Men lá Bình La – Hương vị của núi rừngTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19
Những năm qua, trên địa bàn xã Bình La, huyện Bình Gia có nhiều hộ đang phát triển nghề làm men lá truyền thống vào những lúc nông nhàn vừa để phục vụ gia đình vừa cung cấp ra thị trường. Việc làm men không chỉ gìn giữ nghề truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Được ông bà truyền dạy nên ngay từ lúc 16 tuổi, chị Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1987) ở thôn Bản Khoang, xã Bình La đã biết lên rừng tìm các loại lá thuốc, cây rừng về làm men lá để nấu rượu. Chị Tâm cho biết: Trước đây, mỗi khi nông nhàn, tôi lại tranh thủ làm men lá để nấu rượu cho gia đình sử dụng khi có việc như đám cưới, giỗ, tết. Từ năm 2015 đến nay, do nhiều người tìm mua loại men này nên tôi làm tăng số lượng men lên để bán, trung bình mỗi năm, gia đình tôi bán ra gần 60 nghìn quả men đem lại thu nhập gần 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí, giúp đời sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn.
Còn đối với bà Hoàng Thị Nhen, thôn Bản Tát, xã Bình La thì nghề làm men lá đã gắn bó từ thời còn thiếu nữ cho đến tận bây giờ. Bà Nhen cho biết: Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ vào rừng tìm những loại lá, dược liệu về để làm men nấu rượu. Từ năm 2015, do có nhiều người tìm mua nên trung bình mỗi tháng, gia đình tôi làm được 2 hoặc 3 mẻ men để bán cho những người có nhu cầu và thu về hơn 4 triệu đồng nên gia đình cũng có thêm chút thu nhập. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục theo nghề và truyền lại bí quyết cho con, cháu để gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên.
Chị Tâm, bà Nhen chỉ là hai trong số nhiều hộ đang gìn giữ nghề làm men lá trên địa bàn xã. Được biết, trước đây, người dân chỉ làm men lá để phục vụ gia đình. Tuy nhiên khoảng chục năm trước, sản phẩm này được ưa chuộng, người tìm mua rất nhiều nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường. Cứ như vậy, nghề làm men lá truyền thống tại xã Bình La gắn bó với đời sống người dân nơi đây từ đời này sang đời khác và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2015 đến nay. Hiện toàn xã có hơn 50 hộ còn giữ nghề làm men lá, tập trung chủ yếu ở các thôn: Bản Khoang, Bản Tát, Bản Cà…
Để có được những quả men tốt, người dân tìm các loại cây thảo dược có tính nóng, tính hàn, có vị ngọt, vị cay, vị đắng trộn với nhau theo công thức gia truyền tạo nên một vị thuốc bắc bổ dưỡng. Trung bình một mẻ men lá cần khoảng từ 10 đến 15 loại cây nhưng không thể thiếu cây chủ lực và sử dụng với tỷ lệ nhiều hơn so với các cây khác theo tiếng Nùng gọi là: co xáy diệp, co slam slic lạc…
Sau đó, các loại cây được rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô và được sát cùng gạo, với một số cây dùng rễ, thân cứng không nghiền nát được thì đem đun nước sôi để lấy nước nhào với bột gạo rồi nặn thành các quả men với kích thước phù hợp.
Cách ủ men phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, từng gia đình có bí quyết ủ riêng, men sau khi nặn được xếp ra một cái nong to trải rơm khô bên dưới, xếp men xong tiếp tục phủ một lớp rơm lên trên. Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh mà quả men sẽ lên men sớm hay muộn. Men sau khi ủ xong được phơi chỗ thoáng mát cho khô dần để đảm bảo chất lượng rượu.
Thứ men này giúp rượu thành phẩm có đặc trưng riêng với hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương vị lá rừng nên khi uống rất êm, dịu, sử dụng điều độ sẽ tốt cho sức khỏe. Hiện sản phẩm men lá Bình La không chỉ được người dân ở trong và ngoài huyện ưa chuộng mà còn được người dân ở các tỉnh khác như: Thái Nguyên, Cao Bằng… đến tìm mua. Trung bình mỗi tháng, tranh thủ lúc nông nhàn, các hộ làm men có thể làm được 3 hoặc 4 mẻ, mỗi mẻ cho ra từ 1.200 đến 1.400 quả men thành phẩm và được bán với giá 25 nghìn đồng một gói men (khoảng 10 đến 15 quả men để làm được một mẻ rượu) đem lại thu nhập gần 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ông Hoàng Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bình La cho biết: Việc làm men lá không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với những hiệu quả đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục khuyến khích và động viên bà con mở rộng, phát triển hơn nữa nghề làm men lá và tiến tới lựa chọn sản phẩm men lá làm sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của xã.
Tin rằng, với sự chủ động lưu giữ nghề của người dân và sự quan tâm, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, thương hiệu men lá Bình La sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như góp phần lưu truyền những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân nơi đây.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/468144-men-la-binh-la-huong-vi-cua-nui-rung.html