Mẹ vừa đi tắm, bé 1 tuổi đã đuối nước dưới ao
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhi 1 tuổi bị đuối nước cùng với nhiều tổn thương nghiêm trọng.
Số ca tử vong do đuối nước tại các địa phương trên khắp cả nước hiện nay đang không ngừng tăng cao đặc biệt là khi mùa hè tới gần. Ngày 6/5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhi 1 tuổi bị đuối nước được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện huyện Cần Đước (Long An).
Theo thông tin từ gia đình, lúc bé đang chơi trước sân thì mẹ bé đi tắm. Khi tắm xong không thấy bé đâu mẹ đã đi tìm. Sau 10 phút, người mẹ phát hiện bé đang nổi trên ao nước cạnh nhà. Gia đình đã nhanh chóng đưa bé lên và tiến hành ép tim, sốc nước sơ cứu cho bé.
Sau khi được sơ cứu, người bé có tình trạng gồng cứng và trở nên tím tái. Người nhà đã đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Cần Đước và sau đó bé được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng tím tái, gồng người. Các bác sĩ đã phải tập trung ép tim, liên tục dùng thuốc cấp cứu trợ tim mạch.
BS. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: "Sau 2 ngày điều trị chống phù não tích cực, phủ kháng sinh trị viêm phổi hít, thở máy hỗ trợ bé đã thoát cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các tổn thương não vẫn chưa tiên lượng chính xác được".
Theo các ghi nhận trước đây, trẻ ở độ tuổi từ 1-3 tuổi có thể gặp phải các tai nạn đuối nước ngay cả đối với các bể có mực nước cạn khoảng 4-5cm. Trước đây, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một bệnh nhi tại TP.HCM bị ngạt nước khi ngã vào xô nước trong nhà tắm.
Theo các bác sĩ, quá trình và kỹ thuật sơ cứu tại chỗ cho đối tượng bị ngạt nước rất quan trọng. Quá trình này quyết định khả năng sống còn và các di chứng mà bệnh nhân phải đối mặt về sau. Nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời có thể gặp phải một vài di chứng về não bộ, thần kinh...
Vậy nên, ngay khi gặp trường hợp đuối nước cần lập tức đưa nạn nhân lên bờ. Cho nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng an toàn, đầu nghiêng sang 1 bên và kê gối dưới hai vai, sau đó tiến hành khai thông đường thở, cung cấp oxy cho nạn nhân.
Trong trường hợp bệnh nhân tím tái, ngừng thở cần tiến hành cấp cứu ấn tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo bằng cách thổi miệng cho nạn nhân. Tiếp tục hỗ trợ, sơ cứu nạn nhân cho tới khi nạn nhân hồi tỉnh, hô hấp bình thường hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Một trong những phương pháp giúp giảm thiểu tình trạng tử vong, tai nạn đuối nước xảy ra đó chính là công tác phòng tránh. Để bảo vệ con em, phụ huynh nên thực hiện các phương pháp như:
Rào kín lại ao, bể bơi, kênh rạch gần nhà
Đối với các trẻ nhỏ, không nên cho bé vào nhà tắm một mình
Luôn theo dõi trông chừng trẻ
Nên trang bị các loại phao bơi, áo phao cho trẻ (không nên dùng phao hơi, các loại phao tự chế như thân chuối, can nước...)
Không nên cho trẻ tiếp xúc với nước, đi bơi mà không có người lớn biết bơi đi cùng
Nên cho trẻ đi học bơi khi có thể.
Phạm Thương