Từ điển Huyết học và Truyền máu của bác sĩ Nguyễn Duy Long
Từ điển Huyết học và Truyền máu là một ấn bản của Nhà xuất bản Đà Nẵng vào cuối năm 2024. Sách dày 1.009 trang, khổ A4, bìa cứng với khoảng 12.000 mục từ, kèm phụ lục thuật ngữ huyết học và truyền máu Anh - Việt. Tác giả của cuốn từ điển thuật ngữ huyết học bằng tiếng Việt này là ThS. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, hiện làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Trong lời nói đầu, tác giả Nguyễn Duy Long viết: “Tại Việt Nam, từ điển thuật ngữ đóng vai trò thống nhất và chuẩn hóa thuật ngữ đã được đặt ra từ những năm 40 (của thế kỷ 20). Đồng thời, nó cũng là công cụ tra cứu khi tham khảo tài liệu và cung cấp tri thức thuộc một ngành khoa học cụ thể. Từ điển huyết học và truyền máu này được biên soạn nhằm vào mục đích đó”.
Huyết học và truyền máu là một chuyên ngành nghiên cứu và ứng dụng khoa học về máu, bao gồm việc thu thập, xét nghiệm, bảo quản, truyền máu và các sản phẩm máu, nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến máu. Đặc biệt, việc truyền máu và các sản phẩm máu (như huyết tương, tiểu cầu, bạch cầu...) có thể giúp bệnh nhân duy trì sự sống.
Nếu so với các chuyên ngành khác trong lĩnh vực y khoa tại Việt Nam, huyết học và truyền máu hình thành và phát triển tương đối muộn. Năm 1984, Viện Huyết học và Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai ra đời, thì đến năm 2004 Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trực thuộc Bộ Y tế mới được thành lập. Cùng với những tiến bộ y học nói chung, ngành huyết học và truyền máu cũng nghiên cứu, cập nhật các tiến bộ khoa học trên thế giới và cần phải hoàn chỉnh hệ thống thuật ngữ tiếng Việt chuyên ngành. Điều này không chỉ giúp cho học giới trong nước thống nhất các khái niệm chuyên môn bằng tiếng Việt, mà từ đó còn thúc đẩy và mở rộng các nghiên cứu độc lập cho nhiều thế hệ tiếp nối.
Trước đây, vào năm 2000, Trung tâm Huyết học Truyền máu TPHCM cũng đã cho ra đời Từ điển giải nghĩa Huyết học Truyền máu Anh - Pháp - Việt, khổ nhỏ với gần 300 trang. Từ đó đến nay đã 25 năm, tài liệu này dường như đã không còn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và cập nhật thông tin.
Theo tác giả, Từ điển Huyết học và Truyền máu (2024), được biên soạn dựa theo bản in mới nhất của Từ điển Y học Dorland (2020) và một số từ điển khác.
Tác giả cũng dành gần 20 trang viết đề dẫn để trình bày cách thức xây dựng và tiêu chuẩn thuật ngữ huyết học và truyền máu, đồng thời lý giải cách lựa chọn mục từ mở rộng thuộc ngành y nói chung hay các ngành khoa học cơ bản: vật lý, hóa học...
Phần thuật ngữ tiếng Việt, chủ yếu dựa vào hai từ điển y học có dung lượng tương đối lớn và hiện phổ biến rộng rãi là Từ điển Y dược Pháp - Việt (1976) và Từ điển Y học Anh - Việt (1988) của Bùi Khánh Thuần. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, một số thuật ngữ trong các tài liệu này cần có điều chỉnh cho sát nghĩa hơn.
Ví dụ: hemoglobin/hémoglobine được dịch là “hemoglobin, huyết cầu tố”. Trong cuốn sách của mình, tác giả dịch là “huyết sắc tố” và cho rằng, như vậy thì hợp lý hơn, vì huyết cầu tố được hiểu là thành phần của tế bào máu (huyết cầu), không chỉ liên quan đến hồng cầu mà còn phải kể đến bạch cầu, tiểu cầu… Hơn nữa, vì huyết sắc tố là sắc tố tạo nên màu đỏ của hồng cầu. Tương tự, với hemoglobinopathy/hémoglobinopathie, nên dịch là “bệnh huyết sắc tố” thay vì “bệnh huyết cầu tố”.
Tiêu chuẩn thuật ngữ đã được lớp người đi trước bàn thảo khá thấu đáo và chi tiết. Từ công lao mở đường của các tác giả Hoàng Xuân Hãn (1940), Đàm Quang Hậu (1958), Lê Văn Thới và Nguyễn Văn Dương (1963) qua Lưu Vân Lăng (1968), Vũ Văn Mẫu (1970)... đến Lê Khả Kế (1979) rồi Lưu Trọng Tuấn (2009)... Tuy cách diễn đạt khác nhau và có quan điểm khác nhau trong vài trường hợp cụ thể, nhưng tất cả đều thống nhất một số tiêu chuẩn chính của thuật ngữ về tính hệ thống, tính chính xác, tính ngắn gọn và mang âm hưởng tiếng Việt. Tác giả thừa hưởng và tri ân những người đi trước.
Nguyễn Duy Long sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, 1985-1991, Thạc sĩ y học Đại học Y Hà Nội, 1994-1997. Bác sĩ Long hiện sống và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Ông không chỉ đam mê khoa học mà còn là người yêu mến sách vở, văn chương và đã có nhiều tác phẩm đã xuất bản với hai bút danh là Nguyễn Duy Long và Trần Trọng Cát Tường.