi cụng bia khắp nơi. Cuộc cãi vã gay gắt khi anh bảo tôi ích kỷ.
Tôi nghi ngờ hỏi: Tôi có hạnh phúc không? Câu hỏi dằn vặt: Tôi đích thị là ích kỷ, không ra gì? Điều đáng sợ hơn tất cả là khi tôi dạy cho con học, con mất tập trung và làm sai, tôi đã la hét và đánh mắng con khiến cả hai đều khóc, không phải vì đau mà vì sợ hãi. Sau trận ấy tôi xấu hổ, ân hận và tự ghê sợ chính mình. Các con vốn nhanh quên, nhưng hình ảnh hai đứa trẻ ngồi dí vào góc nhà khóc lóc ám ảnh tôi suốt nhiều ngày. Lúc ấy, tôi biết mình đang bị bất ổn về tâm lý, cảm xúc rất nhiều.
* Chị đã làm gì để vượt qua giai đoạn cảm xúc nhiều tiêu cực đó?
- Để giải quyết những bất ổn tâm lý, tôi tìm đọc rất nhiều sách tâm lý, nghiên cứu Phật pháp, đi chùa, tụng kinh, yoga, ngồi thiền. Tôi nhận diện bản thân, tự đặt câu hỏi mình muốn cái gì? Và rồi tôi biết mong muốn cháy bỏng là mang lại cho các con mình một cuộc đời hạnh phúc.
Tôi rút ra điều quan trọng hơn tất cả là muốn con hạnh phúc thì trước tiên người mẹ phải thật sự hạnh phúc. Mẹ vui hay buồn có ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình làm mẹ và tâm lý đứa con. Mẹ dịu dàng hay gắt gỏng, nóng nảy hay kiên nhẫn đều tác động đến hành vi và suy nghĩ của con. Khi mẹ hạnh phúc, mẹ trở nên nhẹ nhàng, bao dung, con sẽ lớn lên bình an, vượt qua khiếm khuyết và tự tìm cho mình lẽ sống.
Khi mẹ hạnh phúc, mối quan hệ mẹ con sẽ tự nhiên trở nên khăng khít, mẹ chỉ cần đốt đuốc lên, con sẽ tự tìm ra lối đi cho riêng mình. Nhưng muốn có hạnh phúc thì trái tim phải được chữa lành.
Hiểu đời, hiểu người không quan trọng bằng hiểu mình. Thành thật với bản thân và thực hành đối thoại với chính mình là hai bí quyết mấu chốt đem lại hạnh phúc trọn vẹn không chỉ trong tình yêu - hôn nhân mà còn trong các vấn đề khác của cuộc sống. Tôi bắt đầu thực hành điều này nhiều năm, để chữa lành, để thăng hoa và dấn thân hoàn toàn vào một cuộc đời mới.
* Chị đã chữa lành cho chính bản thân mình bằng cách nào?
- Đó là cả một hành trình tìm kiếm và trải nghiệm. Tôi đi nhiều nơi để tìm cho mình câu trả lời.
Một mình lên Sa Pa trong mùa đông lạnh giá, để quan sát trẻ em, phụ nữ H’Mông mưu sinh dưới cơn mưa phùn lất phất. Một mình lang thang khắp Seoul với vốn tiếng Hàn ít ỏi, tìm kiếm bản ngã giữa đất nước hoàn toàn xa lạ.
Tôi tự đến tận Mỹ vào mùa đông tuyết trắng xóa, và ở trong một ngôi chùa gần mười ngày, tôi ăn chay, không tiếp xúc ai để dành thời gian tĩnh lặng chiêm nghiệm bản thân. Tôi muốn nhìn thấy giới hạn của chính tôi trong việc chịu đựng cô đơn và tìm ra đâu là ý nghĩa của cuộc sống. Chuyến đi này đưa tôi đến quyết định ly hôn và cũng là chuyến đi tôi khám phá ra phương cách chữa lành: Thực hành đối thoại với chính mình!
Tôi vận dụng nhiều lời dạy trong cuốn sách Năng đoạn kim cương, trong đó Đại sư Geshe Michael Roach giải thích nhiều tầng ý nghĩa mà Đức Phật dạy từ nguyên thủy.
Trong ngày, khi nỗi cô đơn hay cảm giác tiêu cực ập tới, tôi không còn cuống cuồng chạy trốn hoặc buông xuôi để nó nhấn chìm nữa. Tôi tự đối thoại với chính mình để thức tỉnh rằng, đây chỉ là cảm xúc sai lầm.
Khi cơn giận tới, tôi hít thở sâu, tập luyện giữ im lặng 10 giây trước khi thể hiện nó ra. Lúc xưa có khi tôi la hét, nhưng sau này khi thực hiện 10 giây im lặng và hít sâu, tôi nhìn rõ sự nóng giận vô lý của mình là xấu xí, là tổn thương người khác, tôi dần dà kiểm soát cơn giận tốt hơn và trở nên vui vẻ. Tuy chưa thuần thục nhưng đó là bước tiến dài trong việc tự rèn luyện để trở thành một tôi phiên bản tốt hơn.
Lợi ích tôi nhận được từ đối thoại với chính mình, tôi không còn cảm thấy buồn bã vô cớ; không khắc nghiệt nữa mà trở nên dễ chịu hơn, ngay cả với những sai sót; và nhận ra giá trị, điểm mạnh, điểm yếu, niềm đam mê.
* Con chị đã nhận được gì từ sự thay đổi của mẹ?
- Thật ra, con mình là một trong những nhân tố đặc biệt giúp mình thay đổi. Tiến Huy (học lớp 10) và Minh Khôi (học lớp 8) ngày nào cũng hỏi mình hoài một câu “hôm nay mẹ có vui không mẹ”. Câu nói của con giúp thức tỉnh mình, phải ngưng lại những tiêu cực để mà cảm nhận hôm nay mình có vui không? Vui vì cái gì, hoặc không vui thì vì sao không vui? Câu nói của con nó cũng ấm áp nữa, nó cho mình thấy là con rất quan tâm đến niềm vui của mẹ, cứ mẹ vui là con vui.
Trong giai đoạn đầu ly hôn và cả bây giờ, mình hỏi các con bố mẹ ly hôn nên tụi con đi đi về về hai nhà, tụi con có buồn phiền không? Các con đều kêu tụi con thấy bình thường. Bố mẹ ly hôn thì tụi con có hai nhà. Cả bố và mẹ đều hạnh phúc, tụi con cũng vậy.
Điều mình cảm thấy may mắn là sau tất cả, mình tìm được hạnh phúc ở bạn đời mới. Hai con và bạn đời mới của mình rất thân nhau, ba người đàn ông có thể ngồi nói với nhau nhiều thứ trong nhiều giờ liền. Anh không áp đặt suy nghĩ, các con tự do đưa ra chính kiến của mình. Ý kiến phản biện hợp lý anh sẵn sàng bảo “ừ, cái đó đúng” nên nhà luôn là mái ấm.
* Theo chị, điều gì đã giúp cho chị và con thân thiết với nhau?
- Tôi nghĩ tất cả đều xuất phát từ tình thương và tôn trọng. Mình thương sẽ hiểu, biết lắng nghe thay vì áp đặt, ích kỷ và biết làm gì để người mình thương được hạnh phúc thật sự.
Trong 40 năm cuộc đời, tôi vẫn tin rằng làm con khó hơn làm mẹ rất nhiều. Làm con phải vừa ăn ngoan, ngủ kỹ chóng lớn, lễ phép vâng lời, học giỏi, trân trọng công lao của cha mẹ và phải cố gắng thành đạt. Bạn có thể nói “Làm mẹ có dễ dàng hơn đâu?”. Vâng, làm mẹ là gánh lên mình sứ mệnh trọn đời - sứ mệnh cung cấp vật chất cho con, và yêu thương con vô điều kiện. Và thực hiện sứ mệnh ấy chưa bao giờ là giản đơn, nhất là khi bạn làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, ít nhất bạn có quyền lựa chọn làm mẹ hay không, còn đứa trẻ thì không hề có quyền lựa chọn ấy.
Với tôi, thành công trong nuôi dạy con cái không chỉ nằm ở việc có một truyền thống gia đình tốt đẹp hoàn hảo, cũng không chỉ ở sự chuẩn bị chu đáo hay lượng kiến thức khổng lồ mà ta áp dụng. Thành công thực sự ở việc ta đối diện thực tế, thay đổi bản thân và sử dụng trái tim người mẹ một cách sáng suốt, và giúp nhau hoàn thiện mình.
Thật ra, có điều tôi chưa chia sẻ, đó là khi ly hôn và sau đó, mỗi ngày tôi vẫn tiếp tục thực hành đối thoại với chính mình, sửa mình rất nhiều. Sửa không phải để được nhiều người thích, sửa mục đích chính là để những chứng thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, chứng sợ hãi giảm bớt và biến mất. Mình sửa để đạt được thứ bên trong mình, cho chính bản thân mình và cho chính hạnh phúc người thân của mình.
* Xin cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/me-tu-chua-lanh-con-vuot-khiem-khuyet-post60292.html