Mệnh lệnh môi trường và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn

Phân loại rác thải không chỉ là hành động thiết yếu để bảo vệ môi trường, mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, trên thế giới, rác thải được phân loại thành nhiều nhóm dựa trên tính chất, mức độ nguy hại và khả năng tái chế. Tuy nhiên, việc thực hiện và mức độ chi tiết của hệ thống phân loại này lại khác nhau giữa các quốc gia.

Có những loại rác thải nào?

Rác thải được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau dựa trên tính chất và phương pháp xử lý để giảm thiểu tác động đến môi trường.

 Nguồn: evreka.co

Nguồn: evreka.co

Rác hữu cơ bao gồm các loại thực phẩm thừa, vỏ trái cây, lá cây, cành cây và các chất thải phân hủy sinh học. Loại rác này có thể được tái sử dụng để làm phân hữu cơ, thức ăn gia súc hoặc sản xuất khí sinh học.

Rác tái chế gồm kim loại (lon nhôm, sắt thép), nhựa (chai nhựa, túi nhựa), giấy (báo cũ, bìa carton) và thủy tinh (chai lọ, kính vỡ), có thể tái chế để tạo ra nguyên liệu mới cho sản xuất.

Rác thải nguy hại như pin, bóng đèn huỳnh quang, hóa chất và thuốc trừ sâu cần được xử lý đặc biệt để tránh gây hại cho môi trường và sức khỏe. Rác không tái chế gồm túi nylon, hộp xốp và các vật liệu khó phân hủy, thường được chôn lấp hoặc đốt. Rác điện tử bao gồm điện thoại, máy tính, tivi và các thiết bị điện tử cũ, có thể tái chế linh kiện hoặc thu hồi các kim loại hiếm.

Rác thải y tế như kim tiêm, găng tay y tế và thuốc hết hạn được thu gom và tiêu hủy theo quy trình nghiêm ngặt. Rác thải xây dựng như bê tông, gạch, thép và kính có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Cuối cùng, rác thải công nghiệp, bao gồm các hóa chất và vật liệu thừa từ nhà máy, được xử lý theo phương pháp chuyên biệt hoặc tái chế tùy thuộc vào loại rác. Việc phân loại và xử lý rác đúng cách không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quy định nghiêm ngặt

Phân loại và quản lý rác thải là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt chú trọng, với các quy định pháp luật nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Tại Liên minh châu Âu (EU), Chỉ thị khung về rác thải (2008/98/EC) đặt ra thứ tự ưu tiên quản lý rác: ngăn ngừa, tái sử dụng, tái chế, phục hồi, và tiêu hủy, đồng thời yêu cầu tái chế 55% rác thải đô thị vào năm 2025. Các nhà sản xuất phải chi trả chi phí thu gom, tái chế và xử lý sản phẩm của mình. Trong khi đó, Chỉ thị về nhựa dùng một lần (2019) cấm sản xuất các sản phẩm nhựa khó phân hủy, còn Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (2020) thúc đẩy kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm rác thải.

 evreka.co

evreka.co

Ở cấp độ quốc gia, tháng 8.2024, Luật Kinh tế tuần hoàn của Scotland đã được Hoàng gia phê chuẩn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi quốc gia sang nền kinh tế tuần hoàn và không rác thải. Luật này đặt mục tiêu tăng mạnh tỷ lệ tái sử dụng và tái chế, đồng thời hiện đại hóa các dịch vụ tái chế và xử lý rác thải. Với tầm nhìn hướng tới một nền kinh tế bền vững, Scotland cam kết tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất phần lớn vật liệu ngay trong nước, mang lại lợi ích toàn diện cho môi trường, kinh tế và xã hội.

Khung pháp lý về quản lý rác thải của Nhật Bản thì được điều chỉnh bởi Luật Quản lý chất thải và vệ sinh công cộng năm 1970, yêu cầu các hộ gia đình phân loại rác thành các nhóm cụ thể như rác đốt được, rác không đốt được và rác tái chế. Luật này cũng khuyến khích các địa phương xây dựng các chương trình tái chế chi tiết. Bên cạnh đó, Luật Thúc đẩy tái chế và các hoạt động liên quan trong xử lý tài nguyên thực phẩm tuần hoàn, ban hành năm 2000, tập trung vào việc tái chế rác thực phẩm từ hộ gia đình, khuyến khích chuyển đổi chúng thành phân bón hoặc năng lượng để hỗ trợ quản lý rác thải bền vững.

 evreka.co

evreka.co

Tại Hàn Quốc, hệ thống trả phí theo lượng rác thải buộc người dân mua túi đựng rác tiêu chuẩn và phân loại kỹ lưỡng rác hữu cơ, tái chế và nguy hại. Bên cạnh đó, Luật Tuần hoàn tài nguyên áp dụng các yêu cầu tái chế nghiêm ngặt và hạn chế sử dụng nhựa một lần.

Ở Mỹ, Luật Bảo tồn và phục hồi tài nguyên (RCRA) được ban hành từ năm 1976 quản lý xử lý chất thải nguy hại, trong khi các bang như California áp dụng quy định bắt buộc về phân loại rác hữu cơ và tái chế. Đối với cấp bang, nhiều bang đã ban hành luật thúc đẩy tái chế, ủ phân hữu cơ và xử lý rác thải điện tử, ví dụ như Luật Tái chế rác thải điện tử năm 2003 của California…

Trung Quốc từ năm 2019 triển khai Luật Phân loại rác tại các thành phố lớn, chia rác thành 4 nhóm: hữu cơ, tái chế, nguy hại và rác khác, đồng thời đưa ra sáng kiến “Thành phố không rác thải” để tăng cường tái chế và giảm sự phụ thuộc vào các bãi chôn lấp. Ngoài ra, Luật Quản lý rác thải điện tử yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm tái chế sản phẩm điện tử.

Singapore cũng hướng đến chính sách "Không rác thải", khuyến khích tái chế thông qua các trung tâm thu gom tiện lợi, trong khi Australia triển khai Kế hoạch hành động về tái chế quốc gia nhằm tăng tỷ lệ tái chế lên 80% vào năm 2030. Australia còn triển khai Chương trình ký gửi thùng chứa (CDS) nhằm khuyến khích tái chế các thùng chứa đồ uống bằng cách hoàn lại tiền ký gửi. Sáng kiến này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, mà còn tạo nền tảng cho các chiến lược bảo vệ môi trường bền vững, góp phần giải quyết thách thức ô nhiễm toàn cầu.

Ở các nước đang phát triển, nhiều quốc gia như Ấn Độ và Kenya áp dụng Luật Phân loại rác và cấm túi nhựa để giải quyết các thách thức về hạ tầng tái chế và xử lý rác thải.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/menh-lenh-moi-truong-va-xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-post402528.html